Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐàm luậnBiển Đông: Nguy cơ căng thẳng và đối đầu vũ trang cao...

Biển Đông: Nguy cơ căng thẳng và đối đầu vũ trang cao hơn

Những hành động hung hăng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy tình trạng tương đối yên tĩnh trên Biển Đông trong hai năm 2016-2017 có vẻ như đã kết thúc. Các nước trong khu vực hãy bắt tay chuẩn bị cho một năm nhiều biến động hơn trên Biển Đông.

Hãng CNBC của Hoa Kỳ hôm 2/5 đưa tin: Trung Quốc đã lắp đặt các hệ thống tên lửa hành trình chống tàu và tên lửa đất đối không trên ba đá nhân tạo trên Quần đảo Trường Sa. Đó là Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn. Không nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đã khởi động một vòng leo thang mới tại Biển Đông sau gần hai năm tương đối yên ả.

Từ tháng 7/2016, kể từ khi ban hành phán quyết của tòa trọng tài đối với vụ kiện Philippines chống lại Trung Quốc đến đầu năm nay, nhà cầm quyền Bắc Kinh giữ trạng thái tương đối ôn hòa, bằng cách lặng lẽ hoàn thành bảy đảo, đá nhân tạo ở Quần đảo Trường Sa. Họ cố gắng kiềm chế không thực hiện các hành động hung hăng trên quy mô lớn. Không những thế Trung Nam Hải còn ra giọng “thiện chí” khi họ thúc đẩy các cuộc thảo luận với ASEAN về việc xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử dành cho vùng biển này.

Theo các nhà phân tích chính trị, do muốn chống lại những tác động bất lợi gây ra bởi phán quyết của Tòa tròng tài LHQ năm 2016 và ưu tiên cho việc tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào cuối năm 2017 Bắc Kinh đã chủ trương quyết định giảm căng thẳng trên các vùng biển khu vực.

Đến hôm nay khi mà phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài đã dần phai nét mực; khi mà Tập Cận Bình được tung hô về tư tưởng lớn, được củng cố quyền lực sau Đại hội Đảng lần thứ 19, Trung Quốc bắt đầu giở trò cũ, dương oai diễu võ trên Biển Đông. Xét về điều kiện thời tiết, Trung Quốc thường tiến hành nhiều hoạt động trên Biển Đông trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm để tránh mùa mưa bão.

Hồi đầu tháng 4, Tập Cận Bình đã chủ trì một cuộc duyệt binh hải quân lớn. Ông ta cũng trực tiếp chỉ đạo hàng loạt cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài một tuần tại Biển Đông với sự tham gia của một đội tàu hải quân lớn, bao gồm cả tàu sân bay Liêu Ninh. Đỉnh điểm là hôm 18/4, hai chiếc máy bay vận tải quân sự Xian Y-7 của Trung Quốc đã hạ cánh xuống Đá Vành Khăn.

Trước khi hai máy bay này hạ cánh không quân Trung Quốc đã lặng lẽ triển khai các thiết bị gây nhiễu sóng liên lạc và sóng radar trên Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn. Trước hành động trắng trợn này, Việt Nam đã phải đưa ra phản đối ngoại giao.

Về xây dựng “lực lượng ngầm” trên biển, hồi tháng 3, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã quyết định đặt lực lượng Hải cảnh Trung Quốc dưới sự quản lý của lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân. Trước đây, Hải Cảnh vốn là một cơ quan dân sự là Cục Hải dương Nhà nước. Như vậy bỗng chốc lực lượng Hải Cảnh trở thành một lực lượng quân sự trên thực tế. Khi Bắc Kinh dùng cái phép tàng hình quân sự hóa lực lượng Hải Cảnh thì các cuộc đụng độ trong tương lai giữa lực lượng này với các lực lượng trên biển của Việt Nam sẽ có nguy cơ tạo ra căng thẳng lớn hơn và khả năng đối đầu vũ trang cao hơn.

Về chiến lược, Trung Quốc đang áp dụng biện pháp hai gọng kìm nhằm thiết lập sự kiểm soát trên Biển Đông. Gọng kìm thứ nhất: đẩy mạnh quân sự hóa các tiền đồn của mình, đặc biệt là bảy đá nhân tạo tại Quần đảo Trường Sa, nhằm tăng cường năng lực triển khai sức mạnh quân sự và răn đe các đối thủ trên biển. Gọng kìm thứ hai: tinh gọn các lực lượng trên biển và củng cố cơ cấu chỉ huy để thực thi quyền kiểm soát trên biển hiệu quả hơn.

Đương nhiên các nước trong khu vực và thế giới không dễ để Trung Quốc làm mưa làm gió. Sự hung hăng gây hấn của Bắc Kinh sẽ tạo ra những làn sóng phản ứng từ các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Hoa Kỳ và Nhật Bản. Chẳng hạn, sau khi xuất hiện các báo cáo về việc triển khai tên lửa của Trung Quốc, Nhà Trắng đã cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với hậu quả vì hành động gia tăng quân sự hóa.

Việc Trung Quốc triển khai tên lửa trên ba đá đảo nhân tạo đặt ra mối đe dọa rất lớn cho các điểm đảo mà Việt Nam đang nắm giữ tại Quần đảo Trường Sa. Nghoài biển thì như thế, còn trên đất liền căn cứ hải quân tại vịnh Cam Ranh cũng nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc.

Đến hiện tại, thách thức đối với Việt Nam lại tái xuất hiện: Phải làm gì để kiềm chế những hành động điên cuồng của Trung Quốc mà không làm cho quan hệ song phương căng thẳng đến tột đỉnh. Ở đây không có giải pháp dễ dàng nào cho Việt Nam để đối phó với một “láng giềng”mạnh gấp bội về kinh tế và quân sự. Nhưng trong thách thức thường xuất hiện những cơ hội. Điều này đã được chứng minh qua lịch sử đấu tranh giữ nước của Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới