Theo tạp chí Diplomat, tên lửa Kinzhal của Nga có thể sẽ tước danh hiệu “sát thủ diệt hạm” hàng đầu Thái Bình Dương từ tay DF-21D Trung Quốc.
Tên lửa Kh-47M2 Kinzhal treo dưới bụng tiêm kích MiG-31K
Kể từ khi được đưa vào biên chế năm 2010, tên lửa đạn đạo “sát thủ diệt hạm” DF-21D của Trung Quốc đã trở thành tâm điểm chú ý do nó có khả năng tiêu diệt các tàu chiến cỡ lớn của Mỹ ở khoảng cách lên tới 1.450km, tính từ bờ biển Trung Quốc.
DF-21D được đánh giá là “chìa khóa” để thay đổi cán cân sức mạnh ở Biển Đông và Hoa Đông theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, đồng thời mở rộng đáng kể vùng chống xâm nhập/tiếp cận (A2/AD) trên biển của nước này trong bối cảnh hải quân Mỹ đang tăng cường hiện diện tại khu vực.
Như Viện Hải quân Mỹ đã thừa nhận, Hải quân Mỹ hiện nay không có phương thức phòng thủ hiệu quả trước các cuộc tấn công của DF-21D. Vì thế, tên lửa này sẽ làm hạn chế khả năng đáp trả của Mỹ trước một cuộc khủng hoảng có khả năng xảy ra tại eo biển Đài Loan, tương tự như sự kiện năm 1996.
Mặc dù DF-21D là hệ thống vũ khí độc đáo và rất đáng gờm nhưng một tổ hợp vũ khí mới được phát triển từ năm 2018 có vẻ sẽ đặt ra mối đe dọa còn lớn hơn nhiều đối với các tàu chiến của Mỹ ở Thái Bình Dương – đó là tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal mới của quân đội Nga.
Sức mạnh của “Dao Găm”
Theo nhà phân tích Abraham Ait trên tạp chí Diplomat, tên lửa Kinzhal (Dagger: Dao găm) được đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ hồi tháng 3/2018, nó là 1 trong 6 vũ khí siêu vượt âm mới sắp được trang bị cho các lực lượng vũ trang Nga.
Trong khi các hệ thống siêu vượt âm khác như tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat và Avangard chỉ được thiết kế để đảm nhận vai trò mang hạt nhân chiến lược thì điều khiến Kinzhal nổi bật là khả năng nó được sử dụng như một phương tiện tấn công chiến thuật với đầu đạn phi hạt nhân.
Điều đó có nghĩa Kinzhal có thể tiến hành các cuộc tấn công chính xác nhằm vào nhiều mục tiêu quân sự.
Mặc dù Kinzhal có thể triển khai đầu đạn hạt nhân khi đảm nhiệm vai trò tấn công chiến lược, nhưng điều khiến nó trở nên “vô giá” là khả năng thực hiện nhiệm vụ “săn tàu” chiến thuật ở khoảng cách rất xa – được cho là vượt trội hơn bất cứ hệ thống tên lửa tầm xa nào khác trên thế giới hiện nay.
Kinzhal mang đầu đạn nặng 500-700kg, đây là mức tải trọng khá đáng gờm dù vẫn thấp hơn tên lửa DF-21D của Trung Quốc. Yếu tố khiến Kinzhal trở thành một “thợ săn” tàu chiến đáng sợ là sự kết hợp giữa độ chính xác, tầm bắn và tốc độ siêu vượt âm trên Mach 5.
Ngay cả khi không mang đầu đạn thì động năng từ cú va chạm sản sinh ra cũng đủ để Kinzhal vô hiệu hóa những tàu chiến có kích cỡ lớn nhất, dù không thể phá hủy chúng hoàn toàn.
Một số đặc tính sức mạnh của Kinzhal có thể được kiểm nghiệm thông qua tên lửa hành trình chống tàu Bramos của Nga-Ấn. Đây là tên lửa có giới hạn tốc độ ở Mach 2.8, mang đầu đạn 250kg, được phát triển để “xẻ đôi” các tàu chiến cỡ lớn nhờ tác động của tốc độ cao.
Và mặc dù không có tốc độ siêu vượt âm như Kinzhal, BrahMos đã được chứng minh nó hoàn toàn có khả năng làm được điều đó.
Từ đây, hoàn toàn có thể suy luận rằng tên lửa Kinzhal, với tầm bắn lớn hơn, tốc độ cao hơn (gần gấp đôi BrahMos), đầu đạn nặng hơn, có đủ khả năng tiêu diệt các tàu chiến có kích cỡ lớn nhất của đối phương chỉ trong một đợt tấn công, và có thể thực hiện điều đó ở khoảng cách lên tới 2.000km.
