Sau khi Tờ Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post) đưa tin Chính phủ Trung Quốc đang tài trợ cho một nhóm học giả tìm cách vẽ một đường biên giới nối liền trên biển trên cơ sở “Đường lưỡi bò” cũ (hay còn gọi là Đường 9 đoạn), nhằm củng cố chứng cứ pháp lý và dần khẳng định cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông (Trung Quốc gọi là “Nam Hải”), cộng đồng quốc tế có lẽ đã nhìn nhận rõ hơn về âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Giới nghiên cứu Trung Quốc đòi nối liền đường 9 đoạn phi pháp trên Biển Đông thành 1 đường liền mạch – Ảnh: SCMP
Đường biên giới nối liền trên biển của Trung Quốc thực chất là việc nối các đoạn đứt của “Đường lưỡi bò” lại, đường biên trên xuất phát từ điểm phân chia ở Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam, chạy xuống phía Nam tới vùng biển được yêu sách bởi Malaysia, tạo ra một đường vòng chữ U tới phía Bắc dọc theo bờ biển phía Tây của Philippines và kết thúc tại điểm phía Đông Nam của Đài Loan. Nhóm dự án trên đã xác định địa điểm đầu tiên của đường biên giới bằng việc sử dụng định vị vệ tinh toàn cầu, song hiện Trung Quốc vẫn chưa quyết định lựa chọn độ phân giải (từ một ki-lô-mét đến vài cen-ti-mét) cụ thể để xác định điểm đầu tiên.
Trên thực tế, “Đường 9 đoạn” có nguồn gốc từ “Đường 11 đoạn”, xuất hiện công khai lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1948 trong phụ lục “Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải” của “Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân Quốc” do Cục Cương vực Bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc phát hành. Tuy nhiên, đường này không hề có các tọa độ địa lý cụ thể được nêu ra và những bản đồ mỗi thời in “Đường 9 đoạn” này lại khác nhau. “Đường 9 đoạn” bao trọn bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên Biển Đông là quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, quần đảo Đông Sa và bãi Macclesfield với khoảng 75% diện tích mặt nước của Biển Đông. Đến năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau khi thành lập vẫn xác định cương vực trên Biển Đông theo “Đường 11 đoạn” của Trung Hoa Dân Quốc, đến năm 1953 thì bỏ hai đoạn ở Vịnh Bắc Bộ, trở thành “Đường 9 đoạn”.
Trung Quốc là một bên ký kết Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS), song Trung Quốc chưa bao giờ xác định ý nghĩa pháp lý của “Đường 9 đoạn”. Điều quan trọng là ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 ở The Hague, Hà Lan ra phán quyết đã bác bỏ “Đường lưỡi bò” và khẳng định: “Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để tuyên bố quyền lịch sử đối với những tài nguyên biển trong Đường 9 đoạn”.
Nhiều nước trên thế giới đã từng đưa ra các tuyên bố chính thức phản đối “Đường 9 đoạn”. Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều lần tuyên bố rằng “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông là mơ hồ, phần lớn các phần diễn giải yêu sách không tuân theo pháp luật quốc tế. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhiều lần bác bỏ tuyên bố phi lý của Trung Quốc dựa trên “Đường 9 đoạn”, khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng nước phụ cận cũng như yêu sách “các quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển bên trong “Đường 9 đoạn” do Trung Quốc đơn phương đưa ra. Ngoại trưởng Malaysia Anifah từng tuyên bố Malaysia và những quốc gia khác trong ASEAN vốn có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc, không thừa nhận cái gọi là “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đòi hỏi vì nó không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định rằng Hiệp hội các nước Đông Nam Á bác bỏ hoàn toàn yêu sách sử dụng “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc để áp đặt chủ quyền trên vô số các hòn đảo nhỏ và các rạn san hô ở Biển Đông. Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố bác bỏ cái gọi là “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh “Đường 9 đoạn mà Trung Quốc áp đặt (lên 90% diện tích Biển Đông và chồng lấn với nhiều quốc gia trong khu vực như Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam) hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào cả”.
Giới chuyên gia, học giả Trung Quốc cho rằng việc vẽ đường biên giới nối liền trên biển nhằm: Thứ nhất, góp phần củng cố các yêu sách “chủ quyền” của Trung Quốc và lần đầu tiên xác định chính xác khu vực mà Trung Quốc có yêu sách về các quyền lịch sử trên Biển Đông. Trong phạm vi đường biên giới này, Trung Quốc sẽ yêu sách các quyền đối với các hoạt động đánh bắt cá, thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng, xây dựng các căn cứ quân sự, cảng nước sâu. Thứ hai, hỗ trợ cho việc nghiên cứu khoa học tự nhiên, nhất là việc tính toán tổng số sinh khối, trữ lượng dầu, khí, khoáng sản và các tài nguyên khác trong khu vực Trung Quốc yêu sách “chủ quyền”. Thứ ba, tạo điều kiện để Trung Quốc xây dựng các kế hoạch và triển khai các hoạt động “bảo vệ lợi ích quốc gia trong khu vực, đồng thời giảm thiểu nguy cơ xung đột với các nước khác”. Thứ tư, góp phần thể hiện rõ ràng về tính toàn vẹn, liên tục của đường biên giới cho các vùng biển của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong khi đó, giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế cho rằng nếu Trung Quốc chỉ rõ các yêu sách của mình tại Biển Đông bằng một đường nối liền 9 đoạn đứt khúc sẽ là sự bác bỏ hoàn toàn đối với phán quyết của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII ngày 12/7/2016; hành động này sẽ “gây ra những quan ngại sâu sắc cho các quốc gia Đông Nam Á và bên ngoài khu vực”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với an ninh khu vực. Ngoài ra, Trung Quốc đang cố tình lợi dụng bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tập trung theo dõi diễn biến tình hình Syria, tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên để tung tin bằng nguồn giấu tên nhằm thử phản ứng của quốc tế. Nếu cộng đồng quốc tế không có phản ứng mạnh và thiếu cảnh giác, Trung Quốc sớm muộn sẽ thay “Đường 9 đoạn” bằng đường biên giới nối liền trên biển.
Nếu Trung Quốc chính thức thông qua bản đồ trên sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định trong khu vực. Thứ nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cũng như một số nước khác trong khu vực bị xâm phạm nghiêm trọng. Việc thông qua bản đồ mới đồng nghĩa với việc Trung Quốc bành trướng lãnh thổ, độc chiếm Biển Đông, công khai khẳng định “chủ quyền” của Trung Quốc đối với 75% diện tích mặt nước của Biển Đông. Thứ hai, hoạt động tự do hàng hải, hàng không trong khu vực Biển Đông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động tuần tra, giám sát ở Biển Đông; yêu cầu máy bay, tàu thuyền các nước khi qua lại vô hại trong khu vực Biển Đông phải xin phép và phải được sự chấp thuận của Trung Quốc mới được di chuyển qua. Hành động này đồng nghĩa với việc Trung Quốc nắm quyền kiểm soát toàn bộ tuyến đường giao thông hàng hải, hàng không khi qua Biển Đông, và đương nhiên, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, EU… bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thứ ba, hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác dầu khí, nghiên cứu hải dương, đánh bắt cá tại các ngư trường truyền thống của các nước bị ảnh hưởng, phải chịu sự “khống chế và kiểm soát” của Trung Quốc. Song song với việc ngăn chặn các nước khảo sát, thăm dò, khai thác dầu khí và ngư dân các nước đánh bắt cá, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, dần dần tìm cách kiểm soát và độc chiếm nguồn dầu khí, hải sản ở Biển Đông. Thứ tư, Trung Quốc sẽ ngang nhiên tiếp tục triển khai các hoạt động cải tạo, quân sự hóa phi pháp ở Biển Đông, tăng cường các hoạt động tuần tra, tập trận trong khu vực… khiến an ninh khu vực càng trở nên căng thẳng và nhiều khả năng sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn trong khu vực, nhất là khi các nước đang đua nhau tăng cường sức mạnh cho lực lượng Hải quân.
Về thời điểm Chính phủ Trung Quốc công bố chính thức yêu sách “chủ quyền” theo bản đồ mới: Hầu hết giới chuyên gia học giả Trung Quốc và quốc tế đều cho rằng đây mới chỉ là ý tưởng của một nhóm nghiên cứu được Chính phủ hậu thuẫn, ít có khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ tuyên bố thừa nhận kết quả nghiên cứu trên và đưa vào áp dụng trong thực tế vì: Thứ nhất, diễn biến tình hình Biển Đông đang ngày càng ổn định, xu thế hợp tác và giải quyết tranh chấp chủ quyền thông qua các biện pháp hòa bình, nhất là dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế đang được đẩy mạnh. Thứ hai, Trung Quốc đang nắm thế chủ đạo trong việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, thành công trong việc sử dụng sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quốc phòng lôi kéo, ép buộc một số nước ủng hộ chủ trương của Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Thứ ba, Trung Quốc lo ngại vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ các nước có liên quan lợi ích ở Biển Đông, nhất là những nước tồn tại tranh chấp chủ quyền trong khu vực và Mỹ, Nhật Bản.
Trên thực tế, đường biên giới mới trên biển không những xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, mà còn phớt lờ Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vốn dựa trên những nguyên tắc được quy định trong UNCLOS 1982 mà Trung Quốc là một bên phê chuẩn. Hành động của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định trong khu vực. Việt Nam cũng như các nước có lợi ích ở Biển Đông như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Indonesia… cần theo dõi sát các thông tin liên quan trên và có các biện pháp phản ứng phù hợp, tránh để Trung Quốc lợi dụng sơ hở làm càn, tự biên tự diễn khi thông qua và đưa bản đồ trên vào sử dụng trong thực tế.