Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiSong sát phế truất đồng USD: Chỉ là ảo tưởng?

Song sát phế truất đồng USD: Chỉ là ảo tưởng?

Theo chuyên gia, cái bắt tay Nga-Trung Quốc khiến cả hai nước đều có lợi, nhưng để mở đường cho hệ thống tài chính không cần đồng USD thì rất ảo tưởng.

 

Trước loạt động thái của Nga và Trung Quốc được cho là mở đường cho hệ thống tài chính không cần USD, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam đã phân tích về khả năng kinh tế của hai nước để chứng minh rằng, khả năng thành công của ý định trên là quá xa vời.

Ông cho biết, đây là những biện pháp của hai nước nhằm tăng cường vị thế của mình trong hoạt động kinh tế quốc tế. Muốn vậy, các nước phải chủ động về phương tiện thanh toán nhưng vấn đề không đơn giản như thế, điều quan trọng là đồng tiền ấy phải có khả năng chuyển đổi được.

Đối với Nga và Trung Quốc, đó là các quốc gia đang nổi và khi phát triển lên thì câu chuyện phương tiện thanh toán được đặt ra. Trong thanh toán, nếu đồng tiền không có độ tin cậy thì không làm gì được và nếu uy tín của đồng tiền không lớn thì không ai muốn sử dụng.

Theo vị chuyên gia, ban đầu, có thể các nước muốn trình làng đồng tiền của mình và dần dần uy tín của đồng tiền ấy sẽ được khẳng định thông qua các sự kiện, các mối quan hệ trên thực tế.

Khối lượng giao dịch giữa Nga và Trung Quốc rất lớn. Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lửa lớn thứ nhì thế giới, còn Nga là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Đối với Nga, dầu mỏ và khí đốt là mặt hàng chủ lực, chiếm tới 60% mặt hàng xuất khẩu của nước này. Chính vì thế, vấn đề tỷ giá lên xuống rất hệ trọng.

“Nếu Nga và Trung Quốc thỏa thuận với nhau thì hai bên đều có lợi vì họ mua nhiều, bán nhiều, thanh toán với nhau, qua mặt tất cả các ông lớn trên thế giới. Việc hai nước bắt tay nhau là câu chuyện mua bán tay đôi, không vi phạm gì và hoàn toàn có tính chất kinh tế.

Ngay như việc Nga tuyên bố sẽ lần đầu tiên phát hành một lượng trái phiếu quốc gia tương đương 1 tỷ USD, nhưng niêm yết bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng là cái bắt tay giữa hai bên nhằm giảm chi phí giao dịch.

Nhưng ngoài câu chuyện này ra thì lại khác.

Nga không có khả năng nhiều, quy mô kinh tế của Nga chỉ có hơn 1.000 tỷ USD, GDP tăng 1,5%/năm thì so sánh thế nào được với Mỹ? Trong khi đó, Trung Quốc mang tham vọng trở thành một quốc gia thống lĩnh, thành người dẫn dắt.

Trung Quốc sử dụng đồng tiền để đầu tư, cho vay và thanh toán. Chẳng hạn, đối với việc cho vay, Trung Quốc thành lập ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), đề ra sáng kiến Một vành đai, một con đường, trong đó tạo ra một món hời cho các nước đang phát triển và các nước này được hưởng một số ưu ái về hình thức.

Thế nhưng đồng tiền chính là công cụ mạnh mẽ nhất gắn bó các nước, ràng buộc. Đây là cách làm không đơn thuần mang tính kinh tế mà có nhiều ẩn ý bên đó.

Việc thanh toán bằng đồng nhân dân tệ cũng có bước đi và chu trình rất giống với việc cho vay, đầu tư – lúc đầu tạo ra món hời cho các nước nhưng nó không có đi có lại.

