Sau cuộc chiến “đả hổ diệt ruồi” thì ngoại giao là chiến trường quan trọng tiếp theo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người trợ thủ đắc lực – ông Vương Kỳ Sơn.
Ông Tập Cận Bình tiếp đón ông Kim Jong-un. Ảnh minh họa: KCNA
Ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, động thái sang thăm Triều Tiên của Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thu hút sự chú ý của truyền thông.
Sự kiện ngoại giao này đánh dấu lần đầu tiên sau 11 năm, người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc sang thăm Bình Nhưỡng, đặc biệt lần này, ông Vương còn có cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
So với chuyến thăm cấp cao tới Triều Tiên (diễn ra từ 2-3/5) của Ngoại trưởng Vương Nghị, thì chuyến thăm tới một số nước đối tác của sáng kiến Vành đai và con đường như Kuwait, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất của Chủ nhiệm văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại trung ương Dương Khiết Trì (diễn ra từ 28-30/4) lại ít được chú ý hơn.
Ngoài ra, cùng thời điểm đó, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn và Trưởng ban liên lạc đối ngoại trung ương Tống Đào cũng có các cuộc tiếp xúc ngoại giao quan trọng
Theo giới phân tích, kể từ kỳ họp Lưỡng hội (tháng 3/2018) đến nay, nhân sự của ngành ngoại giao Trung Quốc đã được bố trí khéo léo, hợp lý, trở thành bộ máy ngoại giao kiên cố do Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo.
Cỗ máy ngoại giao Trung Quốc
Ngày 2/5, Ngoại trưởng Trung Quốc tiến hành chuyến thăm Bình Nhưỡng trong hai ngày, mục đích là tiền trạm, chuẩn bị cho cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Tập-Kim, dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới. Đây là chuyến thăm Triều Tiên đầu tiên của Ngoại trưởng Trung Quốc kể từ năm 2007.
Trước đó, ngày 15/4, ông Vương Nghị dẫn đầu đoàn ngoại giao Trung Quốc sang thăm Nhật, khôi phục các cuộc đối thoại kinh tế cấp cao Trung-Nhật liên tục gián đoạn trong hơn 7 năm qua. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Trung Quốc tới Nhật sau hơn 8 năm.
Từ sau khi nhậm chức Phó Chủ tịch Trung Quốc (tháng 3/2018), ông Vương Kỳ Sơn thường xuyên xuất hiện trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao, cho thấy ông đã bước sân khấu từ hậu trường của những cuộc “đả hổ diệt ruồi”, trở thành một trong những người xây dựng và thực thi các quyết sách quan trọng của nền ngoại giao Trung Quốc hiện nay.
Theo hiến pháp Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước có nhiệm vụ hỗ trợ Chủ tịch nước nên nếu nhận được sự ủy thác của ông Tập Cận Bình thì ông Vương Kỳ Sơn có thể đảm nhận một số quyền lực nhất định.
Kể từ hơn một tháng sau khi đắc cử đến nay, nhiệm vụ chủ yếu của cựu “trùm đả hổ” chính là đón tiếp các chính khách nước ngoài. Một số ý kiến cho rằng, dường như ông Vương có toàn quyền kiểm soát ngành ngoại giao cũng như chịu trách nhiệm về chiến lược ngoại giao trước Trung Nam Hải.
Đa chiều (Mỹ) dẫn nguồn tin Nhật Bản cho hay, việc đội ngũ cấp cao Trung Quốc lần lượt sang thăm Nhật Bản trong thời gian gần đây chính là được thực hiện theo yêu cầu của ông Vương, mục đích nhằm cải thiện quan hệ Trung-Nhật.
Những động thái này cho thấy, vai trò ngoại giao của Phó Chủ tịch Trung Quốc không chỉ giới hạn ở mối quan hệ Trung-Mỹ, tờ này nhận định.
Giới phân tích cũng cho rằng, hiện ông Vương đang phụ trách hai nhiệm vụ chính trị quan trọng: Thứ nhất, thúc đẩy phát triển tư tưởng Tập Cận Bình, mô thức quản lý kiểu Trung Quốc ra thế giới. Thứ hai, tái thiết lập trật tự và quy tắc các cuộc chơi trên thế giới với Trung Quốc là trung tâm.
Theo Đa chiều, tuy hình tượng không quá nổi bật như khi nắm giữ vị trí Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương CCDI nhưng vai trò của ông Vương Kỳ Sơn trong nền ngoại giao Trung Quốc lại rất quan trọng, sau cuộc chiến chống tham nhũng, ngoại giao Trung Quốc là mặt trận thứ hai của hai ông Tập, Vương.
So với Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn thường tiếp đón các yếu nhân quốc tế, Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Ngoại trưởng Vương Nghị liên tục tiến hành các chuyến công du cấp cao thì vai trò của Chủ nhiệm văn phòng Ủy ban đối ngoại trung ương Dương Khiết Trì được cho “lép vế” hơn.
Theo truyền thông Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì với vai trò là đặc sứ của Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiến hành chuyến thăm Kuwait và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất trong 3 ngày từ 28-30/4.
Trước thời điểm nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bí mật thăm Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì đã sang thăm Hàn Quốc với vai trò là đặc sứ của Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều này chứng tỏ, dù thông tin có phần “khiêm tốn” hơn các quan chức cấp cao khác nhưng vẫn cho thấy vai trò quan trọng của ông này trong ngành ngoại giao Trung Quốc.
Được biết, Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại trung ương của ông Dương Khiết Trì có vị trí trung gian kết nối trong hệ thống ngoại giao Trung Quốc, đóng vai trò then chốt trong quá trình lên kế hoạch và thi hành loạt quyết sách ngoại giao.
Việc Ủy viên Bộ chính trị (Dương Khiết Trì) và Ủy viên Quốc vụ viện (Vương Nghị) bắt tay xử lý ngoại giao là cục diện hiếm có tại Trung Quốc, đồng nghĩa rằng, Bắc Kinh hiện rất coi trọng chiến lược “ngoại giao nước lớn” và sẽ tích cực tham gia các sự vụ quốc tế để phát triển quan hệ với các nước lớn theo hình thái mới trong tương lai.
Ngoài ba ông Vương Kỳ Sơn, Vương Nghị và Dương Khiết Trì thì ông Tống Đào – Trưởng ban liên lạc đối ngoại trung ương cũng được ghi nhận là nhân vật hoạt động tích cực trong lĩnh vực ngoại giao của Trung Quốc.
Ngày 16/4, ông Tống Đào dẫn đầu đoàn nghệ thuật Trung Quốc sang tham dự liên hoan nghệ thuật quốc tế ở Triều Tiên và nhận được sự đón tiếp nồng hậu của Bình Nhưỡng. Ông này cũng có tiếp xúc với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Trước và sau đó, ông đã hội kiến với các chính khách Lào và Kyrgyzstan ở Bắc Kinh hay tới Myanmar gặp gỡ bà Aung San Suu Kyi.
Từ phân công của bộ máy ngoại giao Trung Quốc hiện nay cho thấy, ông Vương Kỳ Sơn là người thi hành chủ chốt các chiến lược ngoại giao của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, ông Dương Khiết Trì mắt xích liên kết các chính sách ngoại giao giữa đội ngũ cấp cao với các cơ quan cấp dưới, ông Vương Nghị chịu trách nhiệm trước Quốc vụ viện về các sự vụ đối ngoại còn ông Tống Đào là trợ thủ đắc lực thực hiện chính sách ngoại giao của ĐCSTQ với các chính đảng khác trên thế giới.
Đa chiều nhận định: “Nền ngoại giao Trung Quốc đã hình thành nên mối quan hệ theo mô hình kim tự tháp “Tập Cận Bình – Vương Kỳ Sơn – Dương Khiết Trì – Vương Nghị – Tống Đào”. Từ sự phối hợp này cho thấy, ngoài hai ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn – nắm toàn cục ngoại giao thì ba ông Dương Khiết Trì – Vương Nghị – Tống Đào đã tạo thành ‘cỗ xe tam mã’ trên mặt trận ngoại giao mới của Trung Quốc”.