Hàn Quốc, Nhật Bản đều muốn Triều Tiên xóa bỏ vũ khí hạt nhân nhưng chính họ lại được Mỹ tăng cường vũ khí khủng, tăng cường tập trận.
Triều Tiên đã thể hiện những bước đi tích cực mạnh mẽ cho thấy những cố gắng giảm căng thẳng khu vực, mở ra một thời kỳ hòa bình phát triển.
Tuy nhiên, phản ứng từ các nước xung quanh lại không được tích cực như vậy.
Lực lượng phòng vệ trên bộ và trên biển của Nhật Bản (SDF) đang tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên, nhằm mục đích mở rộng chiến dịch quân sự ra nước ngoài.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA đã gọi động thái của Nhật Bản là đã áp dụng “luật pháp an ninh” theo đó cho phép SDF mở rộng đáng kể quy mô hoạt động của lực lượng này, với cái cớ thực thi quyền phòng vệ tập thể với Mỹ.
Ngoài ra, theo KCNA, Chính phủ Nhật Bản có phần “sốt sắng” sửa đổi hiến pháp nhằm xóa bỏ cam kết của nước này về việc không phát động chiến tranh.
“Diễn tập đổ bộ và vận tải đường không có sự tham gia của lực lượng đặc nhiệm đổ bộ và đơn vị trực thăng đầu tiên thuộc về SDF trên bộ và trên biển chứng tỏ bản chất của các cuộc diễn tập này là mang tính gây hấn châu lục, chứ không phải là ‘phòng vệ’” – tờ báo Triều Tiên bình luận gay gắt.
Ngoài Nhật Bản, chính Hàn Quốc cũng đã tiến hành các cuộc tập trận chung với Mỹ bất chấp các tín hiệu đáng khích lệ trong cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều.
Sau đó, bởi e ngại các phản ứng từ Triều Tiên, Seoul mới hủy bỏ cuộc tập trận chung trên không với Nhật Bản và Mỹ đáng lẽ diễn ra tuần trước.
“Kế hoạch ban đầu của cuộc tập trận trên không giữa ba nước là 2 máy bay ném bom B-52 sẽ xuất phát từ đảo Guam và tham gia tập luyện cùng không lực Nhật Bản và Hàn Quốc” – Tạp chí Phố Wall dẫn lời các nhà chức trách Mỹ cho biết.
Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo gặp tướng Vincent Brooks, chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, vào đầu tuần trước thì “sứ mệnh huấn luyện B-52 được điều chỉnh để tránh không phận Hàn Quốc và chỉ còn Nhật tham gia”.
Trước đó, Triều Tiên ngày 15/5 đã cảnh báo, cuộc tập trận này là sự tập dượt cho cuộc xâm lược Triều Tiên và là hành động gây hấn giữa lúc quan hệ liên Triều đang ấm lên. Bình Nhưỡng để ngỏ khả năng hủy cuộc gặp cấp cao Mỹ – Triều Tiên dự kiến diễn ra ngày 12/6 tới tại Singapore.
Tổng thống Trump muốn tìm tới Trung Quốc để gây sức ép với Bình Nhưỡng ngay trước Thượng đỉnh Mỹ- Triều. |
Trong khi đó, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 17/5 thông tin rằng, các đại diện của Mỹ vẫn đang làm việc với những người đồng cấp Triều Tiên về các nội dung chi tiết của cuộc gặp cấp cao Mỹ – Triều Tiên sắp tới thì ông cũng không quên tìm đến Trung Quốc để gây sức ép tới Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Mỹ đã đề nghị Trung Quốc duy trì an ninh biên giới với Triều Tiên.
“Trung Quốc cần tiếp tục cứng rắn và thắt chặt biên giới với Triều Tiên cho đến khi một thỏa thuận được thống nhất. Gần đây, biên giới hai nước đã trở nên lỏng lẻo khiến nhiều người có thể lọt qua” – Reuters dẫn một dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter.
Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết ông muốn việc mở cửa biên giới diễn ra và muốn một Triều Tiên thành công nhưng “chỉ sau khi ký kết được thỏa thuận”.
Trong các tuyên bố từ phía Hàn- Mỹ- Nhật, một tương lai đảm bảo phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là cần thiết phải đạt được. Nhưng những hành động từ các nước này, đặc biệt là về quân sự lại khó tạo được niềm tin nơi Bình Nhưỡng.