Friday, January 10, 2025
Trang chủĐàm luậnMỹ và liên quân quyết diệt, Nga và Syria quyết đấu!

Mỹ và liên quân quyết diệt, Nga và Syria quyết đấu!

Chỉ vài giờ sau vụ tấn công của Mỹ và liên quân vào Syria rạng sáng ngày 14/4, Bộ Quốc phòng Nga đã thông báo: Không quân Syria đã bắn hạ 71 trong số 103 tên lửa hành trình của liên quân Mỹ-Anh-Pháp. Vì sao Syria đã làm nên điều kỳ diệu này?

“Mưa tên lửa của Mỹ” và liên quân bị đánh chặn

Đây là một thông tin gây bất ngờ nhất. Vụ tấn công của liên quân Mỹ-Anh-Pháp có sự tham gia của tàu chiến Hải quân Mỹ ở Biển Đỏ và máy bay ném bom B-1B được trang bị tên lửa hành trình JASSM có đầu đạn nặng tới 450 kg với tầm bắn cực xa, 370km.

Còn tàu chiến của hải quân Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk có đầu đạn nặng 450 kg và tầm bắn từ 1.300 đến 2.500km. Không quân Hoàng gia Anh góp sức với 4 máy bay chiến đấu Tornado GR4, được trang bị tên lửa không đối đất có tầm bắn 400 km. Phía Pháp có tàu khu trục Aquitaine được trang bị tên lửa hành trình SCALP, cùng một số máy bay chiến đấu Rafale cũng được trang bị SCALP hoặc tên lửa hành trình Apache.

Mặc dù vũ khí của Mỹ và liên quân rất mạnh nhưng Quân đội Syria vẫn đủ sức chống trả cuộc tấn công mà họ đã được biết trước. Không quân Syria  khá mạnh, dù trải qua hơn nửa thập niên chiến tranh chống khủng bố.

Tuy nhiên nếu không có sự giúp đỡ đắc lực của Nga thì Syria không thể chống trả mạnh mẽ như thế. Mưa tên lửa của phương Tây lại bị đánh chặn chủ yếu là nhờ hệ thống phòng không của Liên Xô (trước đây) đã được sản xuất hơn 30 năm trước. Đó là là hệ thống tên lửa S-125, S-200 hay hệ thống tên lửa phòng không.

Từ năm 1983, Liên Xô đã chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa S-200VE cùng với các nhân viên kỹ thuật huấn luyện cho đối tác Syria. Việc triển khai S-200 thời điểm đó là đáng chú ý vì Syria nhận hệ thống này trước khi đồng minh Hiệp ước Warsaw của Liên Xô làm điều tương tự.

Kể từ thời điểm đó, nhờ cuộc chiến với Không quân Israel có công công nghệ cao hơn, Syria đã tiếp tục nâng cấp hệ thống phòng không.

Trên thực tế, bất chấp vũ khí đã “cao tuổi”, các hệ thống phòng không của Syria vẫn hiện đại hơn đáng kể so với Nam Tư, Iraq và Libya trước khi những nước này bị Mỹ và NATO dội bom vào năm 1999, 2003 và 2011.

Theo các nhà quan sát quân sự Nga, hệ thống phòng không mạnh nhất của Syria là Pantsirs, BuK-M1-2 và Buk M-2E. Các hệ thống này có thể bắn hạ máy bay F-15 từ khoảng cách 45 km, đồng thời theo dõi và phá hủy tới 24 mục tiêu của kẻ thù. Hơn nữa, S-125 Pechora vẫn là “cơn đau đầu” với NATO bất chấp “tuổi tác”. Cuối cùng, tất nhiên là S-200, có tầm bắn 300km. Hệ thống này từng bắn hạ máy bay F-16 của Israel hồi tháng 2/2018.

Mọi xung đột phải được giải quyết bằng các biện pháp hoà bình

Đến thời điểm này chưa rõ Mỹ và liên quân còn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công hay dừng lại. Trong bất cứ trường hợp nào, Nga cũng hỗ trợ Syria trong việc khôi phục năng lực phòng không.

Vì sao Mỹ và Nga lại đối đầu về vấn đề Syria? Chính thức trên trường quốc tế, Syria vẫn là “một quốc gia có chủ quyền”. Nga luôn dựa vào điều này để khẳng định sự hiện diện của mình ở Syria là hợp pháp. Nga đã được chính quyền của tổng thống al-Assad yêu cầu. Nga cho rằng Mỹ hiện diện tại Syria là bất hợp pháp.

Thế nhưng từ cuối năm 2012, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố tổng thống Syria “đã mất địa vị hợp pháp”. Mỹ tố cáo al-Assad “tàn sát dân thường và tàn phá đất nước Syria”.

Năm 2013, khi xảy ra một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, Mỹ đã tố chính quyền Syria là “thủ phạm”. Ông Obama đã động binh để sẵn sàng một cuộc tấn công trừng phạt đối với điều mà tổng thống Mỹ khi ấy khẳng định là al-Assad “đã vượt lằn ranh đỏ”!

Trong tình hình căng thẳng đó, Nga đứng ra cam kết giải giáp vũ khí hóa học tại Syria. Nhờ đó mà chiến dịch quân sự của Mỹ ngưng lại.

Cho đến tháng 4-2017, khi mới nhậm chức chưa đầy ba tháng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết liệt ra lệnh đánh một đòn “trừng phạt” nhắm vào một căn cứ không quân của Syria, sau khi xảy ra một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại một thị trấn trong vùng kiểm soát của đối lập ở tỉnh Idleb (miền bắc Syria).

Vậy là Donald Trump đã chẳng giấu bản tính khác biệt của mình. Ông quyết “diệt” Syria và cũng không ngại phản ứng từ phía Nga và cộng đồng quốc tế.

Cuộc không kích và bắn tên lửa vào “các mục tiêu liên quan đến vũ khí hóa học của Syria” của Tổng thống Trump đã bất chấp mọi tiêu chuẩn quốc tế hiện hành.

Thế nhưng các quốc gia trên thế giới do những lợi ích khác nhau mà ý kiến cũng rất khác nhau.Dẫu vậy muốn thế giới hòa bình, bom đạn không trút xuống đầu người dân vô tội thì mọi xung đột, bất đồng phải được giải quyết thông qua các biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia. 

RELATED ARTICLES

Tin mới