Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiMỹ và TPP: 1 tuần 2 trạng thái, ông Trump đã đánh...

Mỹ và TPP: 1 tuần 2 trạng thái, ông Trump đã đánh mất cơ hội để có “những thỏa thuận tốt hơn”

Washington vẫn cho rằng, họ sẽ được chào đón trở lại TPP nhưng vấn đề chính yếu là phản ứng của các nước thành viên TPP-11.

Nguyên nhân Tổng thống Trump đòi quay lại TPP

Từ đầu năm đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục có các tuyên bố xem xét quay lại TPP – hiệp định thương mại tự do khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà chính ông đã ký sắc lệnh rút lui ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ năm 2017.

Hồi tháng 2, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Thụy Sĩ, ông Trump lần đầu tuyên bố ý định quay lại TPP. Sau đó, ông Trump cũng từng đề xuất tái gia nhập TPP trong một cuộc họp báo với thủ tướng Austrlia Malcolm Turnbull. Gần đây nhất, trong cuộc họp với các nghị sĩ đảng Cộng hòa và các bang vùng Trung Tây nước Mỹ, ông Trump cho hay, đã yêu cầu Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer xem xét khả năng này.

Trao đổi với Trí Thức Trẻ, ông Stephen Olson, nhà nghiên cứu của Hinrich Foundation – tổ chức nghiên cứu thương mại quốc tế đặt tại Hồng Kông (Trung Quốc) nhận định, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang đe dọa đánh thuế lẫn nhau, chúng ta có thể thấy, động lực mà Mỹ xem xét tái gia nhập TPP là để tạo ra thêm thị trường cho hàng nông sản Mỹ đang phải đối mặt với việc mất đường vào thị trường Trung Quốc nếu một loạt các loại thuế đề xuất có hiệu lực.

Hiện nay, theo phiên bản sửa đổi của CPTPP, Nhật sẽ giảm thuế đánh lên thịt bò Australia xuống 9% trong khi Mỹ vẫn phải chịu khoản thuế 38,5%, khiến các ông chủ sản xuất thịt bò của Mỹ gặp bất lợi.

Vì vậy, thực tế, động thái này cũng được xem là một trong những lời hứa hẹn có tính chiến thuật phổ biến nhất của Tổng thống Mỹ nhằm lôi kéo sự ủng hộ từ các cử tri vùng Trung Tây, nơi tập trung các bang sản xuất nông nghiệp, từng dành số phiếu bầu nhiều nhất cho ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống.

Thỏa thuận tốt hơn – Thỏa thuận khó khăn hơn

Ông Trump liên tục nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ quay lại TPP nếu có một thỏa thuận tốt hơn. Vậy chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ muốn tái đàm phán điều khoản nào nếu quay lại?

Thực tế, 11 nước thành viên đã hoãn 20 điều khoản trong thỏa thuận ban đầu. Rất nhiều trong số đó được thúc đẩy bởi Washington, trong đó có điều khoản về tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm hóa sinh, kéo dài thời hạn bản quyền và giảm các rào cản cho các công ty vận chuyển.

Văn bản pháp lý của TPP-11 dài 584 trang, ngắn hơn so với 622 trang ban đầu khi còn có Mỹ. 18 trang đã bị bỏ qua là chương về sở hữu trí tuệ, nội dung mà Washington cho là rất quan trọng và cũng là một trong những điều khoản khó đàm phán nhất.

Không những thế, khả năng Mỹ quay lại với hiệp định có thể sẽ dẫn đến việc mở lại các vòng đàm phán về một số vấn đề khó khăn với cả các thành viên còn lại, như vấn đề thuế xe tải hay mức độ mở cửa ngành công nghiệp ô tô trong nước của Nhật Bản. Tokyo mong muốn vẫn tiếp tục được nhập phụ tùng từ các nước không nằm trong hiệp định, chẳng hạn như Thái Lan.

