Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngTên lửa Bắc Kinh vừa triển khai trái phép ở Trường Sa...

Tên lửa Bắc Kinh vừa triển khai trái phép ở Trường Sa là “sát thủ diệt hạm” nguy hiểm nhất của TQ

YJ-12 được xem là “tên lửa chống tàu nguy hiểm nhất mà Trung Quốc đã chế tạo được cho đến nay”.

Hệ thống tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 của Trung Quốc. Ảnh: Army Recognition

Tình báo Mỹ: Trung Quốc đưa tên lửa ra Trường Sa

Trung Quốc được cho là đã triển khai trái phép các hệ thống tên lửa chống hạm và tên lửa đất-đối-không lên Đá Chữ Thập, Đá Xubi và Đá Vành Khăn thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Động thái này diễn ra sau khi Bắc Kinh bị cáo buộc lắp đặt thiết bị gây nhiễu trong khu vực để gây cản trở hoạt động của các hệ thống radar và thông tin liên lạc.

Loại tên lửa đất-đối-hạm mà Trung Quốc triển khai được cho là YJ-12B, cho phép Bắc Kinh tấn công các tàu mặt nước trong phạm vi 295 hải lý từ các đảo đá này.

Còn hệ thống tên lửa đất-đối-không tầm xa được nhắc đến ở trên lầ HQ-9B, có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa 160 hải lý.

CNBC dẫn thông tin tình báo của Mỹ cho biết, quân đội Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống phòng không và chống hạm phi pháp tại 3 tiền đồn quân sự mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Nhà Trắng đã cảnh báo những hệ lụy liên quan đến việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông.

“Chúng tôi biết rõ về việc quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng tôi đã trực tiếp nêu quan ngại với Trung Quốc về vấn đề này và sẽ có những hậu quả trước mắt và lâu dài” – Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.

NI: Mối đe dọa đối với Không – Hải quân Mỹ

Theo tạp chí National Interest (Mỹ), việc Trung Quốc tăng cường tên lửa chống tàu YJ-12B có thể tạo ra thách thức lớn cho các lực lượng Mỹ trong khu vực.

Tổ chức “Missile Defense Alliance” đã mô tả loại vũ khí này như sau: “YJ-12 có thể mang lại nhiều lo ngại về an ninh đối với các lực lượng hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương, nó được xem là ‘tên lửa chống tàu nguy hiểm nhất mà Trung Quốc đã chế tạo được cho đến nay’.

Mối đe dọa mà YJ-12 mang lại đến từ tầm bắn 400km (khiến nó trở thành tên lửa hành trình chống tàu có tầm bắn xa nhất từng được chế tạo) và khả năng di chuyển với tốc độ cao (lên tới Mach 3).

Điều này khiến cho hệ thống chiến đấu Aegis và tên lửa đất-đối-không SM-2 (giữ vai trò bảo vệ các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ) gặp khó khăn trong việc phát hiện và đánh chặn mục tiêu, do YJ-12 có thể được bắn đi từ vị trí nằm ngoài tầm bắn của chúng, làm giảm đáng kể thời gian phản ứng của Hải quân Mỹ.

YJ-12 thậm chí còn có đường bay ngoắt ngoéo để lẩn tránh các lớp phòng thủ trong cùng của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ. Khi kết hợp với các máy bay chiến đấu Flanker, YJ-12 có thể đạt tới tầm bắn 1.900km, tạo ra một mối đe dọa còn lớn hơn những gì mà tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D có thể gây ra cho Mỹ.

National Interest nhận định, việc Trung Quốc triển khai YJ-12 và phát triển các tên lửa hành trình chống tàu có liên quan cho thấy nước này đang có tham vọng thiết lập khả năng chống tiếp cận, chống xâm nhập khu vực, đề phòng trường hợp nổ ra xung đột trong tương lai.

Trong khi đó, tên lửa HQ-9B, mặc dù không mạnh như các tổ hợp S-300V4 và S-400 của Nga, nhưng vẫn là một hệ thống phòng không nguy hiểm. Một số nguồn tin Trung Quốc cho biết các hệ thống trong “gia đình” HQ-9 đều được trang bị công nghệ máy tính mới hơn nhiều so với tổ hợp S-300PMU/PMU1/PMU2 nhập khẩu từ Nga.

Điều này cho thấy chúng có thể đạt khả năng xử lý tín hiệu, truyền dữ liệu và hỗ trợ dẫn đường ngang ngửa với các hệ thống của Nga.

Trong bài viết trên Air Power Australia, chuyên gia Carlo Kopp cho rằng không nên đánh giá thấp các phiên bản HQ-9, chúng sẽ có độ tin cậy tương đương với các hệ thống trong gia đình SA-20 của Nga.

Giới chuyên gia nhận định, động thái triển khai tên lửa HQ-9 và YJ-12 của Trung Quốc lần này là một sự khiêu khích lớn, đe dọa các quốc gia trong khu vực.

“Nếu những hệ thống tên lửa này tiếp tục được triển khai tại các căn cứ phi pháp của Trung Quốc ở Trường Sa thì không nỗ lực ngoại giao nào có thể xoa dịu các quốc gia khác ở Biển Đông, cũng như các thế lực bên ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản và Australia”.

“Có vẻ như Trung Quốc sẽ dựa vào phản ứng của các bên đối với đợt triển khai này để đánh giá xem liệu họ có thể triển khai (hoặc ít nhất là có thể triển khai sớm tới mức nào) các hệ thống mạnh hơn tới quần đảo này, như tiêm kích, máy bay ném bom và các tên lửa đạn đạo thông thường.” – chuyên gia Steven Stashwick viết trên Diplomat.

RELATED ARTICLES

Tin mới