Thursday, January 9, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiObama và Trump đã thất bại ở Syria, cuộc chiến Trung Đông...

Obama và Trump đã thất bại ở Syria, cuộc chiến Trung Đông sẽ kéo dài nhiều năm nữa

Các nước đang đối đầu ở Trung Đông quá chậm khi học các bài học lịch sử.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump đã đối mặt với những thách thức tương tự khi đứng trước cuộc nội chiến Syria. Obama thất bại trong hòa bình nhưng liệu Trump có thành công ở ngay nơi mà Obama đã thất bại? Và liệu có ai có thể thành công hay không?

 Obama “dọn sẵn sân khấu”

Khi người Syria bắt đầu tranh đấu lẫn nhau vào tháng 7/2011, có một số nhóm ủng hộ chế độ Bashar al-Assad trong khi số khác lại đứng cùng phe đối lập (Quân đội Syria Tự do – FSA), các phần tử thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), các giáo phái đạo Hồi (Sunni và Shite), và các phong trào dân tộc (người Kurd), các bên lần lượt đối đầu nhau.

Dù đây là một phần của Mùa xuân Ả rập nhưng không nhóm nào trong số này là dân chủ. Khi đất nước Syria chìm sâu vào nội chiến, một số thế lực bên ngoài bắt đầu thấy cơ hội để thúc đẩy lợi ích của bản thân.

Obama tin rằng nội chiến Syria không thể chiến thắng về mặt quân sự. Obama kiềm chế trước bất kỳ sự can thiệp nào ngoài những nỗ lực huấn luyện không mấy nhiệt tình cho các nhóm đối lập, thi thoảng không kích bằng máy bay không người lái và viện trợ nhân đạo. Cùng lúc đó, Obama cố gắng đưa Mỹ ra khỏi những vướng mắc ở Afghanistan và Iraq.

Không may là Obama lại không nhận ra rằng, một phong trào khủng bố – tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) – đã hình thành ngay trước mắt và chiếm được nhiều vùng rộng lớn ở Syria và Iraq, những nơi mà chúng hi vọng sẽ lập nên một Triều đại Hồi giáo.

Tháng 8/2012, khi tình hình ở Syria vượt khỏi tầm kiểm soát – số dân thường thiệt mạng gia tăng cùng sự đàn áp của Assad, Obama đã cảnh báo Assad rằng Mỹ sẽ can thiệp vào cuộc chiến nếu ông ta sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào người dân Syria.

Assad, trong một động thái rõ ràng là để “thử” lập trường của Obama, đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường, bao gồm cả ở bệnh viện, trường học, khu dân cư, bắt đầu tại Homs tháng 12/2012.

Obama đã không làm gì khi Assad thách thức lời đe dọa của ông. Nhìn thấy cơ hội, người Nga đã thuyết phục Obama để họ sắp xếp một thỏa thuận nhằm loại trừ vũ khí hóa học khỏi Syria và người Nga sẽ thúc đẩy việc tuân thủ thỏa thuận.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đàm phán thỏa thuận với Nga và thậm chí còn rót tiền cho công tác loại trừ vũ khí hóa học. Kerry và Obama sau đó đã “ăn mừng thắng lợi” suốt nhiều tháng tiếp theo, tuyên bố rằng loại trừ vũ khí hóa học là một trong những chiến công ngoại giao xuất sắc nhất.

Obama và Kerry gọi Nga là sứ giả hòa bình và đối tác trong nỗ lực giải quyết xung đột Trung Đông. Người Nga có khoảng 50.000 quân, lực lượng không quân và hải quân của họ cùng với số lính đánh thuê ủng hộ quân đội của ông Assad. Thêm vào đó, Nga bước đầu bắt tay với Iran, nước hiện có 4.000 quân và chiến binh ở Syria. Nga cũng cung cấp cho Iran hệ thống tên lửa phòng không tầm xa tiên tiến để cản trở Mỹ.

Obama đã tạo điều kiện cho tham vọng ủng hộ Assad về mặt ngoại giao, quân sự, tài chính của Nga và Iran. Nga muốn khôi phục lại vị thế siêu cường của mình. Nước này cũng muốn đặt một căn cứ hải quân ở Tartus, Syria. Iran thì muốn kiểm soát Liban, Iraq và Syria, những nước Hồi giáo theo dòng Shite để làm một đối trọng với Ả rập Saudi, nước kiểm soát phần lớn các quốc gia Hồi giáo theo dòng Sunni. Nga bảo vệ Syria trước Hội đồng Bảo an ở mức độ tương tự như Mỹ đối với Israel.

Vì sao Obama tạo điều kiện cho Nga và Iran chi phối Trung Đông? Và vì sao Obama để Washington án binh bất động, nhìn Syria tự hủy hoại đất nước và con người của mình?

Được biết, Obama tin rằng cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ ở Trung Đông là sai lầm của Ả rập Saudi, Israel và sự can thiệp của Mỹ. Vì thế ông chủ đích cố gắng tháo gỡ hiện trạng bằng cách tạo điều kiện cho Iran và đồng minh Nga.

Thêm vào đó, ông Obama tha thiết muốn có một hiệp ước về vũ khí hóa học với Iran. Obama tin rằng, bằng cách gỡ bỏ cấm vận kinh tế (vốn bắt đầu từ 1979 sau Cách mạng Iran) và ủng hộ hiệp ước sẽ đưa đất nước bị ruồng bỏ Iran về với cộng đồng. Vì thế, Obama không phản đối các hành động của quốc gia này, sợ rằng họ sẽ rút khỏi thỏa thuận.

Khi các công dân bắt đầu nổi dậy chống chế độ Hồi giáo Iran trong Mùa xuân Ả rập năm 2009, Obama đã không thể ủng hộ “Phong trào Xanh”. Trong khi đó, ông ủng hộ cuộc nổi dậy đòi dân chủ ở các nước khác trong suốt giai đoạn Mùa xuân Ả rập.

Ít ai có thể nhớ được rằng hiệp ước Iran của Obama năm 2015 (quá trình đàm phán khởi động từ 2003) không được nhiều người Mỹ và Quốc hội ủng hộ tới mức ông phải dùng tới một số chiêu thức lập pháp để được Quốc hội thông qua.

Obama nói rằng ông không làm gì ở Syria bởi ông sợ bị luận tội và mất chức, tuy nhiên “hành vi” của ông với Hiệp ước Iran và các cuộc tấn công nhằm vào các nước khác lại không chứng thực được lý do này. Phản ứng lãnh đạm đối với Syria của Obama trái ngược hẳn với các cuộc can thiệp của Mỹ nhằm vào các phần tử thánh chiến Afghanistan, Iraq, Pakistan, Yemen, Libya và Somalia.

 Trump và Syria

Đối đầu với Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống, Donald Trump đã vận động tranh cử dựa trên một cơ sở đơn giản: Làm trái với tất cả những gì Obama đã làm.

Ngay sau khi Trump nhậm chức, Assad lại quyết định thử Mỹ bằng cách sử dụng vũ khí hóa học để tấn công dân thường vào tháng 4/2017. Trump đã ngay lập tức đáp trả bằng một vụ tấn công sử dụng tên lửa hành trình nhằm vào căn cứ không quân Shayrat của Syria. Trump công khai tự tán thưởng về quyết định đáp trả táo bạo của mình, hoàn toàn trái ngược với nỗ lực yếu ớt của Obama. Cuộc tấn công chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng với chỉ 59 quả tên lửa hành trình. Tuy nhiên, những người ủng hộ vẫn rất phấn chấn bởi chí ít ông Trump đã làm một điều gì đó.

Ngày 4/4, Assad đã quyết định thử vận may của mình lần nữa và tiến hành một vụ tấn công khác nhằm vào dân thường ở thị trấn Khan Sheikhoun. Trump đã đáp trả bằng một cuộc tấn công tên lửa, lần này có chút khác biệt. Anh và Mỹ cũng phóng tên lửa trợ lực. Liên minh châu Âu và NATO tỏ ý chấp thuận. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng ủng hộ khi quyết định không lên án Mỹ, Anh, Pháp.

Làn sóng đối đầu Nga có thể gây rắc rối cho kế hoạch đưa Nga trở lại vũ đài quốc tế của Tổng thống Vladimir Putin. Hồi đầu tháng này, cộng đồng quốc tế đã ủng hộ Anh khi cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc tại Salisbury, Anh.

Dù cuộc tấn công có thành công đi chăng nữa, thì đây vẫn là động thái trả đũa nhẹ nhàng, ít rủi ro, tương tự như cuộc tấn công năm 2017. Người Nga đã được cảnh báo trước. Tên lửa chủ yếu được phóng từ tàu chiến ngoài biển. Chỉ một số lượng nhỏ các cơ sở vũ khí hóa học được nhắm tới. Người Nga không khởi động hệ thống phòng thủ tiên tiến của họ. Vì vậy, cuộc tấn công này, tương tự như năm ngoái, chỉ mang tính biểu tượng. Người Nga và Iran chắc hẳn đã tin rằng ông Trump sẽ không liều gây chiến, dựa trên lối mạnh miệng nhưng phản ứng yếu ớt của ông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nhanh chóng chỉ ra rằng, cuộc tấn công này là kiểu chỉ diễn ra một lần rồi thôi, trong một nỗ lực nhằm xoa dịu lo ngại về khả năng xung đột leo thang. Lại một lần nữa, các nhà phân tích tin rằng lối nói này khuyến khích đối thủ tấn công.

Cuộc tấn công biểu tượng này trái ngược với phản ứng của Trump trong cuộc chiến chống IS ở Syria và Iraq. Suốt năm 2017, Trump đã khởi động một chiến dịch dữ dội hỗ trợ binh lính Iraq và người Kurd để đẩy lùi khủng bố ra khỏi các khu vực bị chiếm đóng. Obama không thể hoàn thành việc này trong 4 năm liền nỗ lực. Các chiến dịch ấy đã khiến hàng trăm lính đánh thuê Nga thiệt mạng ở Deir ez-Zor và bắn hạ một chiếc máy bay của không lực Syria. Trump thích lồng thêm sự bất ổn mỗi khi hành động.

Trước vụ tấn công bằng tên lửa, Trump đã tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi Syria, về cơ bản là để Syria lại cho Nga và Iran. Mỹ có 2.000 lính chiến ở Syria và một lực lượng hải quân quy mô ở Địa Trung Hải. Trump đã chi 30 tỉ USD cho Syria trong giai đoạn 2017-2018. Vụ tấn công tên lửa mới nhất tốn gần 200 triệu USD.

Mỉa mai thay, Trump không được ghi nhận nhiều từ những nỗ lực về Syria của mình. Nhiều nghị sĩ Đảng Dân chủ cho rằng cuộc tấn công là bất hợp pháp bởi một cuộc tấn công như vậy phải được Quốc hội Mỹ thông qua. Các đối thủ tin rằng ông đã thực hiện cuộc tấn công để hướng sự chú ý khỏi những bê bối liên quan tới bản thân và cả vị trí Tổng thống. Nhiều người khác, kể cả một số nhân viên Nhà Trắng, cũng hạ thấp thành tựu của ông khi cho rằng ông không có chiến lược tại Syria.

Những phe ủng hộ tham chiến thì thất vọng với phản ứng nhẹ nhàng của Trump. Còn những người ủng hộ trung thành của ông thì không khuyến khích bất cứ cuộc chiến nào ở Trung Đông nữa. Người Mỹ không hề thống nhất xung quanh vấn đề Trung Đông.

Vì sao phản ứng của ông Trump đối với Assad không mạnh mẽ hơn? Trump, cũng như Obama, không muốn biến cuộc xung đột Syria trở thành một cuộc chiến tranh toàn diện. Trong khi chiến tranh có thể đi đôi với một động thái đáp trả dữ dội hơn thì nhiều khả năng Nga và Iran sẽ tiến hành một cuộc “chiến tranh phi đối xứng”, không liên quan trực tiếp tới họ. Nga và Iran có thể đạt được mục tiêu của mình mà không cần tham chiến.

Nga và Iran đều sở hữu năng lực mạng tiên tiến. Nga đã thể hiện năng lực này khi “được cho là” can thiệp vào cuộc bầu cử Trump – Clinton cũng như các cuộc bầu cử khác ở Pháp và nhiều nơi ở châu Âu. Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đã buộc tội 17 người Nga vì nhiều tội danh trong cuộc bầu cử Mỹ.

Nga cũng có thể cản trở nỗ lực của Mỹ ở nhiều điểm nóng khác trên khắp thế giới. Nga đang hợp tác với Trung Quốc tuần tra biển Đông. Nga cũng đang hỗ trợ Triều Tiên lách cấm vận của Liên Hợp Quốc. Nga đã chuyển quân dọc biên giới Latvia, Estonia và Lithuania. Và tất nhiên Nga “trên cơ” ở Trung Đông.

 Kết luận

Phản ứng của Obama và Trump đối với Assad dường như không thay đổi được bế tắc ở Syria. Mỹ, Nga, Iran, Ả rập Saudi, Israel và Iraq có vẻ định tranh giành Syria trên một “sự ủy quyền” mà suốt 7 năm qua chỉ có kẻ thua cuộc.

Obama đã chuyển hướng từ những đồng minh có ảnh hưởng ở Trung Đông sang ủng hộ Nga – Iran, và ông Trump có thể làm được rất ít để đảo ngược quyết định ấy bằng cách tiếp tục ủng hộ bế tắc ở Afghanistan và liên minh các nước đồng minh Ả rập Saudi.

Các nước đang đối đầu ở Trung Đông quá chậm khi học các bài học lịch sử. Có hai ví dụ:

Cha của Bashar al-Assad, Hafez al-Assad, lãnh đạo Syria từ 1971-2000 đã gây ra vụ tàn sát 20.000 người ủng hộ Anh em Hồi giáo Sunni vào 1980 và 1982. Vì thế Bashar có một tấm gương “mẫu mực”.

Năm 1993, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm vào lãnh đạo Iraq Saddam Hussein vì âm mưu ám sát Tổng thống Mỹ George H. W. Bush ở Kuwait. Chúng ta có thể thấy sự thể đã ra sao: Hai cuộc chiến đẫu máu kéo dài nhiều thập kỷ. Và Saddam đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào Iran trong chiến tranh 1980-1988, và nhằm vào người Iraq năm 1991.

Thứ mà Obama tạo ra và Trump đang duy trì có thể đồng nghĩa với việc Trung Đông sẽ tiếp tục ở trong vòng xoáy chiến tranh trong nhiều năm tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới