Pháp chia sẻ không can thiệp vào công việc của các nước khác và không cho phép Nga tự đóng cửa.
Sputnik ngày 6/5 dẫn cuộc phỏng vấn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron của tạp chí Pháp Journal du Dimanche cho biết, ông sẵn sàng tham gia một “cuộc đối thoại lịch sử và chiến lược” với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Nhà lãnh đạo Pháp giải thích rằng ông dự định “thúc đẩy nước Nga đến với châu Âu và không cho phép Nga tự đóng cửa.”
“Vladimir Putin mơ ước khôi phục sự vĩ đại của nước Nga… Đối với tôi, Nga là một phần của châu Âu, ngay cả khi Nga hầu như chưa bao giờ biết đến nền dân chủ mà chúng ta đang sống”- Tổng thống Pháp nói.
Nói về sự can thiệp của những nước khác vào công việc nội bộ của Pháp, Tổng thống Macron khẳng định Paris sẽ không cho phép những nỗ lực như vậy diễn ra.
Dẫu không có các bằng chứng thuyết phục, nhiều lãnh đạo, quan chức các quốc gia châu Âu đã khẳng định nước Nga là hung thủ can thiệp vào công việc nội bộ những cuộc trưng cầu dân ý hay bầu cử.
Cả hai hiện đang có những bất đồng liên quan đến thỏa thuận hạt nhân mới với Iran.
Tuần trước, Tổng thống Pháp đã điện đàm với Tổng thống Nga nhằm thông báo và thuyết phục Nga chấp nhận đàm phán thoả thuận hạt nhân mới với Iran nhưng chưa thành công.
Nội dung cuộc điện đàm là ông Macron thông báo cho ông Putin về những thảo luận giữa ông Macron với Tổng thống Mỹ, Donald Trump về vấn đề hạt nhân của Iran, nhân chuyến thăm đến Mỹ của ông Macron hồi đầu tuần trước.
Tuy nhiên, thông tin ra báo chí của các chính quyền Pháp và Nga cho thấy hai bên đang có bất đồng lớn về vấn đề này. Cụ thể, theo phía Nga thì “hai Tổng thống Nga và Pháp tuyên bố ủng hộ việc duy trì và áp dụng triệt để thoả thuận hạt nhân năm 2015”.
Trong khi đó, phía Pháp lại khẳng định, dù hai Tổng thống Macron và Putin đồng ý duy trì thoả thuận 2015 nhưng phía Pháp đã nhấn mạnh đến việc “Pháp mong muốn cùng Nga và các thành viên Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc mở các cuộc đàm phán về việc kiểm soát chương trình hạt nhân Iran sau thời điểm năm 2025”.
Phía Pháp cũng cho biết, đây là đề xuất mà ông Macron đã đưa ra với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm giữ Mỹ không rút hẳn khỏi thoả thuận hạt nhân mà nhóm P5+1 đã ký với Iran năm 2015. Mặc dù vậy, chính quyền Nga trong những ngày qua luôn khẳng định sẽ không thể có “bất cứ giải pháp thay thế nào” cho thoả thuận 2015.
Những bất đồng giữa hai nhà lãnh đạo trong vấn đề hạt nhân Iran được cho là sẽ quyết định đến vai trò thực sự của Pháp tại chiến trường Syria.
Sau khi hiệp đồng tác chiến với Mỹ và Anh trong vụ tấn công tên lửa vào Syria, việc Tổng thống Macron hối thúc các bên chấp thuận thỏa thuận hạt nhân Iran đã cho thấy phần nào ý định ngoại giao con thoi của nhà lãnh đạo Pháp khi tìm cách để có vai trò quan trọng hơn ở Trung Đông, đặc biệt là chiến trường Syria.
Bất đồng về những lợi ích chiến lược khiến cho ý tưởng của Tổng thống Pháp trước chuyến thăm Nga trong 2 ngày 24-25/5 tới đặt ra những kịch bản mà Nga sẽ trả lời Tổng thống Pháp.
Một sự hiện diện quân sự quy mô hơn ở Syria của Pháp là điều Moscow không cách nào ngăn chặn. Nhưng nếu vậy, chắc chắn Syria sẽ gọi đây không là hành động “can thiệp vào công việc của quốc gia khác” như ông Macron từng tuyên bố.
Chuyến thăm Nga sắp tới của Tổng thống Pháp có thể mang tới Nga cánh cửa của nền dân chủ, cái chìa tay về kinh tế để Nga không bị cô lập, hoặc một cái gật đầu về thỏa thuận hạt nhân Iran mới. Dẫu là gì, Tổng thống Pháp cũng đang tràn đầy hy vọng về một thỏa thuận có lợi trong tương lai gần.