Một nền kinh tế phát triển thật sự về cơ bản, lâu dài phải có đi có lại, hai bên cùng có lợi, thậm chí nước lớn còn tạo ra các cơ hội để nâng đỡ quốc gia nhỏ phát triển. Mặt khác, nếu muốn trở thành người dẫn dắt, cầm đầu thì phải thị trường, sòng phẳng, ngang giá, bình đẳng, có như thế tự quốc gia đó mới khẳng định được niềm tin của các nước khác với mình. Nói cách khác, muốn trở thành người dẫn dắt thì phải tử tế và có tài”, vị chuyên gia phân tích.

PGS.TS Lê Cao Đoàn nhắc lại triết lý sâu sắc mà người Trung Quốc xa xưa đã tổng kết: “Hòa khí sinh lợi” và cho rằng, Trung Quốc ngày nay chưa làm được điều đó, trái lại Trung Quốc chỉ muốn nước khác phụ thuộc vào mình.

Thế nhưng, kinh tế có quy luật riêng chứ không thể dùng các thủ đoạn để sinh lời. Trong ngắn hạn, nhất thời, trong một vài phi vụ có thể làm điều này, nhưng lâu dài thì không thể.

Vị chuyên gia khẳng định, muốn phát triển thì nội lực phải cao. Kinh tế Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới, nhưng đó là quy mô kinh tế của 1,3 tỷ người. Trung Quốc đã trở thành nước công nghiệp nhưng thế giới ngày nay đã chuyển sang nền kinh tế tri thức. 

Trong khi đó, Nga là nền kinh tế đứng thứ 11 thế giới, thu nhập bình quân đầu người mới có 8.000 USD và có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

“Hai nước cứ bắt tay nhau nhưng phải trên cơ sở bình đẳng, muốn bình đẳng thì năng lực của nền kinh tế đất nước, tức năng lực kinh doanh phải cao. 

Cái bắt tay của Nga-Trung Quốc khiến cả hai nước đều có lợi, nhưng để mở đường cho hệ thống tài chính không cần đồng USD thì rất ảo tưởng”, PGS Đoàn nhận xét.

Ông cũng chỉ rõ, năm 1944, hội nghị Bretton Woods đã bàn về chế độ tài chính của thế giới, sau đó các nước thành lập ra Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) để thống nhất với nhau giải quyết các vấn đề kinh tế có tính chất toàn cầu với một đồng tiền quan trọng, với việc cho vay như thế nào để các nước đều có thể phát triển được.

“Vị thế của đồng USD còn lâu mới bị đe dọa vì có rất nhiều điều kiện để làm cho đồng USD trở thành đồng tiền có tính chất quốc tế. Nó cũng giống như vàng đóng vai trò là vật ngang giá vì có sự thống nhất giữa nội dung vật chất và hình thái kinh tế của nó, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của ai.

Có thể về sau có nhiều đồng tiền khác nhưng đều phải có luật lệ để thực hiện điều đó, mà luật lệ quan trọng nhất chính là phát triển, ngang giá, công bằng, cùng có lợi.

Giả sử bây giờ Nga có tung đòn bắt các nước châu Âu thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp thì xét về mọi mặt, Nga không thể bắt chẹt các nước như vậy.

Thế giới đã có hiệp ước Bretton Woods về giao dịch bằng đồng tiền USD, tỷ giá hối đoái đã tương đối ổn định, mọi người đều đã chấp nhận, giờ Nga đưa ra đòn trên chẳng khác gì bắt chẹt các nước.

Dầu của Nga không phải là thứ hàng hóa độc, Mỹ đã có nhiều nghiên cứu để làm giảm sự phụ thuộc vào dầu.

Giá dầu giảm mạnh trong mấy năm qua khiến ngân sách nước Nga thâm hụt nặng nền mới là chuyện lớn. Còn nếu Nga định bắt chẹt các nước bằng biện pháp này thì các nước sẽ bắt chẹt Nga bằng cách khác”, PGS.TS Lê Cao Đoàn nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới