Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNúi tiền TQ tái thiết Syria: Đòn hiểm Nga vào Mỹ

Núi tiền TQ tái thiết Syria: Đòn hiểm Nga vào Mỹ

Nga có thể sẽ dùng tiền của Trung Quốc, huy động các nước SCO-BRICS tham gia tái thiết Syria, tạo sức mạnh đối chọi với liên minh phương Tây.

 

 

Nga sẽ đưa Trung Quốc vào định dạng Astana?

Vào tháng 1 đầu năm nay, Nga đã tổ chức Đại hội Đối thoại Quốc gia Syria tại khu nghỉ mát Sochi ở vùng Biển Đen. Hội nghị này được coi là một diễn đàn chính thức với thành phần đầy đủ nhất ở Syria từ trước đến nay, để thảo luận về cuộc xung đột ở Syria.

Moscow đã mời Bắc Kinh tham gia sự kiện này với vai trò là một quan sát viên. Chính phủ Nga tin rằng Trung Quốc quá quan trọng (về địa vị và khả năng tài chính) để bị từ chối một vai trò trong quá trình mang hòa bình đến đất nước bị chiến tranh tàn phá hoàn toàn như Syria.

Syria sau chiến tranh là một đất nước bị tàn phá hoàn toàn. Việc Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra các khu vực chấm dứt leo thang xung đột đã vận hành tốt để thiết lập lệnh ngừng bắn, tạm ngừng tiếng súng để tạo tiền đề cho việc hòa giải dân tộc, trước khi công việc tái thiết bắt đầu.

Tuy nhiên, các cường quốc phương Tây rất khó có thể giúp Syria tái thiết đất nước khi chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, được hậu thuẫn bởi Nga và Iran, vẫn còn nắm quyền.

Luật về cái gọi là “Không hỗ trợ cho chính quyền Assad” đã được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua và đã được trình bày hai lần trước Thượng viện. Dự luật tìm kiếm kênh viện trợ của Mỹ dành riêng cho các phần lãnh thổ của Syria, nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ.

Sự bất hợp tác của phương Tây để giúp xây dựng lại Syria làm cho Trung Quốc trở thành một sự thay thế khả thi. Bắc Kinh, với núi tiền khổng lồ của mình, đã sẵn sàng để đóng góp cho quá trình tái thiết Syria và đã được Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh.

Vừa qua, các doanh nhân Trung Quốc đã tới Syria, khám phá các cơ hội đầu tư. Sau đó, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch xây dựng một khu công nghiệp trị giá 2 tỷ USD cho 150 công ty Trung Quốc.

Trước đây, Trung Quốc đã khởi động Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” (BRI) đầy tham vọng, nhằm tái hiện thực hóa “Con đường Tơ lụa trên bộ mới”, tức là một dự án phát triển cơ sở hạ tầng liên lục địa, được đầu tư nhiều tỷ USD, trong đó, Syria được coi là “một đối tác chuyển tuyến”.

Để thực hiện sáng kiến này, Bắc Kinh sẽ vung các khoản đầu tư trên khắp thế giới trong tương lai và Syria có thể là người thụ hưởng một phần trong số đó. Nguồn ngân sách của Trung Quốc cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, những người bảo lãnh quá trình Astana.

Giới chức lãnh đạo Bắc Kinh tuyên bố, ngoài kinh tế, Trung Quốc có thể cung cấp hỗ trợ về quân sự và các hình thức trợ giúp khác cho Syria, bởi họ cũng có lợi trong việc giải quyết cuộc xung đột, bởi vì sự ổn định ở Syria làm giảm nguy cơ lính đánh thuê từ Tân Cương sẽ trở về quê hương để tấn công khủng bố.

Năm ngoái, khoảng 5.000 người dân tộc Uyghurs (tức người Duy Ngô Nhĩ ở Khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc) đã tới Syria để huấn luyện và chiến đấu cho nhiều nhóm dân quân Hồi giáo khác nhau. Việc bình thường hóa tình hình sẽ ngăn cản Syria trở thành thiên đường và nền tảng đào tạo cho những kẻ cực đoan Hồi giáo của Trung Quốc.

Tuy nhiên, không có hòa bình cho người dân Syria nếu đất nước không được xây dựng lại; không có sự ổn định nào có thể đạt được ở Syria mà không cải thiện mức sống của nhân dân và phát triển kinh tế. Việc tái thiết sau chiến tranh là quá sức đối với Nga và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và họ sẽ cần một nỗ lực toàn diện mang tính quốc tế. Do đó, cái túi tiền đầy ắp của Trung Quốc sẽ phát huy tác dụng trong giai đoạn này.

Từ trước đến nay, Bắc Kinh đã đóng một vai trò quan trọng nhưng kém tích cực trong tiến trình hòa bình Syria, bởi không có sự tham gia của quân đội nước này. Bắc Kinh đã ủng hộ Nga để phủ quyết một số đề nghị của Liên Hiệp Quốc do phương Tây đề xuất, về việc trừng phạt chính phủ Syria.

