Nhu cầu của khách hàng Trung Quốc đối với bất động sản Việt Nam trong quý I/2018 cao hơn 300% so với cùng kỳ năm 2017.
Người Trung Quốc nhắm tới BĐS Việt Nam
Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 23/5 đã có bài viết nhận định, bất động sản Việt Nam đang thu hút nhiều khách hàng từ Hong Kong và Trung Quốc đại lục đến đầu tư nhờ giá cả thấp hơn so với các nước như Singapore hay Thái Lan.
Báo này dẫn số liệu của CBRE Việt Nam cho biết, số khách hàng từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hong Kong chiếm 25% tổng đầu tư nước ngoài vào bất động sản Việt Nam trong năm 2017, tăng so với mức 21% của năm 2016.
Giải thích lý do khách Trung Quốc tăng cường đầu tư vào bất động sản Việt Nam, bà Carrie Law, Giám đốc điều hành công ty môi giới trực tuyến Juwai.com, cho biết, Trung Quốc đang siết chặt chính sách kiểm soát dòng vốn, trong khi đó giá bất động sản tương đối thấp của Việt Nam rất hấp dẫn dân Trung Quốc.
“Người mua với khối tài sản giới hạn ở nước ngoài có thể mua bất động sản ở một thị trường tăng trưởng nhanh và đa dạng hóa kênh đầu tư của họ. Anh có thể mua một căn hộ 700.000 nhân dân tệ (109.781 USD) ở Việt Nam với số tiền anh có ở nước ngoài, trong khi anh không thể mua nổi căn nhà 5 triệu nhân dân tệ ở Úc hoặc Mỹ”, bà Law nói.
Theo bà Law, nhu cầu của khách Trung Quốc đối với bất động sản Việt Nam trong quý 1 năm 2018 cao hơn 300% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy Việt Nam chưa được yêu thích như Thái Lan hay Malaysia, nhưng nhu cầu rõ ràng là đang tăng.
Theo giới kinh doanh, giá bất động sản cao cấp ở TP.HCM đang dao động trong khoảng 3.000 – 6.000 USD/m2, chỉ bằng một nửa so với mức 7.000 – 9.000 USD của bất động sản cùng phân khúc tại Bangkok, và chưa bằng 10% so với giá nhà ở Hong Kong.
Ông Chen Lian Pang, Giám đốc điều hành của CapitaLand Việt Nam so sánh TP.HCM với quận Phố Đông của Thượng Hải cách đây 10 năm, khi các công trình hạ tầng gồm tàu điện ngầm và cảng hàng không mới được xây dựng ồ ạt, giúp đẩy giá bất động sản lên cao. TP.HCM có thể sẽ theo gót Thượng Hải với giá nhà tăng từ 4-5 lần trong 10 năm tới.
Giá nhà tại Việt Nam đã tăng trong những năm gần đây. Giá nhà mới tại TP.HCM tăng 3,6% trong năm 2017, trong khi giá biệt thự và nhà phố tăng 13,6% trong cùng kỳ tương ứng, theo JLL.
Theo SCMP, bên cạnh lợi nhuận hấp dẫn, rủi ro ở một thị trường đang phát triển như Việt Nam cũng rất lớn.
Bà Carrie Law nhận xét: “Thị trường Việt Nam không ổn định như một nước phát triển, nguy cơ bong bóng và sụp đổ cũng lớn hơn. Tôi thường khuyên khách hàng nên chịu khó nghiên cứu và chọn những dự án có giá trị bền vững, chẳng hạn nằm ở vị trí thuận lợi.
Dù đa số những người trong ngành bất động sản nhận định thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2018, nhưng bà Law cho biết, một số người lo rằng giá bất động sản sẽ chạm mức bong bóng trong năm tới, đặc biệt trong điều kiện quỹ đất dành cho phát triển nhà ở có giới hạn.
Và những mối lo
Trong khi người Trung Quốc nói riêng và khách hàng nước ngoài nói chung đang dòm ngó bất động sản Việt Nam thì một số ý kiến đề xuất nới rộng khung hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho người nước ngoài được sở hữu căn hộ khách sạn (condotel) ở Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đây là phương án không khả thi bởi vị trí các dự án condotel thường nằm sát bờ biển, nếu như condotel được cấp sổ hồng, bên cạnh đó lại đồng ý cho người nước ngoài sở hữu condotel thì chẳng khác nào chúng ta đang tạo điều kiện cho ho sở hữu dài bờ biển.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, cần phải thận trọng trước khi đồng ý cho người nước ngoài sở hữu condotel. Vị trí của condotel thường nằm gần biển, có nhiều biến tướng khó lường.
Giả sử, người nước ngoài vào mua condotel với số lượng lớn, vào vị trí độc quyền thì chủ đầu tư dự án đó được lợi nhiều nhất còn thiệt hại lớn nhất lại là vấn đề an ninh – quốc phòng.
“Đã có quy định người nước ngoài mua nhà ở vị trí nào, một khu vực người nước ngoài được mua bao nhiêu %. Nếu condotel được cấp sổ hồng thì cũng phải áp dụng quy định đó khi đồng ý cho người nước ngoài được sở hữu condotel. Chứ không thể nào ở dạng “con lai”, vừa được cấp sổ hồng mà lại vừa được bán tràn lan cho người nước ngoài”, ông Đực nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông Đực, không thể coi condotel như các căn hộ chung cư, không nên cấp sổ hồng cho loại hình bất động sản này. Bởi, hoạt động của condotel giống như một khách sạn thì phải áp dụng các quy định như với các khách sạn khác đang hoạt động.