Friday, November 15, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTriều Tiên bất ngờ nổi cơn thịnh nộ: Sự phản kháng trước...

Triều Tiên bất ngờ nổi cơn thịnh nộ: Sự phản kháng trước sức ép quá lớn của Mỹ-Hàn?

Một số nhà phân tích cho rằng cơn thịnh nộ của Triều Tiên chỉ là một toan tính chiến lược nhằm gia tăng vị thế của nước này trên bàn đàm phán.

Theo các nhà phân tích, qua động thái tức giận sáng 16/5, Triều Tiên dường như đã cho thấy nước này sẽ mặc cả quyết liệt với Mỹ về các lợi ích kinh tế và sự đảm bảo an ninh cho chế độ hiện nay để đổi lấy các bước đi phi hạt nhân hóa của nước này.

Sớm ngày 16/5, Triều Tiên đã đột ngột hủy bỏ cuộc thảo luận cấp cao liên Triều dự kiến diễn ra cùng ngày để phản đối cuộc tập trận không quân đang diễn ra giữa Seoul và Washington, và thậm chí dọa sẽ “nghĩ lại” chuyện gặp thượng đỉnh với Mỹ vào ngày 12/6 tới ở Singapore.

Toan tính chiến lược

Mặc dù động thái này làm gia tăng mối lo sợ về một sự thoái lui có thể xảy ra của Bình Nhưỡng trong cuộc “tấn công hòa bình” của nước này, song một số nhà phân tích cho rằng đó chỉ là một toan tính chiến lược nhằm làm tăng vị thế trong đàm phán và nhắc lại những sự nhượng bộ mà Triều Tiên muốn có từ Washington và Seoul.

Park Won-gon, một chuyên gia về an ninh làm việc tại trường Đại học Toàn cầu Handong, phát biểu với hãng tin Yonhap: “Tuyên bố của Triều Tiên rõ ràng nhằm giúp Bình Nhưỡng có được vị thế cao hơn trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, đặc biệt về vấn đề chủ chốt đảm bảo an ninh cho chế độ hiện nay.”

“Nói tóm lại, Triều Tiên đang nghĩ tới 2 vấn đề chính, đó là chuyện tập trận quân sự và Washington triển khai các vũ khí chiến lược tới Bán đảo Triều Tiên. Nước này muốn giải quyết các vấn đề này hơn, chứ không phải muốn phá vỡ đà đàm phán”, ông Park cho hay.

Mặc dù Bình Nhưỡng gọi cuộc tập trận không quân trên là cuộc diễn tập xâm lược và là một hành động khiêu khích, song Mỹ và Hàn Quốc vẫn quyết định tiến hành cuộc tập trận “phòng thủ” này.

Triều Tiên phản kháng trước sức ép của Mỹ-Hàn

Sự phản ứng nóng nảy của Triều Tiên khiến người ta ngạc nhiên, vì chỉ mới đầu năm nay thôi, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thể hiện sự “hiểu biết và thông cảm” với các cuộc tập trận của Mỹ-Hàn, điều mà nhiều người ở Hàn Quốc coi đó là một sự thay đổi khôn khéo trong lập trường của ông ta đối với các cuộc tập trận chung thường kỳ.

Những người bảo thủ ở Hàn Quốc bấy lâu nay vẫn cho rằng các cuộc tập trận này, trong đó có cuộc tập trận Người bảo vệ tự do Ulchi vào mùa Hè, không phải là chuyện để đàm phán, vì đó là một phần không thể tách rời trong mối quan hệ đồng minh Seoul-Washington.

Tuy nhiên, những người khác thì cho rằng quy mô và tần suất các cuộc tập trận này có thể phải tính lại để tạo đà cho các nỗ lực hòa bình đang diễn ra.

Koh Yu-hwan, Giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại trường Đại học Dongguk, cho rằng các cuộc tập trận của Mỹ-Hàn có thể đã chọc giận Triều Tiên, vì nước này muốn thấy việc Mỹ-Hàn phải ngừng tập trận sau một loạt các động thái trước đó nhằm chấm dứt các vụ thử tên lửa tầm xa và hạt nhân cũng như quyết định đóng cửa bãi thử hạt nhân mang tính biểu tượng của Triều Tiên.

Koh phân tích: “Bình Nhưỡng dường như cho rằng mặc dù Triều Tiên đã có các động thái đơn phương nhằm chấm dứt các vụ thử hạt nhân và đóng cửa bãi thử – tất cả nhằm mục đích xây dựng lòng tin – song đã không có bất kỳ sự thay đổi nào trong lập trường của Seoul và Washington”.

Nhà phân tích này nói thêm: “Khi giai đoạn đàm phán vừa bắt đầu, Bình Nhưỡng có thể không muốn phá vỡ nó, song động thái của nước này hủy bỏ cuộc gặp cấp cao liên Triều có thể là một sự tái khẳng định lập trường cơ bản của Triều Tiên là họ sẽ không chấp nhận bất kỳ phương thức đàm phán nào làm họ bị mất thể diện”.

Trong vài tuần qua (trước thềm thượng đỉnh Trump-Kim), các quan chức cao cấp của Washington đã chỉ ra rằng Mỹ muốn một quá trình phi hạt nhân hóa nhanh chóng và nghiêm túc, cũng như xóa bỏ chương trình tên lửa đạn đạo và các vũ khí sinh-hóa học của Triều Tiên, mà không quan tâm đến triển vọng thịnh vượng sau khi phi hạt nhân hóa hoàn toàn nước này.

Điều này có thể đã làm Triều Tiên, nước đã công khai chuyện muốn một phương thức “theo giai đoạn và đồng bộ”, tức giận. Một số người hoài nghi cho rằng cách tiếp cận của Triều Tiên là một quá trình kéo dài mà theo đó, Bình Nhưỡng muốn đạt được các ‘phần thưởng’ cho mỗi bước đi “ngắn” hướng tới phi hạt nhân hóa.

Shin Beom-chul, một học giả lâu năm của Viện nghiên cứu chính sách Asan, phân tích thêm: “Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, Mỹ đã thúc ép Triều Tiên từ bỏ hạt nhân, tiêu hủy các vũ khí khác và cải thiện nhân quyền. Vì vậy, có lẽ Triều Tiên đã hủy bỏ cuộc thảo luận liên Triều để thể hiện sự không hài lòng”.

RELATED ARTICLES

Tin mới