Đài Loan và Biển Đông sẽ là “đấu trường” chính của Trung Quốc và Mỹ nhưng khó thành “chiến trường”. Cái khó hiện nay thuộc về Đài Loan, các nước ven Biển Đông.
Hình minh họa máy bay quân sự Trung – Mỹ trên bầu trời Biển Đông, nguồn: Youtube.
The Washington Free Beacon ngày 20/4 dẫn lời Đô đốc Philip Davidson, ứng viên Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ kêu gọi Quốc hội Mỹ cho phép nhanh chóng phát triển các tên lửa siêu âm và tên lửa tầm trung để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc đã triển khai (bất hợp pháp) hệ thống tác chiến điện từ trên các đảo nhân tạo họ bồi đắp (trái phép) ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa – Việt Nam) và hiện có khả năng kiểm soát các tuyến hàng hải chiến lược đi qua Biển Đông.
Trung Quốc đã có khả năng kiểm soát Biển Đông
Tuần qua Đô đốc Philip Davidson đã báo cáo Ủy ban Quân vụ thượng viện Mỹ bằng văn bản về đánh giá của ông xung quanh thách thức này, cũng như đề xuất giải pháp nếu được phê chuẩn làm Tư lệnh. Ông viết:
“Trên Biển Đông, Trung Quốc đã xây dựng một loạt các trạm ra đa, trung tâm tác chiến điện tử và thiết bị phòng thủ trên quần đảo Trường Sa (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp, bao gồm các cấu trúc Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Vành Khăn và Xu Bi.
Thiết bị lắp đặt trên các căn cứ này đã tăng đáng kể khả năng kiểm soát trong thời gian thực, trinh sát do thám cũng như khả năng gây nhiễu điện từ trên phần lớn Biển Đông, gây ra thách thức to lớn cho quân đội Mỹ hoạt động trên vùng biển này.
7 hòn đảo nhân tạo đã được xây dựng nhà chứa máy bay, doanh trại, kho nhiên liệu ngầm và bể nước ngầm, hầm ngầm, kho chứa chứa hệ thống thiết bị phòng thủ.
Những hoạt động này đã đi ngược lại cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2015 tại Vườn Hồng, Nhà Trắng khi ông tuyên bố Bắc Kinh sẽ không quân sự Biển Đông.
Ngày nay, các căn cứ này đã ngày một hoàn thiện. Điều duy nhất còn thiếu là lực lượng quân sự sẽ triển khai.
Quân đội Trung Quốc có thể sử dụng các căn cứ này để thách thức sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, bất kỳ lực lượng nào được triển khai đến các đảo nhân tạo sẽ dễ dàng áp đảo lực lượng quân sự của các nước yêu sách còn lại trên Biển Đông.
Tóm lại, Trung Quốc bây giờ đã có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống nổ ra một cuộc xung đột chóng vánh với Hoa Kỳ.
Sự tích tụ quân sự đầy tham vọng của Trung Quốc là mối đe dọa đang phát triển đáng kể đối với các lực lượng và căn cứ quân sự của Hoa Kỳ.
Lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc tuy vẫn còn thua Hoa Kỳ, nhưng họ đang phát triển các tàu ngầm chạy êm hơn.
Không quân Trung Quốc cũng phát triển các máy bay tàng hình tiên tiến, máy bay ném bom tầm xa và máy bay không người lái hiện đại.
Khả năng tác chiến không gian mạng của Bắc Kinh đã vượt xa việc thu thập tin tức tình báo, với các kế hoạch tấn công vào các hệ thống điều khiển và chỉ huy quân sự.
Trung Quốc đang vũ trang hóa không gian với tên lửa, thiết bị gây nhiễu và thiết bị laser có khả năng tiêu diệt vệ tinh – công cụ kết nối chính của quân đội Mỹ.”
Do đó, nếu được phê chuẩn làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Philip Davidson sẽ bắt tay vào phát triển lực lượng hải quân, thủy quân lục chiến và không quân trong khu vực để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Lực lượng quân sự của Bộ Tư lệnh này hiện không đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Để đối phó với Trung Quốc, Hoa Kỳ cần mở rộng không gian cạnh tranh, đầu tư vào các công nghệ quân sự thế hệ mới như công nghệ siêu âm trong khi nhận thức rõ, Trung Quốc đã “vũ khí hóa” không gian mạng.
Ông cũng cho rằng, để đối phó hiệu quả với các tên lửa chống hạm và tên lửa tầm trung mới của Trung Quốc, Hoa Kỳ cần phát triển các tên lửa tương tự hiện đang bị cấm theo Hiệp ước cắt giảm tên lửa hạt nhân tầm trung Mỹ – Nga.
Về chiến lược an ninh quốc gia mới của Chính phủ Tổng thống Donald Trump xác định Trung Quốc là mối đe dọa, Đô đốc Philip Davidson cho rằng:
Ngoài phát triển sức mạnh quân sự, Trung Quốc còn thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường với các khoản vay “ăn thịt” để ép buộc các nước vào quỹ đạo, chấp nhận ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.
Biển Đông và eo biển Đài Loan sẽ là 2 đấu trường Trung – Mỹ, nhưng khó thành “chiến trường”
Bình luận về cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở châu Á – Thái Bình Dương hiện nay, Tiến sĩ Stephen Bryen, ngày 20/4 có bài phân tích trên Asia Times.
Ông từng là Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ủy viên Ủy ban đánh giá an ninh Trung – Mỹ, chuyên viên cấp cao của Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ.
Tiến sĩ Stephen Bryen kêu gọi Washington nên phái một cụm tàu sân bay tấn công đến eo biển Đài Loan. Theo ông, Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình “sẽ hiểu ngay, điều này có ý nghĩa gì.”
Ông lập luận, có lẽ người Trung Quốc nghĩ rằng Donald Trump mắc nợ họ vì sự giúp đỡ trong vấn đề Triều Tiên;
Hoạt động tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông và chuyến thăm Việt Nam của cụm tàu sân bay USS George Washington chỉ là để biểu diễn và vớt vát thể diện, chứ chưa phải thách thức nghiêm trọng.
Trung Quốc chắc chắn đang thử xem cách thức Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào với một loạt hoạt động khiêu khích leo thang.
Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược vì là nơi các tuyến hàng hải trọng yếu kéo dài đến Ấn Độ Dương và vịnh Ba Tư phải đi qua, nhưng Đài Loan còn quan trọng hơn khi Trung Quốc cố gắng mở ra một mặt trận mới.
Chúng tôi cho rằng, nếu tách rời vấn đề Biển Đông, eo biển Đài Loan hay kinh tế thương mại ra để xem xét mối quan hệ, cạnh tranh Trung – Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, e sẽ khó thấy bản chất của vấn đề.
Donald Trump theo đuổi mục tiêu “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” vì nhìn thấy mối đe dọa từ Trung Quốc. Các chính sách đối nội, đối ngoại của ông đều xoay quanh trục này.
Không phải ngẫu nhiên chính sách quốc phòng, an ninh mới của Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump đều gọi đích danh Trung Quốc là đối thủ số 1.
Những phát biểu và gợi ý từ Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton cho thấy, tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông, sử dụng con bài Đài Loan và tiếp tục gây sức ép về kinh tế, thương mại sẽ được phối kết hợp xoay quanh trục chính sách “làm cho Mỹ vĩ đại trở lại”.
Bình luận đánh giá của Đô đốc Philip Davidson là một cách thúc đẩy chính sách của ông Donald Trump trong việc tái thiết quân đội, lấy lại sức mạnh, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí của Hoa Kỳ.
Nhưng khả năng xảy ra một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, dù là ở eo biển Đài Loan hay Biển Đông, cũng đều không cao, bởi hai nước không dễ chấp nhận hậu quả khủng khiếp – nền kinh tế lớn thứ nhất, thứ nhì thế giới bị hủy diệt, vì cả hai đều có vũ khí hạt nhân.
Ngoài chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải không làm thay đổi được “thực trạng mới” mà Trung Quốc tạo ra trên Biển Đông, Hoa Kỳ chưa bao giờ, và có lẽ sẽ không can thiệp nếu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của đồng minh, đối tác trên Biển Đông như vụ Scarborough năm 2012 hay giàn khoan 981 năm 2014.
Đây có lẽ là băn khoăn lớn nhất của các nước khi đứng trước sức ép lẫn sức kéo của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ trên Biển Đông.