Saturday, November 16, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiVụ 4 thiết giáp hạm mạnh nhất của Mỹ tấn công Triều...

Vụ 4 thiết giáp hạm mạnh nhất của Mỹ tấn công Triều Tiên: TQ cũng phải run sợ

Trong 3 năm, những con “khủng long” thép của Hải quân Mỹ đã gieo rắc sự sợ hãi xuống các lực lượng Triều Tiên và Trung Quốc.

Thiết giáp hạm USS Iowa khai hỏa.

Trong những tháng cuối cùng của Thế chiến II, thiết giáp hạm của Hải quân Mỹ đã quần thảo khắp quần đảo Nhật Bản, oanh tạc các mục tiêu công nghiệp, quân sự và hậu cần.

Quân đội Nhật Bản không có đủ tàu chiến, máy bay và nhiên liệu để phòng vệ, buộc phải để khu vực ven biển nằm dưới sự giày xéo của những con “khủng long” thép.

Mặc dù phần lớn thiệt hại mà Nhật Bản phải hứng chịu là do các máy bay ném bom của Không quân Lục quân Mỹ gây ra, nhưng các thiết giáp hạm và tuần dương hạm của Hải quân Mỹ cũng có những đóng góp đáng kể.

Sau khi chiến tranh kết thúc, hầu hết các thiết giáp hạm của Hải quân Mỹ đều bị tháo dỡ, đánh chìm hoặc đưa vào lưu trữ.

Không bao lâu sau, khi Washington tiếp tục dấn thân vào một cuộc chiến mới, 3 thiết giáp hạm lớp Iowa lại được gọi “tái ngũ”, đồng hành cùng với người “chị em” USS Missouri ở ngoài khơi Triều Tiên.

Theo nhà phân tích Robert Farley, giảng viên cấp cao tại Trường Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Patterson – Đại học Kentucky, trong vòng 3 năm, những con tàu này đã gieo rắc sự sợ hãi xuống các lực lượng Triều Tiên và Trung Quốc.

Mỹ gọi “tái ngũ” 3 thiết giáp hạm

Sự tàn khốc từ cuộc tấn công của Triều Tiên vào Hàn Quốc tháng 6/1950 đã khiến tất cả các bên, trong đó có Hải quân Mỹ, vô cùng kinh ngạc.

Tuy nhiên, lực lượng của họ trong khu vực đã phản ứng nhanh chóng, trong đó tuần dương hạm hạng nặng USS Rochester (lớp Oregon City) trang bị pháo 203mm đã giúp xoa dịu tình hình ở các bãi biển tại Inchon và một số khu vực khác.

USS Missouri, thiết giáp hạm duy nhất vẫn còn hoạt động của Mỹ từ Thế chiến II, đã có mặt tại vùng biển Triều Tiên vào ngày 19/9/1950. Chỉ trong một vài tuần, nó đã tiến hành các đợt oach tạc trên diện rộng dọc bờ biển Triều Tiên.

Missouri tiếp tục giữ vai trò hỗ trợ hỏa lực sau khi tình thế cuộc chiến có sự biến chuyển vào tháng 11 và tới tháng 12, con tàu đã tiến hành các đợt ném bom để yểm trợ cho quân Mỹ rút lui trước cuộc tấn công bất ngờ của quân đội Trung Quốc.

Đáng chú ý, Hải quân Mỹ đã quyết định không điều động 3 tàu tuần dương hạng nặng lớp Moines khi ấy đang đóng ở Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.

Ba con tàu này, với trang bị là pháo 203mm nạp đạn tự động, có thể gây thiệt hại cho khu vực bờ biển với mức độ gần tương đương một thiết giáp hạm. Tuy nhiên, chúng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc răn đe Liên Xô. Vì thế, Hải quân Mỹ quyết định không liều lĩnh điều chúng sang Thái Bình Dương.

Thay vào đó, chính phủ Mỹ quyết định gọi “tái ngũ” 3 thiết giáp hạm khác lớp Iowa đang được lưu trữ, bao gồm tàu Iowa, New Jersey và Wisconsin.

Cả 3 con tàu đều ở trong tình trạng tốt và chỉ cần tiến hành một số điều chỉnh nhỏ để quay trở lại hoạt động. Hải quân Mỹ tái biên chế tàu New Jersey vào tháng 11/1950, tàu Winconsin vào tháng 3/1951 và tàu Iowa tháng 8/1951.

Đòn tâm lý giáng vào Triều Tiên, Trung Quốc

Mỗi tàu trong 4 thiết giáp hạm trên thay nhau giữ vai trò kỳ hạm, đóng góp các cơ sở cần thiết trong cuộc chiến. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là chúng đã sử dụng cả pháo 406mm và pháo 127mm giã vào các vị trí bố trí hệ thống hang động, pháo và trạm chỉ huy của Triều Tiên, Trung Quốc.

Ngoài ra, chúng còn tấn công vào các mục tiêu chiến lược và dùng cho các hoạt động, như đường sắt, khu công nghiệp và trung tâm vận chuyển. Những cuộc oanh tạc này đã tạm thời gây cản trở con đường tiếp ứng của đối phương, mặc dù không thể bẻ gãy hoàn toàn.

Về sau, chiến thuật rải mìn được sử dụng rộng rãi đã khiến các lực lượng hải quân Mỹ không thể tự do hành động, tới mức các thiết giáp hạm chỉ hiếm khi mới được điều động tấn công các vị trí quân Triều Tiên và Trung Quốc dọc biển Hoàng Hải.