Ngoài ra, Washington sẽ đòi hỏi thêm các nhượng bộ cho cho nông sản Mỹ, chủ yếu được sản xuất tại các bang mà ông Trump thắng được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016. Gạo, sản phẩm mà Nhật Bản xem là vấn đề quan trọng của an ninh quốc gia, có thể là một trong những điều khoản “khó nhằn” nhất trong danh sách đàm phán. Các thành viên của TPP ban đầu quyết định gạt ra để “chiều ý” Nhật Bản.

Như vậy, về mặt kỹ thuật, việc khôi phục các điều khoản bị đình chỉ sẽ không khó. Củng cố các điều khoản này mới là vấn đề .

“Các điều khoản này được treo có mục đích. Điều rắc rối là Mỹ, đặc biệt là dưới chính quyền hiện tại, bất cứ điều gì mà chính quyền Tổng thống Obama đã làm, họ muốn làm ngược lại… Tôi không nghĩ rằng 11 quốc gia thành viên hào hứng với việc đàm phán lại”, ông Deborah Elms, người sáng lập và giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại Châu Á tại Singapore nói.

Quyết định nằm trong tay 11 thành viên còn lại, không phải Mỹ

Các chuyên gia cho rằng, sẽ không dễ dàng để đàm phán lại khi 11 thành viên còn lại đã thay đổi các thỏa thuận.

Trả lời Trí Thức Trẻ về khả năng Mỹ có thể tái gia nhập TPP, ông Stephen Olson nhận định, Washington vẫn cho rằng, họ sẽ được chào đón trở lại TPP nhưng vấn đề chính yếu là phản ứng của các nước thành viên TPP-11.

Nhà nghiên cứu tại Hồng Kông cho rằng, các nước TPP-11 đã trải qua vòng đàm phán đầy cam go và thách thức để đạt được sự đồng thuận bước tiếp sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định. Vì vậy, không chắc 11 nước có hào hứng khơi lại các vấn đề gây tranh cãi và tham gia vào một cuộc đàm phán khó khăn khác để đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hay không.

Mỹ sẽ chỉ được chào đón trở lại nếu chấp nhận nội dung hiệp định thương mại tự do như hiện nay. Hiện vẫn chưa rõ các nước thành viên TPP-11 sẽ linh động đến mức nào nếu Mỹ muốn đàm phán các điều khoản quan trọng, ông Olson nói thêm

Charles Finny, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Wellington, từng là chuyên gia đàm phán của chính phủ New Zealand cho biết: “Nhiều khả năng sẽ không có chuyện đàm phán lại văn bản hiện tại hay chuyện Mỹ bước đến và yêu cầu khôi phục lại các điều khoản bị đóng băng”.

“Có thể sẽ là một cuộc đàm phán kéo dài, có lẽ nó sẽ được gọi là cái gì đó khác và nó sẽ khác hẳn với TPP”, ông Finny dự báo.

CPTPP dự kiến sẽ được phê chuẩn vào đầu năm tới, đây là thời điểm sớm nhất Mỹ có thể chính thức bắt đầu đàm phán tái gia nhập. Nhưng tất cả 11 quốc gia đều phải đồng ý chấp nhận một thành viên mới.

Update: Hôm qua, 18/4, Tổng thống Mỹ lại đưa ra một tuyên bố mới về TPP. Trên Twitter, ông viết “Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc muốn chúng tôi quay trở lại TPP , tôi lại không thích thỏa thuận này cho nước Mỹ.”

Bình luận về vấn đề này, Edward Alden, chuyên gia thương mại tại Hội đồng đối ngoại (CFR) cho rằng, ông Trump đã bỏ phí cơ hội tốt nhất để đạt được các thỏa thuận tối ưu hơn cho Mỹ khi ông quyết định rút khỏi TPP. Giờ đây, việc đưa ra những tuyên bố trái ngược về hiệp định, Tổng thống Mỹ còn làm suy yếu hơn nữa vị thế của mình trong đàm phán.

Bởi lẽ, ông đã đánh mất một thứ được coi là chìa khóa để đàm phán hiệu quả: Lòng tin. Không những thế, quan điểm xoay chiều liên tục về TPP còn có thể ảnh hưởng xấu đến vị thế của ông Trump và nước Mỹ trong đàm phán các hiệp định thương mại song phương.

RELATED ARTICLES

Tin mới