Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngTQ đã chuẩn bị hệ thống luật pháp về biển đảo như...

TQ đã chuẩn bị hệ thống luật pháp về biển đảo như thế nào?

Tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và tỉnh thành trực thuộc của Trung Quốc đã đưa ra 77 Luật, Điều lệ, Thông tư, Quy định pháp quy… liên quan chính sách hải dương nói chung và vấn đề Biển Đông nói riêng.

Nhằm củng cố chứng cứ pháp lý để bảo vệ “chủ quyền” và thực hiện âm mưu độc chiếm ở Biển Đông, Chính phủ Trung Quốc ngay từ khi mới thành lập (01/10/1949) đã đặc biệt chú trọng công tác quản lý nhà nước về biển đảo, ban hành các quy định mới liên quan đến quản lý biển, kiện toàn hệ thống cơ quan thực thi luật biển, trong đó có nhiều quy định mang tính then chốt, được Trung Quốc áp dụng đối phó với cộng đồng quốc tế và các nước liên quan tranh chấp ở Biển Đông. Tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và tỉnh thành trực thuộc của Trung Quốc đã đưa ra 77 Luật, Điều lệ, Thông tư, Quy định pháp quy… liên quan chính sách hải dương nói chung và vấn đề Biển Đông nói riêng. Hệ thống các quy định pháp luật của Trung Quốc bao gồm một số khía cạnh chính:

Luật bảo vệ chủ quyền và an ninh biển

Từ năm 1949 đến nay, Trung Quốc đã cho ban hành nhiều văn bản pháp luật khẳng định “chủ quyền” trên biển như: Tuyên bố về lãnh hải của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ngày 04/9/1958); Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ngày 25/2/1992); Quyết định của Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc về phê chuẩn Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (ngày 15/5/1996); Tuyên bố về đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (năm 1996); Luật Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ngày 29/6/1998); Luật Bảo vệ hải đảo nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ngày 26/12/2009)…

Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về lãnh hải, quy định chiều rộng lãnh hải là 12 hải lý và quyền tài phán của Trung Quốc bao trùmtoàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, từĐại lục đến Đài Loan và các đảo bao quanh (Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa và các đảo, đá khác của Trung Quốc); Trung Quốc sử dụng đường cơ sở thẳng để xác định lãnh hải; tất cả máy bay và tàu quân sự nước ngoài không được đi vào vùng lãnh hải và không phận của Trung Quốc khi chưa được phép; khẳng định Trung Quốc có quyền sử dụng các biện pháp thích đáng để thu hồi Đài Loan và Bành Hồ.

Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tuyên bố về việc xác lập đường cơ sở đối với một bộ phận lãnh hải Đại lục và đường cơ sở lãnh hải đối với quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam); chiều rộng lãnh hải; tàu quân sự các nước khi đi qua lãnh hải Trung Quốc phải được Chính phủ Trung Quốc phê chuẩn; tất cả các tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài hoặc các cá nhân tiến hành các hoạt động nghiên cứu, tác nghiệp hải dương trong vùng lãnh hải của Trung Quốc phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…

Quyết định của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc về phê chuẩn Công ước quốc tế về luật biển năm 1982. Trung Quốc phê chuẩn Công ước quốc tế về Luật biển 1982 (UNCLOS) nhưng đến ngày 25/8/2006, Trung Quốc đưa ra các tuyên bố bảo lưu theo Điều 298 của UNCLOS. Theo đó, Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ thủ tục giải quyết tranh chấp nào quy định tại Điều 287, bao gồm: Tòa án công lý của Liên hợp quốc, Tòa án Luật biển quốc tế (ITLOS), Trọng tài và Trọng tài đặc biệt đối với tất cả các loại tranh chấp được quy định tại điểm a,b,c Khoản 1 Điều 298.

Tuyên bố về đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, trong đó Trung Quốc công bố đường cơ sở đối với vùng lãnh hải đại lục và hệ thống các điểm cơ sở trong đó có cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã áp dụng phương pháp vạch đường cơ sở quần đảo chỉ quy định cho các quốc gia quần đảo (Điều 47 UNCLOS) để vạch đường cơ sở cho các đảo xa bờ. Theo đó, hệ thống đường cơ sở thẳng của Trung Quốc là nối liền các điểm nhô ra nhất của các đảo, các bãi nửa nổi nửa chìm ngoài cùng của các đảo như Đá Bắc, Cồn Cát Tây, Đảo Bắc, Đảo Nam… Diện tích mà hệ đường cơ sở này của Trung Quốc bao trùm là một khu vực rộng 17.000 km2, trong khi tổng diện tích các đảo nổi của quần đảo Hoàng Sa là 10 km2.

Luật về Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, trong đó quy định quyền thực thi chủ quyền và quyền tài phán đối với Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, quyền bảo vệ lợi ích hải dương quốc gia của Trung Quốc; cho rằng nếu Trung Quốc và các nước láng giềng ven biển có tuyên bố chủ quyền chồng lấn về Vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa sẽ giải quyết việc phân định dựa theo nguyên tắc công bằng trên cơ sở pháp luật quốc tế; Trung Quốc có quyền tài phán, quyền xây lắp các trang thiết bị, sử dụng và nghiên cứu khoa học hải dương, bảo vệ môi trường biển tại các đảo nhân tạo trong Vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; tất cả các tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài hoặc cá nhân đánh bắt cá trong Vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc phải được sự cấp phép của cơ quan chủ quản Trung Quốc, đồng thời tuân thủ luật pháp, quy định của Trung Quốc và các điều ước, quy định mà Trung Quốc đã ký kết với nước khác; cơ quan chủ quản của Trung Quốc có quyền thực hiện các biện pháp bắt buộc về quản lý và nuôi dưỡng, bảo đảm nguồn tài nguyên trong Vùng đặc quyền kinh tế không bị khai thác quá mức; cơ quan chủ quản của Trung Quốc có quyền thực thi các biện pháp bắt buộc để ngăn chặn, giảm nhẹ và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển.

Luật Bảo vệ hải đảo nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, theo đó Trung Quốc sẽ “tăng cường bảo vệ hệ thống môi sinh, sử dụng hợp lý các nguồn lợi thiên nhiên và phát triển bền vững các đảo ngoài khơi”; Luật này cũng cấm khai thác cát và đất đá trên các đảo có người ở và không có người ở, cấm xây dựng, chặt cây và tiến hành các hoạt động du lịch trên các đảo hoang, cấm các hoạt đ̣ông có thể làm ảnh hưởng tới các rạn san hô dưới biển; tất cả các dự án phát triển trên đảo dân sinh sẽ phải tuân thủ nghiêm các đánh giá tác động về môi trường; thực vật và các loài động vật trên đảo sẽ được bảo vệ chặt chẽ theo luật Bảo vệ hải đảo Trung Quốc.

Luật bảo vệ khai thác tài nguyên biển

Luật Ngư nghiệp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ban hành năm 1986, sửa đổi 04 lần vào các năm 2000, 2004, 2009 và 2013), trong đó đưa ra nhiều quy định về bảo vệ, khai thác thủy, hải sản. Đáng chú ý, Luật trên cũng quy định rõ việc nghiêm cấm ngư dân sử dụng mìn, thuốc độc, điện, lưới mắt nhỏ… để đánh bắt cá; nghiêm cấm ngư dân đánh bắt các loại thủy, hải sản trong Sách Đỏ cần được bảo vệ; chủ động áp đặt thời gian nghỉ đánh bắt cá hàng năm…

Luật Tài nguyên khoáng sản (ban hành ngày 19/3/1986) quy định về việc bảo vệ, khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản. Luật trên có sự phân cấp quản lý dựa trên trữ lượng khoáng sản; nhấn mạnh việc khai thác dầu mỏ, khí đốt phải do các cơ quan chủ quản thuộc Quốc vụ viện cấp phép.

Biện pháp thực hiện Luật Ngư nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của tỉnh Hải Nam (có hiệu lực từ 1/1/2014) trong đó quy định người nước ngoài và tàu cá nước ngoài tự ý đi vào vùng nước do tỉnh Hải Nam quản lý (khu vực bao phủ 2/3 trong tổng số 2,6 triệu km2 của Biển Đông) để thực hiện sản xuất ngư nghiệp và các hoạt động điều tra tài nguyên nghề cá sẽ bị xua đuổi, có thể bị tịch thu tài sản, xử phạt hành chính tới 82.600 USD.

