Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTấn công Syria giúp Mỹ 'chào hàng' tên lửa mới với Nhật

Tấn công Syria giúp Mỹ ‘chào hàng’ tên lửa mới với Nhật

Màn oanh tạc Syria ngày 14.4 của Mỹ là cơ hội hoàn hảo để Nhật Bản có dịp chứng kiến năng lực của tên lửa hành trình tầm xa JASSM mà nước này có ý định mua.

Cuộc oanh tạc Syria ngày 14.4 của liên quân Mỹ, Anh và Pháp có sự tham gia của nhiều tàu chiến, máy bay và tàu ngầm, sử dụng nhiều loại tên lửa. Trong số đó, có một loại vũ khí lần đầu được đem ra thực chiến là tên lửa hành trình tầm xa phóng từ máy bay JASSM-ER.
Lầu Năm Góc thông báo Không quân Mỹ đã điều 2 oanh tạc cơ B-1B tham gia chiến dịch. Hai máy bay được cho là cất cánh từ căn cứ ở Qatar, được các máy bay tiêm kích hộ tống, phóng 19 tên lửa JASSM-ER xuống mục tiêu là Trung tâm nghiên cứu và phát triển Barzah ở ngoại ô thủ đô Damascus của Syria, theo CNN.
Tên lửa JASSM-ER do tập đoàn Lockheed Martin phát triển và sản xuất, được biên chế vào năm 2014. Tên lửa có tầm bay hơn 1.000 km, xa hơn so với tầm bay 370 km của phiên bản trước đó, mang theo đầu đạn 453 kg. Ngoài ra, JASSM-ER có thiết kế giúp giảm thiểu việc bị radar đối phương phát hiện, giúp tên lửa xâm nhập sâu hơn vào lãnh thổ quân địch.
Tấn công Syria giúp Mỹ 'chào hàng' tên lửa mới với Nhật - ảnh 2

Oanh tạc cơ B-1B phóng tên lửa hành trình JASSM trong một cuộc thử nghiệm

Không quân Mỹ

Tầm bay xa và khả năng tàng hình của JASSM-ER giúp máy bay B-1B không cần đi vào tầm bắn của hệ thống phòng không Syria mà vẫn có thể thực hiện đòn đánh chính xác.
Màn ra mắt của loại tên lửa mới này được cho là sẽ giúp Nhật Bản đánh giá được năng lực trước khi quyết định mua, theo tờ The Japan Times ngày 16.4.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera hồi tháng 12.2017 cho biết nước này đang tính dành ngân sách để nghiên cứu trang bị tên lửa JASSM-ER cho các chiến đấu cơ F-15. Một số nghị sĩ Nhật đã kêu gọi nâng cao năng lực quốc phòng nhằm ngăn chặn các mối đe dọa ngày càng tăng cao, đồng thời bảo vệ lợi ích của đất nước.
 Nhà nghiên cứu sau tiến sĩ Corey Wallace tại đại học Tự do ở Berlin (Đức) nhận định tên lửa JASSM-ER gặp nhiều vấn đề trong quá trình phát triển, bao gồm nhiều lần thử nghiệm thất bại, nhưng cuộc tấn công lần này đã giúp Mỹ chứng minh được sự hiệu quả của tên lửa với các khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước.
Theo ông Wallace, sự hạn chế về năng lực của kho tên lửa Nhật Bản hiện tại sẽ là bất lợi lớn cho nước này trong những cuộc đối đầu nếu có với các nước trong khu vực. Nếu sở hữu JASSM-ER trong kho vũ khí, Nhật Bản trên lý thuyết sẽ có thể tấn công căn cứ quân sự hoặc cơ sở hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và hoặc bảo vệ lợi ích tại quần đảo Senkaku, hiện do nước này kiểm soát nhưng cũng bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
 
Sau Thế chiến 2, Nhật Bản xây dựng hiến pháp từ bỏ quyền gây chiến tranh, lực lượng tên lửa của nước này bị hạn chế năng lực với tầm bay chỉ 300 km, chỉ dùng để chống máy bay hoặc chống tàu chiến, theo The Japan Times.
Chính sách hiện hành của Nhật Bản là không sử dụng sức mạnh để tấn công mục tiêu trên lãnh thổ nước khác, tuy nhiên, chuyên gia Wallace nhận định điều này có thể sẽ thay đổi trong tương lai, trong trường hợp Tokyo không còn lựa chọn nào khác trong khi Mỹ không sẵn sàng bảo vệ đồng minh.
RELATED ARTICLES

Tin mới