Trở về nước hôm 13/04/2018, sau chuyến công du Trung Quốc bốn ngày, tổng thống Philippines Duterte thông báo đã đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh về việc tiến hành khai thác chung tại một số khu vực ở Biển Đông. Viễn cảnh chính quyền Manila thỏa thuận với Bắc Kinh khai thác chung ở Biển Đông bị nhiều người Philippines phản đối dữ dội, vì lo ngại chủ quyền quốc gia bị xâm phạm.
Bãi Cỏ Rong, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, đang có tranh chấp với Trung Quốc. Theo một số nguồn tin, Manila đang đàm phán với Bắc Kinh, để khai thác dầu khí chung tại khu vực này.
Theo báo Nhật Nikkei Asia Review, đây là lần đầu tiên lãnh đạo hai nước chính thức đồng thuận trên nguyên tắc về khả năng “khai thác chung” tại ở Biển Đông. Trước đó, các đàm phán song phương đã được tiến hành từ tháng Hai. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp để bàn về vấn đề này trong một cuộc họp ngày 10/04, bên lề Diễn đàn kinh tế Bác Ngao (Boao), tại đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Từ khi lên cầm quyền, tổng thống Philippines Duterte chủ trương đặt phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực hồi 2016, bác bỏ yêu sách chủ quyền trên gần trọn Biển Đông của Trung Quốc, sang một bên. Tổng thống Philippines hy vọng có được các thỏa thuận làm ăn hai bên cùng có lợi với Trung Quốc.
Tuy nhiên, đông đảo chính giới Philippines lo ngại các thỏa hiệp của tổng thống Duterte có thể khiến Trung Quốc lấn tới. Năm 2007, giới tranh đấu Philippines từng yêu cầu Tòa Án Tối Cao nước này tuyên bố là « vi hiến » một dự án hợp tác Philippines, Việt Nam và Trung Quốc tại Biển Đông. Báo Nhật Nikkei Asia Review cảnh báo là một thỏa thuận khai thác phối hợp Philippines – Trung Quốc tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông có thể gây khó khăn cho các đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) mà các nước ASEAN và Trung Quốc vừa khởi sự.