Luật bảo vệ môi trường biển

Trung Quốc ngày càng chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường biển, đưa ra nhiều Luật, Điều lệ, Thông tư, Quy định pháp quy liên quan như Luật Bảo vệ môi trường biển (năm 1982 sửa đổi năm 1999), Điều lệ quản lý bảo vệ môi trường thăm dò khai thác dầu trên biển (ngày 29/12/1983); Điều lệ quản lý ngăn ngừa ô nhiễm các vùng biển từ tàu thuyền (ngày 29/12/1983); Điều lệ quản lý việc đổ các chất thải xuống biển (ngày 06/3/1985); Điều lệ quản lý phòng trị ô nhiễm do các hạng mục công trình xây dựng bờ biển tổn hại tới môi trường biển (ngày 25/5/1990)….

Luật Bảo vệ môi trường biển là văn bản luật toàn diện đầu tiên của Trung Quốc về bảo vệ môi trường biển, trong đó nhấn mạnh cả phòng chống ô nhiễm và quản lý vĩ mô đối với môi trường biển; Theo đó, phát triển kinh tế xã hội cần được phối hợp với bảo vệ môi trường, khuyến khích đẩy mạnh các nghiên cứu về tác động của chất lượng môi trường đến sức khỏe cộng đồng, đôn đốc công tác phòng chống và kiểm soát các bệnh do ô nhiễm môi trường.

Luật Bảo vệ động vật hoang dã dưới nước của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ban hành ngày 17/9/1993, sửa đổi lần 1 vào ngày 8/1/2011, sửa đổi lần 2 vào ngày 7/12/2013, trong đó quy định về việc bảo vệ động vật hoang dã dưới nước quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Điều 16 của Luật quy định rằng “Người nước ngoài khi tiến hành các hoạt động khảo sát khoa học về động vật hoang dã dưới nước, thu thập mẫu vật, quay phim… trong lãnh thổ của Trung Quốc cần được sự cho phép của cơ quan chủ quản bảo vệ động vật hoang dã trọng điểm dưới nước ở cấp tỉnh.

Luật Bảo vệ cổ vật dưới nước của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ban hành ngày 20/10/1989, sửa đổi vào ngày 8/1/2011), trong đó có một số quy định đáng chú ý về việc Trung Quốc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ cổ vật dưới nước (tại những vùng nước có tính lịch sử, giá trị nghệ thuật và khoa học đối với di sản văn hóa nhân loại), cho rằng tất cả các cổ vật (có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc nguồn gốc từ nước ngoài) trong vùng nội thủy, lãnh hải của Trung Quốc đều thuộc tài sản của Trung Quốc.

Luật về giao thông, vận tải biển

Luật An toàn giao thông hàng hải quy định về các vấn đề di chuyển, dừng đỗ, tác nghiệp của tàu thuyền trong các vùng biển của Trung Quốc, nhấn mạnh “Cơ quan giám sát cảng vụ” của Trung Quốc là cơ quan chủ quản quản lý, giám sát thống nhất vấn đề an toàn giao thông trên biển; tạo cơ sở pháp lý để tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo hàng hải, điều kiện giao thông trên biển; quy định về các vùng chức năng hàng hải và khả năng thiết lập các vùng chức năng hàng hải của Cơ quan quản lý hải sự; quy định về việc quản lý tàu thuyền nước ngoài ra vào lãnh hải, nội thủy cảng biển của Trung Quốc; đặc biệt Luật cũng quy định về quyền truy đuổi, trục xuất, quản lý các thiết bị nổi, lặn trên biển của các cơ quan chức năng Trung Quốc và để ngỏ khă năng sẽ không áp dụng bất kỳ một quy định nào trong các Điều ước quốc tế mà Trung Quốc đã ký kết hoặc tham gia nếu quy định đó không có lợi cho Trung Quốc.

 Luật về quản lý sử dụng biển

Các tỉnh, thành của Trung Quốc (có vị trí địa lí giáp biển) đều đưa ra các quy định, Điều lệ về quản lý sử dụng biển: Quy định quản lý nghiên cứu khoa học biển liên quan tới bên ngoài nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ngày 18/6/1996); Quy định về việc đặt dây cáp và ống dẫn ngầm dưới đáy biển (ngày 11/2/1989); Điều lệ hợp tác khai thác tài nguyên dầu khí biển với nước ngoài của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ngày 30/1/1982, sửa đổi ngày 23/9/2001), Luật Quản lý sử dụng khu vực biển (năm 2011), Quy chế quản lý quyền sử dụng khu vực biển và cách thức đăng ký quyền sử dụng khu vực biển (năm 2006), Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam (01/01/2013)….

Đáng chú ý, Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam, quy định cảnh sát biên phòng tỉnh Hải Nam được phép “lên tàu kiểm tra, khám xét, thu giữ và trục xuất các tàu xâm phạm trái phép vùng biển của Trung Quốc”. Các hành vi bị coi là xâm phạm trái phép như: Dừng đỗ bất hợp pháp; tự động xuất, nhập cảnh; lên các đảo của tỉnh Hải Nam quản lý một cách bất hợp pháp; phá hoại thiết bị phòng vệ biển; xâm phạm chủ quyền quốc gia hoặc gây nguy hại cho an ninh quốc gia… 

Trung Quốc đã cho ban hành nhiều văn kiện mang tính chiến lược định hướng cho sự nghiệp phát triển biển như: Cương yếu chính sách và công tác biển Trung Quốc thập niên 90 được thông qua tại Hội nghị công tác biển toàn quốc năm 1991; Chính sách kỹ thuật biển năm 1993; Quy hoạch khai thác biển toàn quốc năm 1995; Cương yếu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm lần thứ 9 và tầm nhìn 2010 năm 1996; Chương trình biển Trung Quốc thế kỷ 21 năm 1996; Chính sách biển Trung Quốc năm 1998; Cương yếu quy hoạch phát triển kinh tế biển toàn quốc năm 2003; Cương yếu quy hoạch phát triển sự nghiệp biển quốc gia các năm 2008, 2013, 2018…

Trung Quốc cũng đã tham gia và ký kết trên 50 điều ước quốc tế trong lĩnh vực luật biển như Công ước Luật biển năm 1982, Công ước về đa dạng sinh học, Công ước quốc tế về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm năm 1969…

Nhìn chung, pháp luật về biển đảo của Trung Quốc đang được đổi mới, không ngừng được hoàn thiện, kiện toàn trên tất cả các lĩnh vực bảo vệ chủ quyền và an ninh trên biển, các quyền và lợi ích biển, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, phát triển theo chiều hướng bành trướng ra biển, góp phần thực hiện chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc và đảm bảo cơ sở pháp lý cho các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển nói chung, đặc biệt là ở Biển Đông. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về biển đảo của Trung Quốc còn tồn tại nhiều vấn đề: Thứ nhất, pháp luật Trung Quốc khá phức tạp, nhiều tầng, cấp tham gia quản lý nhà nước trong các lĩnh vực cụ thể. Chức năng, nhiệm vụ quản lý biển, xây dựng pháp luật biển được giao cho nhiều Bộ, ngành khác nhau. Các văn bản pháp luật về biển do nhiều cơ quan, Bộ ngành có thẩm quyền ban hành. Thứ hai, đa phần các văn bản pháp quy của Trung Quốc được xây dựng từ lâu, ít sửa đổi, bổ sung nên có nhiều quy định không phù hợp với bối cảnh hiện nay; chưa thể hiện được vấn đề hội nhập quốc tế và trách nhiệm của Trung Quốc đối với vấn đề an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường biển. Thứ ba, nhiều nội dung trong các quy định luật pháp của Trung Quốc không phù hợp với thông lệ quốc tế, luật quốc tế, nhất là các quy định của UNCLOS 1982; chủ yếu phản ánh chính sách biển bành trướng truyền thống của Trung Quốc. Thứ tư, nhiều văn bản pháp quy của Trung Quốc về biển, đảo có hiệu lực pháp lý thấp, cho dù trong thời gian gần đây có một số vấn đề chiến lược liên quan đến biển, đảo của Trung Quốc đã được ban hành dưới hình thức luật. Thứ năm, Trung Quốc xây dựng luật trên cơ sở đặt lợi ích của Trung Quốc lên trên hết, loại bỏ những quy định bất lợi, ràng buộc, nhằm tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bành trướng thực tế trên biển, bảo vệ và củng cố các yêu sách chủ quyền phi pháp.

RELATED ARTICLES

Tin mới