Wednesday, January 8, 2025
Trang chủBiển nóngÝ đồ của TQ khi tìm cách gây nhiễu sóng trên Biển...

Ý đồ của TQ khi tìm cách gây nhiễu sóng trên Biển Đông

Các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã lắp đặt trang thiết bị trên hai tiền đồn mà họ chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa, có khả năng gây nhiễu các hệ thống truyền thông và radar, một diễn biến được coi là một bước leo thang quân sự trên Biển Đông, theo Nhật báo Phố Wall (WSJ).

Động thái này giúp Trung Quốc tăng cường tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông và cản trở các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ nhằm thách thức sự bành trướng của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp với những tuyến đường thủy bận rộn nhất thế giới.

Thông tin này được đưa ra khi quân đội Trung Quốc đang tiến hành cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ trước đến nay ở Biển Đông, bao gồm các bài tập có sự tham gia của tàu ​​sân bay đầu tiên của Trung Quốc, cùng các đơn vị không quân và các đơn vị mặt đất.

Một quan chức của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết: “Trung Quốc đã triển khai các thiết bị gây nhiễu quân sự đến các tiền đồn mà họ chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa.”

Đánh giá của Hoa Kỳ được củng cố bằng một bức ảnh do công ty vệ tinh thương mại DigitalGlobe chụp vào tháng trước và cung cấp cho WSJ. Nó cho thấy một hệ thống bị nghi ngờ là thiết bị gây nhiễu với các ăng-ten mở rộng trên Bãi Đá Vành Khăn, một trong bảy cấu trúc ở Trường Sa mà Trung Quốc đã xây dựng đảo nhân tạo kể từ năm 2014.

Biển Đông

Một bức ảnh vệ tinh chụp bởi DigitalGlobe cho thấy thiết bị gây nhiễu nằm trên bãi Đá Vành Khăn ở Biển Đông. Bức ảnh màu đính kèm cho thấy loại thiết bị này được lắp đặt trên một tiền đồn mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa. (Ảnh: DIGITALGLOBE)

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã không trả lời đề nghị bình luận của WSJ.

Dù tòa án quốc tế đã bác bỏ cơ sở pháp lý cho đường 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh vẫn khăng khăng chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với vùng biển, xây dựng sở hạ tầng và trang bị các thiết bị quân sự trên các tiền đồn trong khu vực.

Theo WSJ, ba trong số các tiền đồn mà Trung Quốc chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa – gồm Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Subi – hiện có các đường băng dài 3 km, các nhà chứa máy bay chiến đấu, các kho đạn dược, doanh trại và các cảng nước sâu cho các tàu thuyền.

Mặc dù các nhân viên quân sự Trung Quốc đang đóng quân tại các tiền đồn ở quần đảo Trường Sa và các tàu Trung Quốc đang neo đậu ở đó, Trung Quốc vẫn chưa đưa các đơn vị mặt đất hay các máy bay chiến đấu lên các hòn đảo nhân tạo, WSJ cho biết thông tin từ các quan chức Mỹ. Hiện chưa có các tên lửa đất đối không hoặc các tên lửa chống tàu được triển khai ở Trường Sa, mặc dù các địa điểm lắp đặt các vũ khí đó đã được chuẩn bị, các quan chức Hoa Kỳ cho biết.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc thật sự lo ngại về việc Trung Quốc có khả năng triển khai nhanh chóng các tài sản quân sự sang các tiền đồn, vì điều này có thể giúp Trung Quốc kiểm soát các tuyến thương mại quan trọng, loại bỏ các tuyên bố chủ quyền của các bên khác trong khu vực và can thiệp vào kế hoạch bảo vệ Đài Loan của quân đội Hoa Kỳ, theo WSJ.

Biển Đông

Bản đồ cho thấy phạm vi mà các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông (Ảnh: CSIS)

Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói với Ủy ban Dịch vụ Vũ trang của Thượng viện hồi tháng trước rằng: “Trung Quốc đã xây dựng một cơ sở hạ tầng khổng lồ đặc biệt nhằm hỗ trợ việc triển khai các khả năng quân sự tiên tiến tới các căn cứ trong thời gian ngắn”.

Theo thông tin tình báo của Hoa Kỳ, thiết bị gây nhiễu của Trung Quốc mới được triển khai trong vòng 90 ngày qua trên Bãi Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn.

“Trung Quốc đã khẳng định rằng việc xây dựng các hòn đảo là để đảm bảo an toàn trên biển, trợ giúp đường thủy, tìm kiếm và cứu nạn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các chức năng phi quân sự khác, tuy vậy, thiết bị gây nhiễu điện tử chỉ là dùng cho mục đích quân sự”, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay.

Các bức ảnh vệ tinh gần đây từ Planet Labs Inc. cho thấy khoảng 40 tàu hải quân Trung Quốc, bao gồm các tàu ​​ngầm và tàu sân bay Liêu Ninh, hoạt động trên Biển Đông, gần đảo Hải Nam, trong một cuộc trình diễn lực lượng bất thường với quy mô lớn.

Biển Đông

Một hình ảnh vệ tinh cho thấy hơn 40 tàu hải quân Trung Quốc, trong đó có tàu sân bay đầu tiên của nước này, đang trên đường qua Biển Đông vào ngày 1/4/2018 (Ảnh: PLANET LABS INC.)

Các cuộc diễn tập của Trung Quốc được tổ chức từ ngày 24/3 đến ngày 5/4 ở ngoài khơi bờ biển của tỉnh Quảng Đông, sau đó rời khỏi bờ biển phía đông của đảo Hải Nam, và họ sẽ tiếp tục diễn tập cho đến ngày 11/4, theo thông báo của cục an ninh hàng hải Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho biết các bài tập của Trung Quốc dường như được thiết kế để thực hiện các hoạt động chung liên quan đến hạm đội mà Trung Quốc gọi là Nam Hải và nhóm tàu sân bay Liêu Ninh, cùng các lực lượng không quân, tên lửa và các lực lượng khác.

Ông Timothy R. Heath, một nhà phân tích cao cấp của Rand Corporation, nói rằng mục đích chính của cuộc diễn tập này là để cải thiện tính sẵn sàng của các lực lượng Trung Quốc, tuy nhiên nó cũng gửi đi một thông điệp chính trị.

“Đối với người dân Trung Quốc, Bắc Kinh đang thể hiện sức mạnh và tinh thần sẵn sàng bảo vệ lợi ích của đất nước, điều này có thể thúc đẩy sự ủng hộ của người dân đối với chính phủ”, ông Heath nói. “Đối với khu vực và Hoa Kỳ, Bắc Kinh đang báo hiệu rằng họ đang hành động kiềm chế, nhưng sẵn sàng phản ứng với các chính sách đối đầu bằng các chính sách đối đầu của chính mình”.

Thiếu tướng Jin Yinan thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc nói rằng các cuộc tập trận trên Biển Đông của Bắc Kinh không liên quan đến việc Hoa Kỳ triển khai ba tàu sân bay gần đây tới khu vực. Tàu USS Theodore Roosevelt đã đến Singapore vào thứ Hai tuần trước. Tàu USS Carl Vinson đã viếng thăm Việt Nam hồi tháng trước và đã thực hiện các cuộc tập trận chung với Nhật Bản trên Biển Đông. Tàu USS Ronald Reagan hiện đang có mặt tại Nhật Bản.

tàu chiến

Tàu chiến USS Mustin (DDG-89) của hải quân Hoa Kỳ, vào tháng 3/2018 đã thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Bãi Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông (Ảnh: USN)

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện một số động thái cứng rắn hơn người tiền nhiệm Obama trong vấn đề về Biển Đông. Nhiều lãnh đạo hải quân Mỹ phê phán ông Obama đã không cho phép các cuộc tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông từ năm 2012 đến năm 2015, theo tạp chí Hải quân (Navy Times) của Mỹ. Trong thời gian đó, Trung Quốc ra sức xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt các thiết bị quân sự, tạp chí này cho biết.

Vào tháng 7/2017, Tổng thống Trump đã phê duyệt kế hoạch một năm cho phép hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, trong khi dưới thời Obama mỗi hoạt động như vậy phải xin phép từng lượt.

Tháng 5/2017, tàu chiến Mỹ đã tiến hành ‘cuộc thao diễn’ trong phạm vi 12 hải lý của hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Động thái này chưa từng xảy ra dưới thời Obama và được cho là một thách thức trực tiếp đến hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới