Saturday, November 16, 2024
Trang chủĐàm luậnSau việc đưa tên lửa ra Trường Sa, TQ có thiết lập...

Sau việc đưa tên lửa ra Trường Sa, TQ có thiết lập ADIZ?

Mặc dư luận quốc tế lên án, Trung Quốc liên tục có những hành động nhằm củng cố chủ quyền đơn phương và áp đặt trên toàn Biển Đông. Không chỉ cải tạo đất để xây dựng trái phép các cơ sở dân sự, Trung Quốc còn cho xây các căn cứ không quân, lắp đặt radar và hệ thống thông tin liên lạc, cơ sở hải quân. Nước này cũng triển khai nhiều loại vũ khí, xây dựng các đường băng phục vụ máy bay quân sự trên đảo, ngang nhiên như chốn không người.

Mỹ tuy không phải là một bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc khu vực này. Trên thực tế từ năm 2017, giới quan sát đã ghi nhận việc Bắc Kinh xây dựng các hầm chứa tên lửa ở các thực thể này. Trước tình hình đó, Hải quân Mỹ đã không ngần ngại điều tàu chiến và tàu sân bay tới làm nhiệm vụ tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.

Trong số các nước kiên quyết phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc có chính phủ Úc. Từ Canberra, ngoại trưởng Julie Bishop hôm 4/5/2018 đã chính thức cảnh cáo Trung Quốc về việc triển khai tên lửa ở Trường Sa. Bà Bishop tuyên bố: “Nếu thông tin báo chí là đúng thì chính phủ Úc sẽ rất quan ngại, vì điều này trái với cam kết của Trung Quốc là sẽ không quân sự hóa các thực thể đó”.

Ngoại trưởng Úc khẳng định, mọi hành động quân sự hóa các thực thể địa lý ở Biển Đông đều đi ngược lại vai trò của Trung Quốc với tư cách một trong 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trước Úc, Philippines, từng được coi là đã bị Trung Quốc “mua” sự im lặng cùng với một thành viên khác của ASEAN khi lên tiếng về các hành động gây hấn của Trung Quốc.

Thế nhưng một tín hiệu mới phát đi từ Manila, hôm 2/5/2018, phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines Hary Roque đã công khai bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc triển khai tên lửa ở Trường Sa. Có điều ông Roque đã lắt léo khi cho rằng những tên lửa đó “không nhắm vào Philippines”, vì quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã qua thời kì giá lạnh (!).

Thượng viện Canada ngày 24/4/2018 đã thông qua bản kiến nghị của nhiều nghị sĩ Quốc hội chỉ trích hành vi bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Bản kiến nghị “lên án hành vi thù địch và leo thang” của Trung Quốc tại Biển Đông, theo tờ The Globe and Mail, đã kêu gọi toàn bộ các bên liên quan đến những tranh chấp tại Biển Đông phải đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về luật biển.

Việc lên án Trung Quốc của thượng viện Canada được cho là rất khôn khéo, bởi vì nó được thông qua giữa thời điểm chính quyền Thủ tướng Justin Trudeau đang tìm cách mở đàm phán thương mại với Bắc Kinh. Canada không phải là trường hợp duy nhất, nước Pháp dưới thời Emmanuel Macron cũng mạnh mẽ ủng hộ sáng kiến an ninh hàng hải khu vực, một “không gian mở và tự do” trong vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chính sách đối ngoại của Emmanuel Macron là phát triển một thế giới đa phương, nơi mà tất cả các bên đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế, từ vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên cho đến tranh chấp ở Biển Đông.

Bản tin từ Nhật báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho biết, nước này đã ngang nhiên khánh thành một Tượng đài trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 23/4/2018. Hoạt động xây dựng trái phép này của Trung Quốc thật trắng trợn. Trước đó họ từng ngang nhiên xây dựng một đường băng và cơ sở quân sự trên đá Chữ Thập phục vụ yêu sách chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Hồi tháng 5/2017, báo chí Trung Quốc chẳng hề giấu diếm loan tin , quân đội của họ đã lắp đặt các bệ phóng rocket trên đá Chữ Thập với mục đích phát hiện, nhận dạng và tấn công các người nhái làm nhiệm vụ tác chiến dưới nước. Hành dộng này được tiến hành trong bối cảnh quân đội Trung Quốc liên tục tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn trên Biển Đông.

Trong cuộc điều trần tại Thượng Viện Mỹ hồi tháng 4/2018, đô đốc Philip Davidson, người được đề cử làm chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương, đã cảnh báo: Trung Quốc có thể sử dụng các căn cứ ở Biển Đông để thách thức mọi hoạt động quân sự của Mỹ trong vùng. Không ai còn lạ gì phép đổi trắng thay đen của Bắc Kinh. Trước những hoạt động đưa tên lửa ra các đảo đá cưỡng chiếm được từ Việt Nam, họ xưng xưng, đây không phải là quân sự hóa, chỉ là những biện pháp mang tính phòng thủ, tự vệ (!).

Nói vậy nhưng Bắc Kinh luôn to mồm chỉ trích những hoạt động tự vệ của các nước trong khu vực là quân sự hóa. Người ta đang theo dõi liệu Trung Quốc sắp tới có tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông hay không? Theo bình luận của các nhà phân tích, sau việc triển khai tên lửa ở Trường Sa, việc thiết lập ADIZ cũng có thể là bước kế tiếp để Trung Quốc thâu tóm toàn bộ Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới