Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiNếu Mỹ và đồng minh tấn công tổng lực Syria: Đánh tất...

Nếu Mỹ và đồng minh tấn công tổng lực Syria: Đánh tất tay, mọi loại vũ khí sẽ tham chiến?

Lần này, cuộc tấn công Syria do Mỹ dẫn đầu có khả năng sẽ có quy mô lớn hơn, kéo dài vài ngày với sự tham gia của các đồng minh Anh, Mỹ.

Khả năng mở rộng phạm vi tấn công

Mỹ đang xây dựng một liên minh chống lại Syria để đáp trả vụ tấn công hóa học hôm 7/4 nhằm vào dân thường và lực lượng nổi dậy ở Douma, gần Damascus.

Mục đích chính của chiến dịch nhằm vào Syria sẽ là ngăn chặn nguy cơ quân chính phủ Assad tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai. Đây là điều mà cuộc tấn công trừng phạt bằng tên lửa do Mỹ tiến hành hồi tháng 4 năm ngoái đã hướng tới, nhưng chưa triệt để.

Lần này, cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu có khả năng sẽ có quy mô lớn hơn, không chỉ nhằm ngăn chặn Damascus, mà còn làm suy yếu khả năng tiến hành các vụ tấn công hóa học của chính phủ Syria.

Nhưng ngay cả khi có sự hỗ trợ của một liên minh và thậm chí quy mô tấn công đã mở rộng hơn thì những yếu tố đã cản trở Mỹ hồi tháng 4/2017 sẽ tiếp tục trở thành rào cản đối với Washington trong chiến dịch quân sự mới.

Có một số điểm khác biệt quan trọng giữa năm ngoái và năm nay. Tháng 4 năm ngoái, Mỹ hành động một mình khi phóng tên lửa hành trình nhằm vào căn cứ không quân Shayrat của Syria – được cho là nơi khởi điểm vụ tấn công bằng khí độc sarin vào thị trấn Khan Shaykhun.

Lần này, một chiến dịch với quy mô lớn hơn có thể kéo dài vài ngày, bao gồm nhiều cuộc tấn công và sẽ đòi hỏi nhiều lực lượng hơn, có thể là từ các thành viên trong liên minh như Anh và Pháp.

Theo công ty cung cấp thông tin tình báo toàn cầu Strafor, cũng có khả năng Saudi Arabia, Qatar và/hoặc UAE sẽ tham gia bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch của Mỹ.

Trong tuyên bố hôm 10/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nghiêng về khả năng tiến hành một chiến dịch lớn hơn khi nhấn mạnh rằng Pháp sẽ nhằm vào các cơ sở hóa học của Syria nếu tấn công.

Các đợt tấn công mới có thể sẽ nhằm vào căn cứ không quân Dumeir, Marj Ruhayyil và Mezzeh xung quanh Damascus – những nơi được chính phủ Syria sử dụng khi tấn công ở đông Ghouta. Ngoài ra, các cơ sở khác liên quan tới chương trình vũ khí hóa học của Syria cũng có khả năng trở thành mục tiêu.

Mỹ và đồng minh có thể triển khai lực lượng từ đâu?

Theo Strafor, do mở rộng phạm vi mục tiêu nên Mỹ và lực lượng đồng minh sẽ phải tăng cường triển khai lực lượng tới Trung Đông. Tại khu vực này, các căn cứ lớn nhất có khả năng được sử dụng sẽ bao bồm căn cứ của Mỹ tại Al-Udeid, Qatar và các căn cứ quân sự của Anh ở Síp.

Hoạt động quân sự được tăng cường tại những căn cứ này có thể sẽ phần nào cho thấy phạm vi tấn công của chiến dịch có khả năng sắp diễn ra.

Với khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ trú đóng, căn cứ không quân al-Udeid là trung tâm điều phối trọng yếu cho các chiến dịch quân sự Mỹ ở Trung Đông, đặc biệt trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Theo CNN, căn cứ al-Udeid sở hữu một trong những đường băng quy mô nhất ở vùng Vịnh với chiều dài lên đến 3.800 m và đủ sức chứa 120 phi cơ các loại. Vậy nên, giới chuyên gia quân sự đánh giá nó có ý nghĩa tối quan trọng về mặt chiến lược.

Năm 2016, căn cứ này được sử dụng để xuất kích các máy bay ném bom B-52 Mỹ tấn công những mục tiêu IS ở Iraq và Syria. Vào thời kỳ đầu chiến dịch quân sự của Mỹ ở Afghanistan, các tiêm kích F-16 và máy bay do thám E-8C Joint Stars cũng được đưa đến trú đóng ở đây cùng hàng loạt máy bay tiếp nhiên liệu.

Al-Udeid là nơi đặt trụ sở tiền tuyến của Không lực Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ, Trung tâm Chiến dịch Không gian và Không quân Hỗn hợp (CAOC) cùng Không đoàn Viễn chinh 379.

Theo không quân Mỹ, CAOC chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của không lực Mỹ ở Afghanistan, Syria, Iraq và 18 nước khác.

Còn Không đoàn Viễn chinh 379 là không đoàn lớn nhất và đa dạng nhất trong lực lượng không quân Mỹ. Đơn vị này có hơn 100 máy bay đang đồn trú tại al-Udeid, bao gồm máy bay ném bom B1 cùng các máy bay do thám, không vận, tiếp nhiên liệu.

Theo website Không đoàn Viễn chinh 379, cứ mỗi 10 phút sẽ có một máy bay cất và hạ cánh ở al-Udeid, liên tục 24/7.

Trong khi đó, Akrotiri và Dhekelia là hai vùng căn cứ thuộc chủ quyền Anh với 8.000 quân, chiếm 3% diện tích đảo Síp.

Căn cứ Akrotiri giữ vai trò then chốt đối với các nhiệm vụ tại vùng Trung Đông của Anh bởi nó là nơi các chiến đấu cơ nước này tiêp nhiên liệu trong các lần không kích nhóm khủng bố IS ở Iraq và Syria.

Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới đảo Cyprus năm 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết các tiêm kích Tornado và Typhoon đóng tại căn cứ Akrotiri đã tiến hành 1.200 đợt tấn công vào các mục tiêu IS tại Iraq và Syria trong 2 năm qua.

Ngày 11/4, đại diện chính phủ Síp khẳng định, Síp sẽ không tham gia vào bất cứ chiến dịch quân sự nào tại Syria. Tuy nhiên, theo hãng tin Sputnik, nếu Anh quyết định sử dụng 2 căn cứ Akrotiri và Dhekelia thì nước này chỉ cần thông báo với chính quyền Síp, chứ không cần phải được họ cho phép.

Pháp cũng có thể sử dụng căn cứ quân sự Andreas Papandreou của Síp trong trường hợp quyết định tiến hành các chiến dịch quân sự tại Syria. Song, trong trường hợp này, Paris cần được sự cho phép của chính quyền Síp.

Theo Strafor, có thể còn có một số mục tiêu mà Mỹ và đồng minh cần đảm bảo tiếp cận được các tuyến đường tấn công từ Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Iraq.

Điều này đòi hỏi liên minh do Mỹ dẫn đầu phải đàm phán với chính quyền các nước sở tại để có được sự đồng ý của họ.

Bên cạnh đó, cuộc tấn công quy mô lớn cũng cần sự tham gia của nhiều phương tiện chiến đấu hơn, như các tàu sân bay của Mỹ.

Tàu sân bay USS Harry S. Truman và các tàu hộ tống dự kiến sẽ khởi hành từ Norfolk, Virginia trong ngày 11/4 để đến Địa Trung Hải và Trung Đông. Dự kiến, nó sẽ mất khoảng 1 tuần để tới Địa Trung Hải.

Trong khi đó, tàu USS Theodore Roosevelt và đội tàu hộ tống có thể sẽ được tái triển khai từ Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới