Truyền thông Trung Quốc thông báo chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên do Bắc Kinh tự thiết kế và chế tạo đã bắt đầu chạy thử ngày 13/5. Đây cũng là chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của hải quân Trung Quốc. Điều này khẳng định quyết tâm của Trung Quốc muốn tăng cường sức mạnh hải quân đối phó với Mỹ.
Truyền hình nhà nước CCTV và hãng thông tấn Tân Hoa xã còn cho biết thêm rằng chiếc hàng không mẫu hạm mang tên “Type-001A”, được hạ thủy vào năm 2017, đã chính thức rời cảng biển Đại Liên, Đông Bắc Trung Quốc. Lần ra khơi đầu tiên của “Type-001A” này có mục đích thử nghiệm các hệ thống thủy lực, động cơ, và hải hành. Theo dự kiến, chiếc hàng không mẫu hạm này sẽ được giao cho Hải quân Trung Quốc trong năm 2018.
Hiện tại hải quân Trung Quốc chỉ có một chiếc hàng không mẫu hạm đang hoạt động: đó là chiếc Liêu Ninh, do Liên Xô thiết kế và được mua lại từ Ukraine. Theo AFP, điểm giống nhau của cả hai chiếc hàng không mẫu hạm này là động cơ chạy bằng dầu (chứ không phải bằng năng lực hạt nhân), có thể chở khoảng 40 chiến đấu cơ và trang bị một bệ phóng máy bay bằng lực nhún. Tuy nhiên, điểm bất lợi của hệ thống bệ phóng cũ này là để cất cánh, máy bay phải giảm bớt các loại vũ khí đạn dược, để có thể mang thêm nhiên liệu.
Có nhiều phỏng đoán về việc Bắc Kinh đang tiến hành thiết kế một chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba, có thể được lắp đặt một hệ thống phóng máy bay bằng lực đẩy. Điều này cho phép hàng không mẫu hạm có thể chuyên chở các loại chiến đấu cơ có trang bị tên lửa và có thể thực hiện các nhiệm vụ lâu hơn.
Được xem như cường quốc thứ hai trên thế giới, quân đội Trung Quốc đang công khai thể hiện sức mạnh quân sự hải quân đối phó với Mỹ tại Thái Bình Dương.
Mới đây, Trung Quốc đã lắp đặt các tên lửa chống hạm tối tân và tổ hợp tên lửa phòng không trên các đảo nhân tạo mà họ xây dựng ở Biển Đông. Trung Quốc đã xây những đảo này từ chỗ hầu như không có gì, sử dụng một số công nghệ nạo vét tiên tiến nhất trên thế giới.
Chỉ nhìn lướt qua bất cứ bản đồ châu Á nào cũng sẽ nhanh chóng nhận ra rằng bất kỳ ai thống trị Biển Đông sẽ thống trị cả Đông Nam Á và hầu như phủ nhận được vai trò của Washington trong khu vực. Các nước như Việt Nam, Nhật Bản, và cả Vùng lãnh thổ Đài Loan cùng các quốc gia khác phụ thuộc vào các tuyến đường biển quan trọng của Biển Đông – chiếm khoảng 1/3 khối lượng hàng hóa vận tải biển của thế giới – để phát triển kinh tế và là nguồn cung cấp quan trọng các mặt hàng hải sản và dầu mỏ cho người dân các nước này. Ngoài ra, vùng biển này còn có trữ lượng dầu khí và khoáng sản trị giá hàng nghìn tỷ USD, những kho báu bị chôn vùi đang được trông đợi sẽ được khai thác.
Trên thực tế, các đảo mới do Bắc Kinh chiếm đóng và xây dựng đang hoạt động quân sự hóa là nằm trong chiến lược khôn khéo nhằm thống trị vùng biển gần Trung Quốc và tất cả các vùng nước xung quanh Trung Quốc.