Kể từ khi ông Mahathir Mohamad thắng cử hôm 9/5, thế giới đã cố gắng dự đoán hậu quả của sự thay đổi quyền lực chưa từng có tiền lệ, theo tờ Asia Nikkei hôm 13/5.
Khi ông Mahathir bắt đầu làm việc với chính phủ mới, quan hệ với Trung Quốc là một trong những chủ đề nổi bật. Người tiền nhiệm của ông Mahathir, cựu Thủ tướng Najib Razak, rõ ràng nghiêng về phía Trung Quốc trong nhiệm kỳ của mình.
Ngược lại, trong chiến dịch tranh cử, Thủ tướng mới Mahathir đã chỉ trích mạnh mẽ một số dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc hỗ trợ vì không mang lại lợi ích cho người dân địa phương. Trong tuyên ngôn của liên minh đối lập ‘Pakatan Harapan’ hay ‘Liên minh Hy vọng’ của mình khi đó, ông Mahathir hứa sẽ xem xét lại những dự án này nếu thắng cử.
Một trong số các dự án trước đây dự kiến bị xem xét, là dự án Kết nối Đường sắt Bờ Đông, một dự án đường sắt lớn nhất của Malaysia, nối Kuala Lumpur với biên giới Thái Lan qua Kuantan, trên bờ biển phía đông.
Ngoài ra, ông Mahathir cũng chỉ trích dự án ‘Thành phố Rừng’ (Forest City), một dự án phát triển bất động sản gần biên giới Singapore.
Trong một cuộc họp báo hôm 10/5, ông Mahathir tuyên bố: “Chúng tôi có quyền nghiên cứu [các điều khoản của dự án] và nếu cần thiết, chúng tôi sẽ thương lượng lại các điều khoản”.
Ông Mahathir chỉ ra rằng chính Trung Quốc trước đây đã có “một kinh nghiệm đáng kể’ trong việc xử lý các hiệp ước bất bình đẳng”, và đã giải quyết các vấn đề bằng cách đàm phán lại.
Hỗ trợ cho lập luận của mình, ông Mahathir nói ông quan ngại về khoản nợ công mà chính phủ đã thực hiện để đổi lấy các dự án, về lý thuyết kích thích nền kinh tế. Riêng dự án Kết nối Đường sắt Bờ Đông được cho là sẽ vay khoảng 55 tỷ ringgit (13,7 tỷ đô la).
Rõ ràng, ông Mahathir lo ngại bị rơi vào cái gọi là “bẫy nợ”, một vấn đề thường thấy liên quan đến sáng kiến hạ tầng “Vành đai và Con đường’, trong đó Trung Quốc có quyền kiểm soát một cảng biển hoặc cơ sở hạ tầng khác, trong khi quốc gia có liên quan không trả được các khoản nợ của mình. Những trường hợp như vậy đã được báo cáo ở Sri Lanka và các nơi khác.
Việc rút lại các dự án lớn như dự án Kết nối Đường sắt Bờ Đông, sẽ chọc tức Trung Quốc, nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nếu không nói làm Trung Quốc ‘tức điên lên’, theo Nikkei.
Khi ông Mahathir thẳng thắn nói về cái bẫy nợ của Trung Quốc, ông cũng sẵn sàng nêu ra vấn đề an ninh, nảy sinh từ sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Chúng tôi không muốn nhìn thấy quá nhiều tàu chiến trong khu vực này. Các tàu chiến thu hút các tàu chiến khác, và khu vực này có thể trở nên căng thẳng”, ông Mahathir nói với các phóng viên.
Đề cập đến những ngày là Thủ tướng trước kia, ông Mahathir đã nói về Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á Không có Vũ khí hạt nhân.
“Vì vậy, chúng tôi không muốn nghe [về việc có’] khả năng chiến tranh ở đất nước này”, ông Mahathir khẳng định.
Malaysia là một trong những nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, một vùng biển có các tuyến hàng hải chiến lược, với tổng giá trị thương mại lưu chuyển hàng năm là từ 3 nghìn tỷ đến 5 nghìn tỷ đô la, theo Nikkei.
Người ta vẫn chưa rõ liệu ông Mahathir có thực sự có ý muốn cảnh báo Trung Quốc về vấn đề này, hay ông chỉ nói những điều mà mọi người đã biết, tờ Nikkei đặt câu hỏi.