Nếu Trung Quốc trở thành quốc gia bảo lãnh chính thức thứ tư cho định dạng hòa bình Astana, nỗ lực hòa bình có thể mở rộng để đưa các thành viên khác của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), bao gồm Ấn Độ và Pakistan, vào cuộc. Các quốc gia này chưa bao giờ có mặt trong cuộc xung đột Syria và do đó có thể được tin cậy để hoạt động như những người trung gian công bằng.

Ngoài ra, Iran hiện đóng vai trò “quan sát viên” và Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác trong cuộc đối thoại của SCO. Còn hiện nay, Ai Cập và Syria cũng đã gửi đơn đăng ký để được trao quy chế “quan sát viên”. Cairo cũng đang xem xét khả năng gửi lực lượng giám sát xung đột của mình tới Syria.

Với một số tiến bộ nhất định trong thời gian qua, Syria có thể có được danh vị chính thức trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, đó sẽ là một bước đệm Damascus trở thành thành viên chính thức của khối này.

Hiện nay, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải có tiếng nói khá quan trọng tại các cuộc đàm phán của Liên Hiệp Quốc. Với rất nhiều thành viên tham gia vào cuộc xung đột, SCO có thể khởi động một sáng kiến hòa bình quốc tế toàn diện dựa trên quy trình Astana, đối chọi với lực lượng của Liên minh phương Tây do Mỹ lãnh đạo. Như vậy, SCO có thể trở thành lực lượng chính giải quyết xung đột, mang lại hòa bình Syria, không cho phép sự áp đặt các quy tắc riêng của phương Tây vào ván cờ Syria.

Một bước đột phá chính trị như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc Trung Quốc triển khai BRI, với tất cả các tác nhân chính của SCO tham gia dự án tái thiết Syria. Tiềm năng của SCO sẽ phát triển vô cùng; châu Âu cũng sẽ được hưởng lợi, bởi một nền hòa bình được đảm bảo bởi SCO sẽ ngăn chặn dòng người tị nạn từ Trung Đông đổ sang EU.

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác là Trung Quốc và Nga đều là thành viên của BRICS, nhóm 5 quốc gia mạnh mẽ khác đang nổi lên trên thế giới.

Trung Quốc không can thiệp quân sự vào Syria nhưng sẽ dùng tiền để tạo dựng vị thế?

Ba trong số năm thành viên của BRICS là Nga, Ấn Độ và Trung Quốc cũng là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Do đó, Moscow, New Dehli và Bắc Kinh sẽ nỗ lực lôi kéo Brazil và Nam Phi tham gia để tăng cường sức mạnh toàn cầu, bằng cách triển khai một nỗ lực hòa bình SCO-BRICS ở Syria.

Điều quan trọng là chính quyền Damascus xem liên minh BRICS là một tổ chức hợp pháp. Sự tham gia của BRICS và SCO trong quá trình tái thiết Syria sẽ biến cơ cấu quyền lực quốc tế thành một cấu hình đa phương hơn, đối chọi với cơ cấu quyền lực của phương Tây. Điều này cũng phù hợp với Khái niệm “Trách nhiệm bảo vệ” (the Responsibility to Protect – R2P), được Liên hiệp quốc thông qua vào năm 2005. Phải chăng, Syria sẽ là địa điểm thích hợp để Nga chứng minh rằng, R2P không chỉ là một cụm từ trống rỗng?

Về lý thuyết, có thể chưa chắc chắn về việc đưa Trung Quốc vào làm nhà bảo lãnh thứ tư trong quá trình Astana, nhưng những lợi thế rõ ràng là lớn hơn bất kỳ nghi ngờ nào.

Tham gia định dạng Astana là một điều tốt cho Bắc Kinh để đóng một vai trò lớn hơn trong các nỗ lực chính trị ở Syria, điều mà họ luôn cố gắng thực hiện nhưng chưa thành công. Đây thực sự là cơ hội lí tưởng cho Trung Quốc nâng cao vị thế đất nước mà không cần tham gia vào các hành động quân sự, nên Bắc Kinh sẽ hoan ngênh nhiệt liệt.

Đây cũng là cơ hội lớn cho các khối SCO, BRICS thể hiện mình là những cơ cấu quốc tế có thực lực trong giải quyết các vấn đề cấp bách trên trường quốc tế, từng bước chuyển mình từ các khối kinh tế sang các Liên minh có vai trò chính trị, theo định hướng đối chọi với phương Tây, phù hợp với ý định của Nga.

Với những lợi thế như trên, rõ ràng là chính quyền Moscow sẽ không bỏ qua cơ hội đưa Trung Quốc và các khối SCO-BRICS vào định dạng Astana, trong quá trình tái thiết Syria. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ được thấy vai trò lớn hơn, quan trọng hơn của Trung Quốc ở Syria và Trung Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới