Bản tin Biển Đông ngày 21/05/2018.
Trung Quốc điều trái phép máy bay ném bom tới Biển Đông lần đầu tiên
CNBC đưa tin, theo tờ Nhật báo Trung Hoa cho biết, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc chiều muộn ngày 19/5, Không quân Trung Quốc lần đầu tiên đã đưa các máy bay ném bom tầm xa H-6K tới hạ cánh tại một sân bay trên một cấu trúc ở Biển Đông. CNBC nhận định đây là một động thái nhiều khả năng sẽ làm gia tăng hơn nữa nhữg lo ngại về các yêu sách thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông. Cụ thể, tờ báo truyền thông Nhà nước này cho biết Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã sử dụng máy bay này để tiến hành huấn luyện cất cánh và đổ bộ trên Biển Đông. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc không nêu cụ thể vị trí của cuộc huấn luyện này mà chỉ mập mờ nói rằng đó là “một khu vực ở phía Nam” và cũng bao gồm các máy bay H-6K khác cất cánh từ một căn cứ không quân tham gia một cuộc tấn công giả định chống lại các mục tiêu trên biển trước khi hạ cánh. Trong khi đó, nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ thông qua tìm hiểu mạng xã hội của Trung Quốc đã phát hiện được vị trí của cuộc diễn tập là tại Đảo Phú Lâm nằm ở quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. AMTI nhấn mạnh thêm, với bán kính chiến đấu có thể lên đến gần 1.900 hải lý (3.520 ki-lô-mét), toàn bộ khu vực Đông Nam Á có thể rơi vào tầm ngắm của loại máy bay ném bom này khi được đặt trên Đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa. Theo Wang Mingliang, một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết, việc tổ chức diễn tập cất cánh và đổ bộ mới này sẽ giúp không lực của Trung Quốc cải thiện “khả năng chiến đấu trên điều kiện thực tế nhằm đối phó với tất cả các nguy cơ an ninh trên biển”.
Mỹ và nhiều quốc gia khác gần đây đã liên tục đưa ra những cáo buộc đối với việc Bắc Kinh quân sự hoá Biển Đông nhằm tăng cường củng cố cho các yêu sách của nước này. Đô đốc Phil Davidson, người đứng đầu Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ mới đây thậm chí còn nhận xét rằng Trung Quốc đã đạt đến “ngưỡng cao nhất” trong kế hoạch kiểm soát Biển Đông của nước này. Trong một bản điều trần tại Quốc hội Mỹ gần đây, ông đã nhấn mạnh rằng các căn cứ ở Biển Đông có thể được Trung Quốc sử dụng để thách thức sự hiện diện của Mỹ ở khu vực cũng như “bất cứ lực lượng nào (của Trung Quốc) được triển khai tới các “đảo” cũng sẽ dễ dàng lấn át lực lượng quân sự của bất cứ bên tranh chấp nào ở Biển Đông”.
Tổng thống Philippines khẳng định sẽ không phản đối Trung Quốc về việc nước này điều các máy bay ném bom tầm xa lên một sân bay ở Biển Đông
Ngày 20/5, The Straits Times đưa tin, ngày 19/5, phát biểu tại Cebu, Philippines, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông sẽ không khiêu khích gây chiến với Trung Quốc sau thông tin nói rằng quân đội Trung Quốc đã điều các máy bay ném bom tầm xa tới một sân bay ở Biển Đông. Phát biểu của ông Duterte được đưa ra trước làn sóng chỉ trích về việc ông không có phản ứng đối với các hoạt động gia tăng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông bày tỏ lo ngại rằng liệu Philippines sẽ phải đối mặt với những điều gì nếu một cuộc chiến tranh bùng phát ở khu vực, đồng thời cũng không lấy gì đảm bảo được rằng Mỹ sẽ đứng ra bảo vệ nước này khi xảy ra tình huống như vậy. Mặt khác, ông Duterte cho rằng một giải pháp khả thi hơn đó là thúc đẩy một thoả thuận hợp tác chung với Trung Quốc nhằm khai thác các tiềm năng ở Biển Đông.
