“Rõ ràng ông Trump hứng thú với sự liều lĩnh, thứ đã đưa ông tới thành công và cả 4 vụ phá sản”, nhà ngoại giao Mỹ nhận định trên Time.
Ảnh: NBC News
Trong bài viết đăng tải trên Tạp chí Time, phóng viên cấp cao Nhà Trắng của Time, Brian Bennet đã đưa ra nhận định về quyết định rút khỏi JCPOA mới đây của ông Trump. Dưới đây là phần lược dịch bài viết:
Thông điệp cho Triều Tiên
Ngay sau khi tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, có vẻ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đột ngột chuyển chủ đề, nói về việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang trên đường tới Triều Tiên để chuẩn bị cho cuộc gặp của ông Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
“Hành động hôm nay mang một thông điệp quan trọng: Mỹ sẽ không dọa suông nữa. Tôi nói thì sẽ giữ lời”, ông Trump tuyên bố trong Phòng Ngoại giao của Nhà Trắng, và rồi ông nhắc tới chuyến đi của Pompeo:
“Thực ra, ngay lúc này, Ngoại trưởng Pompeo đang trên đường tới Triều Tiên để chuẩn bị cho cuộc gặp sắp tới của tôi với ông Kim Jong-un. Kế hoạch đang được vạch ra. Quan hệ đang được xây dựng”.
Hành động có vẻ mâu thuẫn này kỳ thực là một phần trong quyết định tái áp đặt cấm vận nhằm vào Iran của ông Trump.
Trong 2 tháng qua, ông Trump nhận thấy chính sách Triều Tiên của mình là một thành công và tin rằng, sự kết hợp bất thường giữa phát ngôn mạnh miệng với cấm vận kinh tế hà khắc đã đưa ông Kim tới bàn đàm phán. Giờ đây, ông Trump muốn áp dụng chiến thuật tương tự với Iran.
Các chuyên gia chính sách nước ngoài đã cảnh báo suốt nhiều tháng rằng nếu ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran thì sẽ khó khăn hơn để thuyết phục Triều Tiên về khả năng Mỹ duy trì bất kỳ cam kết nào trong thỏa thuận tiêu hủy vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên ông Trump và các cố vấn của ông không đồng tình. Theo quan điểm của họ, việc từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ cho lãnh đạo Triều Tiên thấy rằng ông Trump không chấp nhận những điều khoản cho phép ông Kim tái khởi động chương trình hạt nhân.
“Quyết định rút khỏi thỏa thuận có 1 khía cạnh khác. Đó là thiết lập những vị trí lợi thế cho nước Mỹ và nó không chỉ liên quan đến Iran, mà còn đến cuộc gặp sắp tới với ông Kim Jong-un”, cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton nói trước báo giới, “Thông điệp dành cho Triều Tiên là Tổng thống [Trump] muốn có một thỏa thuận thực sự”.
Khi tới Triều Tiên, ông Pompeo sẽ đề nghị ông Kim bàn thảo về những cam kết mà Triều Tiên đã đưa ra khi kí Tuyên bố Chung Nam – Bắc Triều về việc Phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, trong đó bao gồm cả việc chấm dứt quá trình làm giàu uranium và xử lý plutonium, bên cạnh các vấn đề khác.
“Nghệ thuật Đàm phán”
Các chuyên gia cấm phổ biến vũ khí cho rằng, ông Trump có thể làm nảy sinh một cuộc khủng hoảng ở nơi vốn không có khủng hoảng. Iran đã hạn chế khả năng làm giàu uranium của mình và với quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận, ông Trump có thể đánh mất điều đó.
Quyết định của ông Trump sẽ không tự động khiến thỏa thuận chấm dứt – Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp và Anh cũng là các bên ký kết trong thỏa thuận và khẳng định họ sẽ tiếp tục tuân thủ các điều khoản – nhưng các công ty nước ngoài có thể bị Mỹ trừng phạt vì làm ăn ở Iran.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã chỉ trích Mỹ vì không giữ vững cam kết, nhưng cũng cho biết, Iran có thể tìm cách chống chọi với cấm vận của Mỹ, hy vọng tiếp tục hợp tác với các bên khác trong thỏa thuận 2015, còn được biết tới với tên gọi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện.
“Có thể chúng tôi sẽ đối mặt với một số vấn đề trong 2-3 tháng nhưng chúng tôi sẽ vượt qua chuyện này”, ông Rouhani nói, bổ sung thêm rằng Iran sẽ tiếp tục “hợp tác với thế giới và tham gia một cách xây dựng với thế giới”.
Kỹ năng thương thuyết của ông Trump – vốn đã được mài giũa trong thế giới bất động sản New York – vẫn đang chịu thử thách trên vũ đài quốc tế. Ông Trump chưa đạt được sự nhượng bộ lâu dài nào từ Triều Tiên và cuộc chiến thương mại hiện tại cũng chưa đem lại cho Mỹ kết quả đáng chú ý.
“Vẫn chưa thấy Nghệ thuật Đàm phán đem lại hiệu quả”, Mark Dubowitz, CEO của Quỹ Bảo vệ Dân chủ cho hay, “Rõ ràng ông Trump hứng thú với sự liều lĩnh, thứ đã đưa ông tới thành công và cả 4 vụ phá sản. Đây là một ví dụ khác về chiến lược thương lượng đầy rủi ro, bước đi có thể mang lại kết quả vô cùng tích cực hoặc một thảm họa tiềm tàng”.
Quyết định rút khỏi thỏa thuận của ông Trump là “sai sót trong chính sách ngoại giao”, Thomas Countryman, nhà ngoại giao Mỹ về hưu nhận định.
Ông Countrymand cho rằng, quyết định này tạo ra một chuỗi lo ngại, bao gồm cả khả năng kích động Iran nối lại việc làm giàu uranium, gây trở ngại cho quá trình thanh sát cơ sở hạt nhân Iran của IAEA và tích tụ căng thẳng trong một khu vực vốn đã nhiều bất ổn.
“Đó là một quyết định phi lý mà không có lời giải thích nào về việc làm sao để cải thiện JCPOA hoặc ngăn cản Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”, ông Countryman nói, “Đây không phải là Khách sạn Trump, nơi anh có thể phá sản rồi làm lại từ đầu. Các thỏa thuận đa phương không hoạt động như vậy”.