Theo Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov, quân đội Nga đã nâng cấp 10 tiêm kích đánh chặn MiG-31 để chúng có thể triển khai tên lửa không-đối-không Kinzhal từ tháng 3:
“Đây là một loại vũ khí chính xác với đầu đạn đa chức năng có thể tấn công cả mục tiêu cố định và di động…. Sau khi bay lên không trung và tăng tốc tới một tốc độ nhất định ở độ cao lớn, tên lửa sẽ bắt đầu tự động cơ động tới mục tiêu”.
Ông Borisov nhấn mạnh tầm quan trọng của tốc độ cao trong thiết kế của Kinzhal, đồng thời cho biết tên lửa này được thiết kế để “cơ động trong hành trình bay và vượt qua các khu vực nguy hiểm có hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không của đối phương…
Đặc biệt, khả năng cơ động trong hành trình bay siêu vượt âm là yếu tố đảm bảo khả năng sống sót và xuyên phá mục tiêu của tên lửa”.
Mối đe dọa lớn đối với Mỹ
Sau khi Nga tiết lộ tên lửa siêu vượt âm mới, nhiều quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ đã thừa nhận rằng Washington hiện chưa có khả năng đánh chặn các cuộc tấn công ở tốc độ cao như thế.
Trong cuộc họp của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Tướng John Hyten thuộc Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ đã phát biểu rằng, các hệ thống phòng không của Mỹ hiện tại hoàn toàn không đủ khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công của vũ khí siêu vượt âm.
Thật vậy, nhiều báo báo từ các nguồn tin Mỹ còn cho thấy một số hệ thống phòng không thuộc hàng tiên tiến nhất của quân đội Mỹ hiện nay thậm chí đã gặp khó khăn khi đánh chặn các vụ tấn công cơ bản bằng tên lửa dưới âm, chẳng hạn như Scud-B – thiết kế cổ lỗ có từ hơn 50 năm trước.
Điều này không chỉ có tác động nghiêm trọng tới lực lượng trên bộ của Mỹ trước mối đe dọa từ ICBM mới của Nga, mà còn tới cả Hải quân Mỹ, họ hoàn toàn có khả năng sẽ phải chứng kiến các tàu khu trục và tàu sân bay của mình bị tên lửa Kinzhal đánh chìm ở khoảng cách rất xa trong trường hợp xảy ra xung đột.
Nga hiện có ít nhu cầu đối với tên lửa chống hạm tầm xa tại biên giới phía tây do khoảng cách khá hạn chế. Song, nếu được triển khai ở Viễn Đông, tên lửa Kinzhal sẽ có những tác động đáng kể đối với cán cân sức mạnh ở Thái Bình Dương.
Tiêm kích đánh chặn MiG-31 có bán kính chiến đấu 1.500km, vì thế Không quân Nga có đủ khả năng để tấn công tàu chiến Mỹ cách xa 3.500km tính từ bờ biển của họ.
Nếu MiG-31 được triển khai từ vị trí gần Vladivostok (thuộc vùng Viễn Đông của Nga) thì phạm vi tấn công của nó cùng tên lửa Kinzhal có thể bao phủ toàn bộ biển Hoa Đông và nhiều phần Biển Đông.
Điều này sẽ cho phép Moscow củng cố mạnh mẽ vị thế tại Thái Bình Dương.
Nếu Nga muốn ngăn chặn các phương tiện hải quân của Mỹ và đồng minh tiếp cận Biển Đông và Hoa Đông thì họ hiện đang nắm trong tay một loại vũ khí còn mạnh hơn nhiều so với những gì mà Trung Quốc có.
Tên lửa Kinzhal có thể sẽ tước danh hiệu “sát thủ diệt hạm” hàng đầu Thái Bình Dương từ tay DF-21D.
Đồng thời, nó sẽ tạo điều kiện để Nga (và cả Trung Quốc) thực hiện mục tiêu đã đặt ra từ lâu là giảm sức ảnh hưởng và sự hiện diện quân sự của phương Tây tại Thái Bình Dương, bằng cách khiến hạm đội tàu chiến mặt nước của Mỹ không thể phòng thủ hiệu quả, từ đó làm suy yếu sự thống trị của lực lượng này.
Kinzhal sẽ là thứ vũ khí đáng gờm mà Moscow có thể tận dụng để tạo ra lợi thế trong tương lai.