Ngày 24/5, trước sự chứng kiến của hàng chục phóng viên nước ngoài, Triều Tiên đã tiến hành lễ tháo dỡ và đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở miền Bắc nước này.
Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên ngày 4/8/2016. Ảnh: 38North/TTXVN
Theo hãng tin RT, hoạt động phá hủy bãi thử đã được thực vào chiều 24/5. Viện Phó Viện Hạt nhân Triều Tiên tuyên bố các đường hầm dẫn vào khu thử đã bị đánh sập và không có dấu hiệu rò rỉ phóng xạ. Theo quan chức này, mọi thiết bị và nhân viên đang được rút khỏi bãi thử và việc khôi phục hoạt động tại cơ sở Pyungge-ri là “không thể thực hiện được trong tương lai”. Dự kiến, Triều Tiên sẽ sớm hoàn thành việc đóng cửa hoàn toàn cơ sở này.
Giới chức Triều Tiên khẳng định việc nước này đóng cửa bãi thử Pyungge-ri đã chứng tỏ đường hướng hòa bình của Bình Nhưỡng.
Các hãng tin AP (Mỹ) và Reuters (Anh) dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho hay việc phá dỡ và đóng cửa bãi thử hạt nhân Pyungge-ri diễn ra theo quy trình như sau: đánh sập tất cả các đường hầm bằng thuốc nổ, đóng cửa mọi lối vào cơ sở này và di dời tất cả thiết bị hạ tầng kiểm soát và các tòa nhà nghiên cứu. Lực lượng bảo vệ cùng các nhà nghiên cứu cũng sẽ được rút khỏi đây và bãi thử đóng cửa hoàn toàn.
Triều Tiên đã thành lập một trung tâm báo chí và sắp xếp chỗ ở đặc biệt cho các phóng viên. Tuy nhiên, nhà chức trách nước này không mời các chuyên gia chứng kiến sự kiện.
Punggye-ri là bãi thử hạt nhân duy nhất của Triều Tiên, nơi nước này đã tiến hành 6 lần thử nghiệm hạt nhân vào các năm 2006, 2009, 2013, 2016 và 2017, trong đó 2 vụ thử nghiệm cuối cùng được Triều Tiên tuyên bố là bom nhiệt hạch (bom H, loại vũ khí có sức công phá lớn hơn nhiều so với bom nguyên tử thông thường) và vụ ngày 3/9 vừa qua có sức công phá mạnh nhất, vào khoảng 120 kiloton, gấp 10 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Vì vậy, việc phá bỏ bãi thử hạt nhân được xem là cử chỉ thiện chí đáng ghi nhận nhằm xây dựng lòng tin trong vấn đề hạt nhân, tạo không khí thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ – Triều sắp tới.
Trước đó, Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 29/4 cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã quyết định đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Theo cơ quan trên, ông Kim Jong-un đã thông báo việc này tại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 27/4 vừa qua. Hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí công khai việc Triều Tiên phá hủy bãi thử nêu trên.
Ông Kim Jong-un nhấn mạnh Triều Tiên không cần vũ khí hạt nhân nếu Mỹ chính thức kết thúc chiến tranh và cam kết chính sách không xâm lược hay đe dọa Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố: “Một số người cho rằng nơi bị đóng cửa là nơi không còn sử dụng được nữa, song các bạn sẽ thấy cơ sở này vẫn trong tình trạng tốt”.
Hàn Quốc và Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh quyết định trên của Triều Tiên. Tuyên bố của người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyom cho rằng động thái này thể hiện việc Bình Nhưỡng sẵn sàng thực hiện các cam kết đưa ra trong Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều.
Trong khi đó, trên tài khoản Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đánh giá cao quyết định của Triều Tiên đóng cửa cơ sở thử hạt nhân Punggye-ri, coi đây là “một bước đi rất thông minh và lịch thiệp”.
Việc Triều Tiên đóng cửa Punggye-ri diễn ra ba tuần trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Trump vào ngày 12/6 tới ở Singapore.
Tuy nhiên, Triều Tiên và Mỹ mới đây đã cho thấy những khác biệt lớn liên quan tới vấn đề này, qua đó khiến triển vọng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều trở nên mờ mịt. Tuần trước, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã dọa rút khỏi cuộc gặp nếu như Mỹ cương quyết yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa vô điều kiện.
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan hôm 16/5 nêu rõ “nếu chính quyền của Tổng thống Trump dồn chúng tôi vào chân tường và chỉ đưa ra yêu cầu một phía đòi Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ không quan tâm đến tiến hành các cuộc hội đàm và sẽ cân nhắc có chấp nhận tham gia hội nghị thượng đỉnh với Mỹ hay không”.
Triều Tiên đồng thời tuyên bố nước này không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy hợp tác kinh tế với Mỹ.
Phát biểu với báo giới bên lề cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn Quốc ngày 22/5 tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cũng tuyên bố Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhiều khả năng sẽ không diễn ra vào ngày 12/6 tới, nếu các điều kiện cụ thể không được đảm bảo.
Giới chức Mỹ cho biết phi hạt nhân sẽ là “vấn đề trung tâm” trong chiến lược của Washington với Bình Nhưỡng, và giải giáp chương trình hạt nhân của Triều Tiên dự kiến là nội dung chính trong chương trình nghị sự Hội nghị Thượng định Mỹ-Triều ở Singapore.