Cùng ngày, Nghị sỹ Panfilo Lacson đã kêu gọi Chính phủ có hành động trước các hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp này. Ông cho rằng Philippines có thể viện đến sự trợ giúp của các quốc gia đồng minh nhằm ngăn chặn các hoạt động quân sự phi pháp của Trung Quốc hoặc cũng có thể khẳng định rõ chiến thắng pháp lý của Philippines trong vụ kiện Trọng tài Biển Đông ngày 12/7/2016.
Philippines và Mỹ tái khẳng định quan hệ đồng minh vì sự ổn định của khu vực
Theo The Philippine Star, tại buổi họp báo ngày 20/5, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết sau cuộc thảo luận cấp cao về các vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng giữa đoàn công tác của Philippines và đoàn đại diện Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ do Đô đốc Harry Harris dẫn đầu, Mỹ và Philippines đã tái khẳng định mối quan hệ đồng minh lâu bền nhằm ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố và bảo vệ sự ổn định và phát triển của khu vực. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định: “Đoàn Philippines đã có buổi trao đổi tích cực với Đô đốc Harry Harris về những thách thức của khu vực; hai bên đã nhất trí rằng quan hệ đồng minh vẫn được duy trì nhằm bảo vệ sự ổn định và phát triển của khu vực”. Đoàn cấp cao của Philippines gồm có Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và địa phương Eduardo M. Año, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez và Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực của Philippines tại Liên hợp quốc Teodoro Locsin Jr.
Bộ Ngoại giao Philippines cũng cho biết, Đoàn đại diện của Philippines đã nhấn mạnh “đường lối đối ngoại thận trọng và kín đáo của chính quyền Tổng thống Duterte đã làm giảm thiểu căng thẳng ở khu vực, đồng thời thu được những lợi ích kinh tế rõ ràng cho Philippines trong các vấn đề tiếp cận tài nguyên biển, bảo vệ sinh thái biển, và tiềm năng thăm dò tài nguyên dầu khí”.
Mỹ chỉ trích Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông
Ngày 19/5, Daily Herald đưa tin, liên quan đến thông tin nói rằng Không quân Trung Quốc đã điều máy bay ném bom tầm xa đến Biển Đông, Lầu Năm góc đã chỉ trích Trung Quốc vẫn ngang nhiên tiếp tục các hành động quân sự hoá các tiền đồn của nước này ở Biển Đông. Cụ thể, Trung tá Christopher Logan, Phát ngôn viên Lầu Năm góc cho hay “Mỹ khẳng định cam kết đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, “Mỹ cho rằng việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp trên Biển Đông sẽ chỉ làm leo thang căng thẳng và gây bất ổn cho khu vực”.
Nghị sỹ Philippines cảnh báo: sự hiện diện của máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc ở Trường Sa là “mối đe doạ đang hiện hữu rõ ràng” đối với Philippines
Ngày 20/5, trang Politiko của Philippines đưa tin, Nghị sỹ Gary Alejano, đại diện Đảng Magdalo của Philippines đã cảnh báo rằng: “có thể thấy rất rõ rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh quân sự hoá ở Biển Đông, đó là triển khai máy bay ném bom H-6K sau khi đã thiết lập hệ thống tên lửa vài tháng trước” và khẳng định động thái này của Trung Quốc chính là hồi chuông cảnh báo cho Philippines, khi mà nước này bị đặt hoàn toàn trong phạm vi tấn công của các hệ thống khí tài quân sự đáng lo ngại này. Ông Alejano cũng nói thêm: “vấn đề quân sự hoá của Trung Quốc ở Biển Đông không phải là mối lo ngại của riêng Philippines mà còn là của toàn thế giới”.
Truyền thông Trung Quốc ngang ngược nói các tàu đánh cá của nước ngoài đã bị xua đuổi khỏi Biển Đông để quân đội nước này triển khai tuần tra phối hợp
Tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, ngày 20/5, một trang mạng quân sự của Trung Quốc có tên 81.cn thông báo có 10 tàu đánh cá của nước ngoài đã bị “đuổi” ra khỏi khu vực Biển Đông nhằm phục vụ cho hoạt động tuần tra phối hợp kéo dài 5 ngày giữa các tàu của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN), lực lượng hải cảnh và các cơ quan địa phương để “bảo vệ các lợi ích biển” của Trung Quốc. Tuy nhiên, trang mạng này không cung cấp thông tin chi tiết về các tàu bị kiểm tra cũng như quốc tịch của các tàu đã bị xua đuổi khỏi khu vực. Liên quan đến động thái này, ông Song Zhongping, chuyên gia quân sự của Trung Quốc thản nhiên nguỵ biện rằng hoạt động tuần tra hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế và là một thực tiễn chung của nhiều quốc gia, góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích biển của Trung Quốc thông qua việc nhanh chóng phát hiện và xử lý bất cứ vụ việc nào xâm phạm “chủ quyền” của nước này. Trang mạng cho biết, các tàu chiến của nước ngoài khi bị phát hiện trong vùng lãnh hải của Trung Quốc sẽ bị xử lý bởi PLAN, các tàu đánh cá nước ngoài khi bị phát hiện đang hoạt động trái phép sẽ bị xử lý bởi lực lượng hải cảnh của Trung Quốc còn nếu ngư dân Trung Quốc vi phạm các quy định của pháp luật, các cơ quan địa phương sẽ có những biện pháp xử lý phù hợp. Ngoài ra, cuộc tuần tra phối hợp cũng sẽ có nhiệm vụ “giám sát” các “đảo” khác ở Biển Đông, đồng thời tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm giữa các điểm đóng quân và phục vụ mục tiêu quản lý môi trường biển. Ông Song còn ngang nhiên khẳng định Trung Quốc sẽ thực hiện biện pháp kiểm soát hữu hiệu đối với các vùng biển thuộc quyền kiểm soát của nước này nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, mặt khác đòi hỏi các quốc gia ở Biển Đông cần chấp nhận các biện pháp kiểm soát mới này của Trung Quốc vì “Trung Quốc đã hết sức tiết chế không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực”.
Bộ Ngoại giao Philippines: Philippines sẽ có phản ứng ngoại giao thích hợp sau khi có thông tin nói rằng Trung Quốc điều máy bay ném bom hạ cánh xuống các đảo và đá ở Biển Đông
Channel News Asia đưa tin, ngày 21/5, Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố khẳng định Philippines sẽ có “hình thức phản ứng ngoại giao thích hợp” nhằm khẳng định các yêu sách của nước này ở Biển Đông sau khi có thông tin rằng các máy bay ném bom của Trung Quốc đã hạ cánh xuống các đảo và đá ở khu vực. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao nước này không nói sẽ phản đối hành động này của Trung Quốc, một hành động đã bị Mỹ chỉ trích là có thể làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn cho khu vực.
Trong khi đó, CNN Philippines cho biết, cùng ngày, ông Harry Roque, Phát ngôn viên Tổng thống đã khẳng định rằng Chính phủ sẽ đưa vấn đề này ra Cơ chế Tham vấn Song phương giữa hai nước như đã thống nhất trước với Trung Quốc, dự kiến diễn ra vào tháng 6. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh rằng, là một trong số những thành viên của ASEAN, Philippines muốn khẳng định tuyên bố của ASEAN được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh gần đây tại Singapore đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc phi quân sự hoá và thực hiện tự kiềm chế trong việc thực hiện các hoạt động có thể gây phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông. Ông cho biết Philippines tuy không xác nhận một cách chính thức song vẫn cân nhắc một cách nghiêm túc nghiêm túc những thông tin đã đưa về động thái quân sự đáng lo ngại này của Trung Quốc.