Hôm 21/5, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết: Philippines bày tỏ “hết sức quan ngại” về sự hiện diện của các máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông đang có tranh chấp và bộ ngoại giao nước này đã thực hiện “hành động ngoại giao phù hợp”.
Theo thông tin của Không quân của Trung Quốc, các máy bay ném bom như H-6K đã hạ cánh và cất cánh từ các đảo và các rạn san hô ở Biển Đông trong khuôn khổ các cuộc thao dượt hồi tuần trước.
Về loại máy bay ném bom hiện đại này, Truyền thông Trung Quốc vô tình để lộ thiết kế bên trong của H-6K biến thể mới nhất. H-6K có thay đổi khá lớn so với các phiên bản máy bay ném bom H-6 trước đó do Trung Quốc sản xuất, nó cũng được trang bị các màn hình hiển thị đa chức năng thay cho các loại đồng hồ hiển thị thông số cũ.
Bên cạnh đó H-6K cũng là biến thể máy bay ném bom H-6 đầu tiên được trang bị hệ thống ghế phóng khẩn cấp dành cho các phi công. Nguyên mẫu H-6K đầu tiên xuất hiện vào năm 2007 và được xem là biến thể hiện đại hóa sâu nhất của dòng máy bay ném bom H-6 do Trung Quốc chế tạo dựa theo mẫu Tu-16 của Liên Xô (trước đây).
Với việc thay đổi thiết kế phần mũi máy bay để phù hợp hơn với hệ thống radar và hệ thống định vị mục tiêu được gắn bên ngoài. Ngoài ra, H-6K còn được trang bị 2 động cơ phản lực D-30-KP2 thế hệ mới do Nga sản xuất cùng với đó là phần thân được làm bằng các vật liệu tổng hợp siêu nhẹ giúp nó tăng 30% phạm vi hoạt động.
Máy bay ném bom chiến lược H-6K mang theo tối đa 6 tên lửa hành trình KD-20 với các giá treo vũ khí bên dưới cánh hoặc nhiều hơn nếu được đặt bên trong khoang chứa bom. Nó còn có thể mang theo các loại tên lửa dẫn đường thế hệ mới do Trung Quốc phát triển.
Trước sự điên cuồng của Trung Quốc trên Biển Đông, Phát ngôn viên tổng thống Philippines, ông Harry Roque nói: Nước này không thể độc lập xác minh sự hiện diện của các máy bay ném bom Trung Quốc ở Biển Đông. “Nhưng chúng tôi lưu ý đến các báo cáo đã xuất hiện và chúng tôi bày tỏ hết sức quan ngại về tác động của việc đó đối với nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết họ đang theo dõi các diễn biến. “Chúng tôi đang thực hiện hành động ngoại giao phù hợp cần thiết để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của chúng tôi và sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai”. Bộ này cho hay trong một tuyên bố, nhưng không cung cấp thêm bất cứ chi tiết nào.
Nói rằng “quan ngại”, nhưng Bộ ngoại giao Philippines lại không dám lên án hành động của Trung Quốc. Trong khi đó, Washington nói những hành động của Trung Quốc có thể làm tăng căng thẳng và làm mất ổn định khu vực.
Về phía Trung Quốc, một phát ngôn viên Bộ ngoại giao đã kêu gọi các nước khác không diễn giải quá mức “cuộc tuần tra quân sự thường lệ” (!). “Chúng tôi hy vọng rằng các bên liên quan không suy diễn quá nhiều về điều này”, ông Lục Khảng trơ trẽn tuyên bố trong một cuộc họp báo hàng ngày.