Sunday, January 12, 2025
Trang chủĐàm luậnTQ đã tự đóng tàu sân bay để độc chiếm Biển Đông

TQ đã tự đóng tàu sân bay để độc chiếm Biển Đông

Tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự đóng sắp chạy thử nghiệm. Các hình ảnh trên mạng Internet cho thấy con tàu này đang rời cảng Đại Liên ở đông bắc Trung Quốc, theo hãng tin Reuters.

Liêu Ninh là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, mua của Ukraine năm 2012 và     được tân trang.

Hôm 23/4, cổng thông tin trực tuyến của Trung Quốc, bao gồm cả trang Sina, đăng các hình ảnh cho thấy con tàu này được lai dắt ra khỏi ụ, nhưng không rõ con tàu tiến đến địa điểm nào.

Tờ South China Morning Post của Hồng Kông hôm 23/4 cho biết, việc chạy thử nghiệm trên biển lần đầu tiên của tàu sân bay loại Type-001A của Trung Quốc có thể diễn ra trong tuần này, tùy theo tình hình thời tiết và đại dương.

Cũng theo China Morning Post, việc cho tàu chạy thử nghiệm diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 69 năm ngày thành lập lực lượng hải quân Trung Quốc.

Trước đó, hôm 20/4, Cơ quan An toàn đường biển Liêu Ninh đã thông báo rằng, 3 khu vực ở phía đông bắc Bột Hải và Hoàng Hải sẽ bị phong toả vì mục đích quân sự từ ngày 20 – 28/4. Đây là những vùng gần cảng Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh, nơi tàu sân bay được đóng.

Tờ South China Morning Post cho biết thêm, tàu sân bay này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay, sớm hơn một năm so với dự kiến.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc không phản hồi yêu cầu bình luận của báo chí.

Thiết kế của tàu sân bay mới dựa trên kinh nghiệm từ tàu sân bay đầu tiên của quốc gia, tàu Liêu Ninh. Tàu Liêu Ninh là tàu cũ, mua của Ukraine vào năm 1998 và được tái trang bị tại Trung Quốc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã trích dẫn các chuyên gia nói rằng, Trung Quốc cần ít nhất sáu tàu sân bay.

Hoa Kỳ hiện có 10 tàu sân bay đang hoạt động và có kế hoạch đóng thêm hai tàu nữa.

Cách đây tròn một năm, ngày 26/4/2017, tại cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc đã cho hạ thủy tàu sân bay Type-001A 70 nghìn tấn tự đóng đầu tiên. Khi đó chiếc tàu này là tàu sân bay thứ hai của nước này.

Chiếc tàu tự đóng đầu tiên có lượng choán nước khoảng 70 nghìn tấn, dài 315 m, rộng lớn nhất 75 m, lớn hơn một chút so với tàu sân bay Liêu Ninh mua và tân trang lại từ Ukraine.

Như vậy, rõ ràng Trung Quốc đang làm chủ công nghệ đóng tàu cỡ lớn. Song, theo các nhà quan sát, Trung Quốc vẫn chỉ đạt 4% so với năng lực tác chiến của Hải quân Mỹ.

Việc sản xuất thành công tàu sân bay sẽ giúp hình thành một nhóm tác chiến tàu sân bay với hàng không mẫu hạm ở trung tâm, trong khi máy bay và các tàu chiến cung cấp bảo vệ và hỗ trợ khác.

Về cơ bản, tàu sân bay Type-001A khá giống Liêu Ninh. Điểm khác là ở cấu trúc thượng tầng. Tàu sử dụng radar Type-346 với 4 mảng ăng ten bố trí xung quanh đài chỉ huy. Loại radar này được sử dụng trên tàu khu trục Type-052C/D của Hải quân Trung Quốc.

Tàu sân bay này sử dụng đường băng kiểu “nhảy cầu”, tương tự tàu sân bay Liêu Ninh. Tàu có nhiều cải tiến quan trọng so với Liêu Ninh và có khả năng chiến đấu tốt hơn.

Với việc tăng cường sản xuất tàu sân bay hiện đại, các chuyên gia quân sự nhận định, vào khoảng năm 2030, Bắc Kinh sẽ có 6 tàu sân bay, nâng sức mạnh của hải quân nước này lên tầm cao mới. Khi ấy hải quân Trung Quốc có thể sẽ vượt Nga, vươn lên vị trí thứ 2 thế giới, sau Mỹ.

Việc hoàn thành đóng các tàu sân bay quốc nội sẽ giúp Trung Quốc trở thành một trong số ít nước làm chủ công nghệ chế tạo tàu sân bay, nâng cao vị thế của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sánh ngang với các cường quốc như Nga, Mỹ, Anh, Pháp.

Trong một vài năm tới, khi Trung Quốc hoàn tất 2 đến 3 tàu sân bay thông thường thì khả năng tác chiến của hải quân nước này sẽ mạnh hơn so với hải quân Nhật Bản, Hàn Quốc và vượt xa các nước ven bờ Biển Đông.

Từ góc độ quân sự, việc có thể kiểm soát được Biển Đông sẽ là cơ sở để hải quân Trung Quốc từng bước mở rộng phạm vi chống tiếp cận, chống xâm nhập về các vùng biển phía Nam và phía Đông (tức Biển Đông và Biển Hoa Đông).

Khi đó PLA có thể sử dụng hiệu quả hơn sức mạnh toàn diện của tàu ngầm và tàu mặt nước tiên tiến mà nước này sở hữu. Sau đó, lực lượng không quân hạm sẽ hỗ trợ đắc lực cho hải quân bành trướng thế lực ra khỏi khu vực, sang Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Và âm mưu lớn nhất là Trung Quốc sẽ sử dụng tàu sân bay để lập và duy trì ADIZ trái phép trên Biển Đông. Họ cũng sẽ sử dụng lực lượng quân sự để gây áp lực trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, hỗ trợ lực lượng tàu Hải cảnh (Cảnh sát biển) lớn để trấn áp các nước khác.

Với đội tàu sân bay mạnh, Bắc Kinh có thể sử dụng các tiêm kích hạm và lực lượng không quân bố trí tại các đảo chiếm đóng trái phép ở quân đào Hoàng Sa và Trường Sa, để thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông và bảo vệ, duy trì ADIZ trái phép đó.

Có thể thấy rõ, cục diện tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông sắp tới sẽ rất khó khăn cho các nước nhỏ ven bờ Biển Đông. Thậm chí Trung Quốc thách thức cả lực lượng quân sự Mỹ đồn trú ở châu Á-Thái Bình Dương, coi lực lượng này cũng không phải là đối thủ của  hải quân Trung Quốc.

Vì vậy, các nước trên Biển Đông cần phát huy nội lực, kết hợp với huy động sức mạnh của cộng đồng quốc tế, chuẩn bị phương án đối phó, để ngăn chặn âm mưu không bao giờ thay đổi của Bắc Kinh: độc chiếm Biển Đông.

 
RELATED ARTICLES

Tin mới