Việc triển khai tên lửa hay oanh tạc cơ chiến lược đến Biển Đông làm dấy lên lo ngại về việc Trung Quốc thiết lập ADIZ tại khu vực.
Oanh tạc cơ H-6K thực hành hạ, cất cánh trên đảo Phú Lâm. Video: Sina.
“Trung Quốc đang tiến gần tới việc tuyên bố lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Tôi nghĩ chúng ta đang ngày càng tới gần thời điểm đó”, Inquirer mới đây dẫn nhận định của Richard Heydarian, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Tuyên bố này của Heydarian được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc bị cáo buộc triển khai tên lửa hành trình chống hạm và phòng không trên đảo nhân tạo xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Không quân Trung Quốc cuối tuần trước cho biết một oanh tạc cơ chiến lược H-6K đã diễn tập cất hạ cánh tại đường băng ở Biển Đông. Dựa trên hướng của đường băng và đặc điểm xung quanh, giới phân tích nhận định chiếc H-6K này đã luyện tập hạ cánh trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc xây dựng phi pháp một đường băng dài khoảng 2.000 m.
“Trung Quốc đang phát triển khung xương của ADIZ trên Biển Đông, nhằm đạt được khả năng áp đặt một vùng kiểm soát trong lâu dài”, Heydarian nói.
Nếu đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ trên Biển Đông, Trung Quốc có thể yêu cầu mọi máy bay dân sự phải báo cáo lộ trình bay, thiết lập liên lạc hai chiều và chịu sự kiểm soát của họ tại khu vực này.
Trong khi đó, Mỹ và nhiều nước coi Biển Đông là vùng biển quốc tế, nơi tàu thuyền, máy bay có thể tự do qua lại theo các quy định của luật pháp quốc tế mà không phải chịu sự kiểm soát của bên nào. Không quân và hải quân Mỹ vẫn thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở khu vực này để khẳng định quyền đó.
Heydarian cho rằng các động thái gần đây của Trung Quốc là hành động “phản bội” lại những cam kết mà Bắc Kinh từng đưa ra về việc không quân sự hóa Biển Đông.
Theo một số chuyên gia, sau khi cho H-6K thực hành hạ cánh xuống sân bay trên đảo Phú Lâm, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục tiến xa hơn bằng việc đưa các oanh tạc cơ này đáp xuống đảo nhân tạo xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các đường băng này có chiều dài 3.000 m, được xây dựng nhà chứa có thể chứa được oanh tạc cơ cỡ lớn.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Christopher Logan đã gọi bài diễn tập cất hạ cánh của H-6K ở Phú Lâm là “hành động quân sự hóa tiếp diễn của Trung Quốc tại thực thể có tranh chấp” ở Biển Đông, “gia tăng căng thẳng và gây bất ổn khu vực”.
Tại diễn đàn an ninh hàng hải ở Manila tuần trước, tướng hải quân Philippines Rommel Jude Ong cho rằng Trung Quốc sẽ sớm đưa máy bay chiến đấu tới đảo nhân tạo xây dựng trái phép tại Trường Sa. Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) cho biết quá trình triển khai tiêm kích này tương đối giống việc Trung Quốc đưa chiến đấu cơ trái phép ra quần đảo Hoàng Sa trước đó.
Tầm hoạt động của hai mẫu tên lửa Trung Quốc đưa ra Trường Sa. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ. |
Trung Quốc chiếm đóng trái phép một số đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ năm 1988. Vài năm gần đây, Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo và xây đường băng, đủ khả năng tiếp nhận các loại máy bay quân sự hạng nặng.
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa (bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm năm 1974) và Trường Sa. Mọi hoạt động xây dựng, cải tạo tại các cấu trúc thuộc hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là phi pháp. Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Trung Quốc dừng các hành động trái phép, làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.