Iran có thể lách trừng phạt của Mỹ nhờ Nga và Trung Quốc và tìm được nguồn ra cho các sản phẩm xuất khẩu của mình.
Một người dân tại thủ đô Tehran theo dõi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015. Ảnh: Reuters
Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và trừng phạt kinh tế trở lại Iran có thể sẽ khiến nước Cộng hòa Hồi giáo trước tiên phải nhờ cậy tới sự trợ giúp từ các nước còn lại trong thỏa thuận, đặc biệt là Nga và Trung Quốc.
Trong tuyên bố ngày 9/5 ngay sau khi người đồng cấp Mỹ khẳng định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định sẽ đàm phán với Nga, Trung Quốc và các nước châu Âu để duy trì thỏa thuận hạt nhân phiên bản không có Mỹ. Tuy nhiên, nếu đàm phán thất bại dẫn đến sự sụp đổ của văn kiện này, Iran có thể sẽ khôi phục lại chương trình hạt nhân.
Về lâu dài, các nhà phân tích nhìn nhận vấn đề lớn hơn là sự chia rẽ trong lòng nội bộ lãnh đạo Iran.
“Tổng thống Rouhani không kiểm soát vấn đề hạt nhân. Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei nắm quyền kiểm soát này. Lãnh tụ tối cao Iran sẽ làm gì? Iran sẽ khôi phục chương trình hạt nhân của nước này? Thất bại của thỏa thuận hạt nhân có thể khiến Tổng thống Rouhani bị mất uy tín?”, chuyên gia Helima Croft, tại Cơ quan nghiên cứu Các thị trường tiền tệ toàn cầu RBC đặt câu hỏi.
Vị cứu tinh Nga và Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một văn bản về khôi phục các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015. Trong đó, có những lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất nhằm vào xuất khẩu dầu của Iran. CNBC đưa tin, Tổng thống Trump đã khẳng định Mỹ sẽ áp đặt những “trừng phạt kinh tế cấp cao nhất nhằm vào Iran”, theo đó, các công ty sẽ có từ 90 đến 180 ngày để thu hẹp những hợp tác làm ăn với các công ty của Iran.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đặt câu hỏi rằng liệu các trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran sẽ thành công? Giới phân tích chỉ ra thực tế rằng Trung Quốc sẽ không giảm mà thậm chí còn tăng lượng dầu mua của Iran. Bên cạnh đó, để đối phó với trừng phạt của Mỹ, Iran cũng có thể tìm đến đồng minh Nga, vốn cũng đang hứng chịu trừng phạt nặng nề từ Mỹ.
Với Trung Quốc, nhà cựu ngoại giao Mỹ Carlos Pascual dẫn chứng lại việc Ngân hàng Kunlun của Trung Quốc vẫn hợp tác làm ăn với Iran trong thời kỳ nước Cộng hòa Hồi giáo bị Mỹ trừng phạt kinh tế trước đây, thậm chí những trừng phạt còn “giúp” Iran bán được thêm dầu tới Trung Quốc.
“Có khả năng Iran lại hợp tác với các doanh nghiệp không có bất cứ liên hệ gì với hệ thống tài chính Mỹ và có thể tiếp tục mua dầu của Iran, với khoảng 600.000 thùng mỗi ngày”, nhà cựu ngoại giao Pascual nói.
Với Nga, vốn đã có sẵn hàng loạt doanh nghiệp nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ thì những doanh nghiệp này có thể mua dầu thô của Iran và “quay lưng” với thị trường thế giới. Ông Pascual cho rằng: “Iran có thể lách lệnh trừng phạt của Mỹ nhờ Nga và Trung Quốc, thì rõ ràng Iran có thể tìm nguồn ra cho các sản phẩm xuất khẩu của mình”.
“Trong khi tranh cãi về tính hiệu quả từ các trừng phạt đơn phương của Mỹ nhắm vào Iran, chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận hưởng ứng trừng phạt này. Chúng tôi đang đánh giá khả năng hợp tác giữa các tập đoàn tại châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc để tránh thiệt hại dù rằng chính phủ các nước này phản đối quyết định của Mỹ”, nhà phân tích Helima Croft cũng nhìn nhận.
Iran sẽ đối phó tốt những trừng phạt của Mỹ
Theo các nhà phân tích, Iran đã rút ra bài học từ những trừng phạt trước đây và nước này có thể đối phó với trừng phạt một lần nữa, thậm chí là đối phó thành công hơn.
Thay vì cắt giảm của Iran 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trên thị trường quốc tế như thời kỳ trừng phạt trước đây, thì con số này trong những trừng phạt Mỹ sắp áp đặt lại chỉ ở khoảng hơn 300.000 thùng mỗi ngày, bởi vì các đồng minh của Mỹ vẫn đang cố gắng níu kéo thỏa thuận hạt nhân.
“5 năm trước đây, nền kinh tế Iran đã phải kháng cự và nỗ lực sống sót khi bị gạt khỏi hệ thống thương mại thế giới. Tôi cho rằng, Iran đã chứng minh họ có thể sống sót. Iran đã chịu ảnh hưởng trong thời kỳ bị trừng phạt, nhưng họ vẫn xử trí được. Họ giờ đây là những “chuyên gia” trong các “trò chơi trừng phạt kéo dài”, Henry Rome-nhà nghiên cứu về Iran tại Eurasia Group nhận định.
Nhà cựu ngoại giao Mỹ Carlos Pascual cũng cho rằng, thời thế đã thay đổi so với khi Mỹ trừng phạt Iran trước đây. Tình hình hiện nay “dễ thở” hơn với Iran rất nhiều.
Năm 2017, châu Âu ra quy định hành động chung, theo đó, tất cả các nước châu Âu đều ngừng hoàn toàn hoặc cấm nhập khẩu dầu thô của Iran trong vòng 6 tháng. Trong năm này, số lượng dầu châu Âu nhập của Iran đã giảm về 0 từ 600.000 thùng mỗi ngày.
“Tuy nhiên, hiện nay châu Âu không muốn chấm dứt thỏa thuận với Iran. Và khả năng cao nhất là các nước châu Âu sẽ chỉ giảm 20% lượng dầu nhập từ Iran”, ông Pascual nói.
Các chuyên gia nhắc đến thách thức lớn mà Tổng thống Iran Rouhani phải đối mặt về lâu dài, bởi vì thỏa thuận hạt nhân cũng chính là sự cam kết giúp Iran vực dậy nền kinh tế sau những trừng phạt nặng nề năm 2012.
“Người dân Iran tất nhiên sẽ không hài lòng và cảm thấy lo lắng với tình hình hiện nay. Họ không muốn bị tách ra khỏi cộng đồng thế giới. Chính người dân Iran phải chịu hậu quả vì những trừng phạt này”, CNBC dẫn những ý kiến phân tích.
Uy tín của Tổng thống Iran Rouhani sẽ bị giảm sút khi thỏa thuận hạt nhân đổ bể, dù vậy ông vẫn tiếp tục chèo lái đất nước dưới sức ép trừng phạt của Mỹ trong hơn 3 năm tới cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ.
“Ông Rouhani sẽ kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống không mấy tốt đẹp giống như rất nhiều người tiền nhiệm của mình. Lãnh tụ tinh thần Tối cao của Iran sẽ giảm độ tín nhiệm đối với Tổng thống Rouhani và người dân Iran lại đặt trọn tin tưởng vào lãnh tụ của mình”, nhà nghiên cứu về Iran Henry Rome cho biết.