Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang đặt ra một “yêu cầu khổng lồ” trong các cuộc đàm phán thương mại với chính phủ Trung Quốc, theo Business Insider.
Phái đoàn của chính quyền Trump tới Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu cắt giảm 200 tỷ USD cho thâm hụt thương mại Mỹ-Trung Quốc vào cuối năm 2020. Mức giảm này là gần bằng 60% lượng thâm hụt thương mại hiện tại, cụ thể số liệu năm 2017 là 336 tỷ USD.
Phái đoàn Mỹ cũng yêu cầu Bắc Kinh tiến hành những cải cách quan trọng liên quan đến cách đối xử của Trung Quốc đối với công nghệ nước ngoài, việc chính phủ trợ cấp cho các doanh nghiệp Trung Quốc, bảo vệ tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ ở Trung Quốc, thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ và các yêu cầu khác.
Đổi lại, Hoa Kỳ đề nghị giảm bớt các mối đe dọa hạn chế thương mại. Tổng thống Trump gần đây đã áp đặt gói thuế quan trị giá 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc. Ông Trump cũng đã đề nghị bổ sung thêm thuế quan ở mức 100 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong tương lai gần.
Những yêu cầu này cho thấy rằng các thành viên cứng rắn của chính quyền Trump, như ông Peter Navarro, người đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia Nhà Trắng, đang dẫn đầu trong các cuộc đàm phán, chứ không phải là phe ủng hộ quan điểm tự do thương mại như cố vấn kinh tế hàng đầu Larry Kudlow.
Các quan chức Trung Quốc cho rằng yêu cầu của Mỹ là “không công bằng” và “sự khác biệt lớn” vẫn tồn tại giữa hai nước.
Theo Business Insider, những nhượng bộ như vậy sẽ đòi hỏi những thay đổi lớn trong nền kinh tế Trung Quốc và những chuyển biến cơ bản về cách thức hoạt động của đất nước này, điều khiến hầu hết các chuyên gia tin rằng Trung Quốc sẽ không đồng ý với yêu cầu của Mỹ.
Ông Simon Lester, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Thương mại của Viện Cato, nghe có vẻ hoài nghi sau khi đọc các yêu cầu của Mỹ.
“Có ai từ phái đoàn thương mại Mỹ nghĩ rằng liệu có cơ hội nào về việc Trung Quốc sẽ đồng ý với bất cứ điều gì gần với yêu cầu này?”, ông Lester viết Twitter. “Hay nó được thiết kế để bị Trung Quốc từ chối, và Mỹ sẽ áp dụng với thuế quan?”
Đổi lại, người Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ giảm những hạn chế đối với các mặt hàng công nghệ được sản xuất tại Trung Quốc.
Ông Haibin Zhu, giám đốc kinh tế Trung Quốc tại JPMorgan, đã viết trong một lưu ý cho các khách hàng hôm thứ Sáu rằng các mối tương tác qua lại cho thấy hai nước có một chặng đường dài để sửa chữa mối quan hệ thương mại của họ.
“Có khoảng cách giữa danh sách yêu cầu của Mỹ và danh sách đề nghị của Trung Quốc, do đó cuộc thương lượng sắp tới sẽ gập ghềnh và tình hình có thể tồi tệ hơn, rồi mới tốt hơn được”, ông Zhu viết.
Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ tiếp tục trong tương lai gần, người Trung Quốc có khả năng sẽ đến Washington để gặp gỡ với phái đoàn Mỹ và Tổng thống Trump, theo Business Insider.