Tehran bắt đầu kế hoạch phòng ngừa nguy cơ ảnh hưởng do lệnh trừng phạt của Washington.
Tehran bắt đầu kế hoạch phòng ngừa nguy cơ ảnh hưởng do lệnh trừng phạt của Washington.
Công nhân đứng trước nhà máy điện hạt nhân Bushehr, cách thủ đô Tehran 1.200 km về hướng Nam
Reuters
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua tuyên bố Trung Quốc và Nga sẽ chặn đứng bất kỳ “âm mưu nào nhằm phá hoại” thỏa thuận hạt nhân Iran, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc liệu có nên hủy bỏ thỏa thuận này hay không, theo Hãng thông tấn TASS.
Theo nhà lãnh đạo Mỹ, 12.5 là hạn chót để các bên đưa ra những thay đổi nếu muốn “giải cứu” thành quả mà phương Tây đạt được vào năm 2015 sau thời gian triển khai các hoạt động ngoại giao cấp tập để thuyết phục Tehran từ bỏ chương trình làm giàu uranium và đổi lấy dỡ bỏ cấm vận. Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, đang thăm Mỹ, cũng bày tỏ sự đồng thuận qua cuộc điện đàm rằng thỏa thuận hạt nhân nên tiếp tục được duy trì. Trong chuyến công du cấp nhà nước tại Mỹ từ ngày 23.4, Tổng thống Macron dự kiến thuyết phục chủ nhân Nhà Trắng giữ vững cam kết về vấn đề Iran.
Trong khi đó, Tehran bắt đầu kế hoạch phòng ngừa nguy cơ ảnh hưởng do lệnh trừng phạt của Washington. Từ hôm qua, lệnh cấm các ngân hàng và tổ chức tài chính tại Iran sử dụng tiền ảo chính thức có hiệu lực. Đây là một trong những biện pháp của chính quyền nhằm kiểm soát thị trường tiền tệ sau khi tiền rial của nước này mất giá ở mức kỷ lục trong tháng 4 giữa lo ngại Mỹ gia tăng trừng phạt. Quyết định được Ủy ban Chống rửa tiền của chính phủ ban hành hồi tháng 12.2017, theo AFP. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Iran giải thích lệnh cấm này được đưa ra vì lo ngại các loại tiền ảo có thể bị biến thành công cụ để tội phạm giao dịch, rửa tiền hoặc được dùng để tài trợ cho khủng bố.