Quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu đang đối mặt bất trắc giữa lúc các nước thành viên Liên minh châu Âu tìm cách xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh.
Lễ đón một hạm đội hải quân Trung Quốc ở cảng Piraeus – Hy Lạp Ảnh: TÂN HOA XÃ
Sự ngờ vực lan rộng tại châu Âu về “Sáng kiến Vành đai và Con đường” đầy tham vọng trị giá 1.000 tỉ USD, còn được gọi là Con đường Tơ lụa mới, do Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình khởi xướng.
Bất công
Hồi tháng rồi, 27 đại sứ các nước Liên minh châu Âu (EU) tại Bắc Kinh đã ký vào văn bản lên án “Sáng kiến Vành đai và Con đường” ngăn cản thương mại tự do, tạo lợi thế cho các công ty TQ. Văn bản chỉ rõ hành lang thương mại Con đường Tơ lụa mới tiềm tàng nguy cơ gây bất lợi, thậm chí chia rẽ EU. Trong số 28 thành viên EU, chỉ duy nhất đại sứ Hungary không ký tên vào văn bản này.
Mối quan ngại ngày càng dâng cao của châu Âu về ảnh hưởng của Bắc Kinh tại lục địa già được cho là có thể phủ bóng hội nghị giữa TQ và EU, dự kiến diễn ra vào tháng 7-2018. Dù hai bên có quan hệ thương mại và đầu tư đáng kể, EU vẫn không ngại chỉ trích mạnh mẽ ảnh hưởng của TQ ở các nước thành viên khối này như Hy Lạp, Hungary và Cộng hòa Czech. Thái độ của Bắc Kinh đối với vấn đề sở hữu trí tuệ cũng gây bất bình lớn.
Văn bản nêu trên – mang tên “Blue China: Navigating the Maritime Silk Road to Europe”, tạm dịch: “Trung Quốc Xanh lam: Hướng Con đường tơ lụa biển tới châu Âu” – được đăng tải trên website của Hội đồng châu Âu về quan hệ quốc tế. Văn bản nêu rõ TQ đang tìm cách định hình toàn cầu hóa để phù hợp với lợi ích riêng của nước này.
“Sáng kiến Vành đai và Con đường”, bao gồm một loạt dự án hạ tầng liên lục địa kết nối TQ với châu Âu và châu Phi, đang theo đuổi các mục tiêu như: giảm thiểu năng lực sản xuất dư thừa, tạo ra các thị trường xuất khẩu mới và bảo đảm con đường tiếp cận nguyên liệu thô.
Một lo ngại nữa được nêu rõ trong văn bản trên là nguy cơ Con đường Tơ lụa mới sẽ gieo rắc chia rẽ giữa 28 nước thành viên EU, trong đó nhiều nước đang liều lĩnh gật đầu với đầu tư mới của TQ để nâng cấp hạ tầng xuống cấp của mình. “Bắc Kinh đã có một số thành công trong việc phá hoại sự gắn kết của EU” – chuyên gia Thomas Eder thuộc Viện Nghiên cứu TQ Mercator tại Berlin nhận định với báo DW (Đức).
Sự nhận thức về “Vành đai và Con đường” có vẻ đa dạng ở các khu vực khác nhau của châu Âu. Trung Âu và Đông Âu có phần hăng hái hơn cả bởi chương trình của Bắc Kinh sẵn sàng rót tiền vào các dự án hạ tầng đang rất cần kíp với các nước trong khu vực này, điển hình là Hy Lạp và Ý. Trong khi đó, các hải cảng phía Bắc như Hamburg và Rotterdam trên thực tế đã ra dáng một phần của “Vành đai và Con đường”. Tây Ban Nha lại quan tâm nhiều hơn tới đường sắt cao tốc…
Theo ông Raymond Yeung, kinh tế trưởng của ngân hàng ANZ, về cơ bản, tất cả công ty từ các quốc gia EU có quyền quyết định mức độ hội nhập với chương trình của TQ vốn được giới phân tích gọi là một “thí nghiệm kinh tế lớn nhất trong lịch sử hiện đại”.
Cảnh giác
Một trong những trường hợp điển hình về sự cảnh giác cao độ với “thí nghiệm” này của Bắc Kinh phải kể tới Pháp. Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi đầu năm nay, Tổng thống Emmanuel Macron đã thẳng thừng tuyên bố “Vành đai và Con đường” không thể chỉ có một chiều.
Trước các học giả, sinh viên và doanh nhân tại Cung điện Đại Minh (Tây An – miền Bắc TQ), ông Macron nhấn mạnh Con đường Tơ lụa cổ đại không bao giờ là của riêng người TQ. “Những con đường này không thể là đường của sự bá quyền mới, biến những nước họ đi qua thành chư hầu” – nhà lãnh đạo trẻ của Pháp thẳng thắn.
Ông Macron cũng rất kiên quyết trong việc thúc đẩy Ủy ban châu Âu thắt chặt các luật lệ chống bán phá giá chống lại việc nhập khẩu thép TQ và bắt buộc các hoạt động sàng lọc rộng rãi tại EU đối với những thỏa thuận mua bán trong các lĩnh vực chiến lược, đặc biệt là từ TQ.
Theo Asia Times, về phía Bắc Kinh, “Vành đai và Con đường” là câu chuyện về địa chính trị. Thế nhưng, vấn đề là phần lớn các dự án địa kinh tế của nó, bao gồm việc thúc đẩy những tiêu chuẩn và quy tắc mới, lại không thực sự có tiếng nói chung với EU.
Sự lo ngại của EU không chỉ dừng lại ở văn bản nêu trên mà nằm ở cả kế hoạch thống trị ngành công nghệ cao mang tên “Made in China 2025” (tạm dịch: Sản xuất tại TQ 2025) của nền kinh tế số 2 thế giới. Theo đó, Bắc Kinh đang nhắm mục tiêu trở thành một lãnh đạo công nghệ cao toàn cầu trong vòng chưa đầy 7 năm. “Made in China 2025” xác định 10 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có trí tuệ nhân tạo, người máy, vũ trụ, xe nhiên liệu sạch, hàng hải và đóng tàu.
Đức là nước phải suy nghĩ hơn cả trong vấn đề này. Thương mại song phương TQ – Đức đạt 187 tỉ USD trong năm ngoái, cao hơn so với TQ – Pháp hay TQ – Anh, đều ở mức 70 tỉ USD. Rõ ràng, “Made in China 2025” sẽ là một đe dọa đáng kể đối với các công ty chất lượng hàng đầu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang sản xuất những mặt hàng chất lượng cao.
Hồi cuối tháng 2, dư luận Đức đã không khỏi choáng váng khi nghe tin tỉ phú Li Shufu, ông chủ Tập đoàn Geely của TQ, đã mua một lượng cổ phần trị giá 9 tỉ USD, qua đó trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler AG – công ty mẹ của thương hiệu xe sang Mercedes-Benz.