Ngược lại, mặc dù máy bay của Trung Quốc và Triều Tiên đã tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào các tàu chiến cỡ lớn của Mỹ ngay giai đoạn đầu của cuộc chiến, nhưng ưu thế của hải quân và không quân hải quân Mỹ đã khiến các đợt không kích này trở nên khó khăn theo thời gian.

Ngoài thủy lôi, mối đe dọa chính yếu đối với thiết giáp hạm đến từ các hệ thống pháo bảo vệ bờ biển. Song, hiệu quả từ các đợt oach tạc của Hải quân Mỹ dọc bán đảo Triều Tiên đã cho Trung Quốc và Triều Tiên thấy rằng họ dễ bị tấn công hải quân tới mức nào.

Sau đợt sửa chữa bắt đầu từ tháng 3/1951, tàu USS Missouri tiếp tục tiến hành nhiệm vụ hộ tống và ném bom từ tháng 10/1952 đến tháng 3/1953.

Tàu New Jersey thực hiện đợt oach tạc bờ biển đầu tiên vào tháng 5/1951 và duy trì hoạt động tại khu vực này cho tới tháng 11. Con tàu có đợt triển khai thứ hai vào tháng 4/1953 và duy trì tác chiến trong suốt thời gian diễn ra cuộc xung đột.

Trong khi đó, tàu USS Winconsin hoạt động ngoài khơi Triều Tiên từ tháng 11/1951 cho tới tháng 4/1952 và tàu USS Iowa đã đóng góp các đợt ném bom ngắn trong khoảng tháng 4- tháng 10/1952.

Các thiết giáp hạm lớp Iowa đã giội một lượng bom đạn lớn xuống các mục tiêu trên bán đảo Triều Tiên trong suốt cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, theo ông Farley, rất khó đánh giá tác động toàn diện từ sự hiện diện của chúng trong cuộc chiến này.

Các lực lượng Trung-Triều đã nhanh chóng tìm cách di tản các cơ sở và lực lượng quan trọng tới những khu vực nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống pháo trên thiết giáp hạm Mỹ. Các đợt ném bom dày đặc của Mỹ nhằm vào những mục tiêu dọc Triều Tiên đã đóng góp vào mức độ gây thiệt hại toàn diện, khiến rất khó làm rõ mức độ hiệu quả của các thiết giáp hạm.

Các tàu tuần dương hạng nặng, với kích cỡ nhỏ hơn và chi phí thấp hơn, vẫn có thể gây ra mức độ phá hủy tương tự đối với các mục tiêu của đối phương. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng, sự hiện diện của các thiết giáp hạm đã mang lại tác động tâm lý ở một mức độ nhất định đối với cả lực lượng Hải quân Mỹ và lực lượng Trung-Triều.

Nỗi ám ảnh của Trung-Triều

Tới năm 1958, tất cả 4 thiết giáp hạm lớp Iowa được đưa trở lại lưu trữ. Mặc dù chúng đã đảm nhiệm vai trò oach tạc bờ biển một cách hiệu quả, nhưng lại không hiệu quả hơn là bao so với các tàu tuần dương hạng nặng.

Trong khi đó, nhu cầu về nhân lực lớn khiến chúng trở thành những con tàu vô cùng đắt đỏ nếu hoạt động trong một thời gian kéo dài.

Hải quân Mỹ chỉ tái khởi động 1 trong 4 thiết giáp hạm (tàu USS New Jersey) trong chiến tranh Việt Nam.

Tới cuối những năm 1950, đầu 1960, Mỹ đã thải loại 13 thiết giáp hạm còn lại trong kho vũ khí. Tuy nhiên, các thiết giáp hạm lớp Iowa vẫn được giữ lại, chúng đã được tái hoạt động (và hiện đại hóa) trong những năm 1980.

Những gì mà các thiết giáp hạm lớp Iowa đã thể hiện ngoài khơi Triều Tiên vẫn luôn được cân nhắc trong học thuyết hải quân, cũng như chương trình mua sắm của Trung Quốc và Triều Tiên.

Cả Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đều hiểu rõ họ dễ bị tấn công hải quân như thế nào và từ đó phát triển các khả năng phòng thủ bờ biển nhằm ngăn chặn bất cứ lực lượng nào tìm cách tiếp cận vùng biển của họ.

Hải quân Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng nhưng Hải quân Triều Tiên thì vẫn tiếp tục tập trung vào các hoạt động ven bờ.

Tất nhiên, theo ông Farley, các thiết giáp hạm lớp Iowa sẽ không giam gia vào bất cứ cuộc xung đột nào trên bán đảo Triều Tiên trong tương lai. Song, trong trường hợp xảy ra xung đột, các tàu chiến mặt nước của Hải quân Mỹ chắc chắn sẽ có những đóng góp đáng kể bằng các tên lửa hành trình tấn công mặt đất.

Ngoài ra, Hải quân Mỹ có thể triển khai tàu khu trục USS Zumwalt và các tàu cùng lớp để yểm trợ hỏa lực, đánh vào các mục tiêu trên bộ. Trong trường hợp đó, các cơ sở ven biển của Triều Tiên sẽ rất dễ bị tấn công.

RELATED ARTICLES

Tin mới