Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinTQ khẳng định không "phá" thượng đỉnh Mỹ - Triều

TQ khẳng định không “phá” thượng đỉnh Mỹ – Triều

Giới chức và một số nhà phân tích Trung Quốc đã bác bỏ nhận định rằng Bắc Kinh đóng vai trò nào đó trong việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trở nên cứng rắn trước thềm cuộc gặp (đã bị hủy bỏ) với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Tập Cận Bình tiếp ông Kim Jong-un tại TP Đại Liên trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày 7 và 8-5. Ảnh: Tân Hoa Xã

Lý do họ đưa ra là Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ một hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều thành công nếu nó diễn ra tại Singapore vào ngày 12-6 tới như kế hoạch ban đầu.

“Chúng tôi không có bất kỳ động cơ thầm kín nào” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định hôm 25-5 khi được hỏi về ý kiến của ông Trump, theo đó ông Kim Jong-un có thái độ cứng rắn hơn sau cuộc gặp thứ hai với Chủ tịch Tập Cận Bình ở TP Đại Liên hồi đầu tháng này.

Ông Lục nói thêm rằng Trung Quốc luôn có lập trường nhất quán đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, tức là nó phải được giải quyết thông qua đối thoại và thương thảo.

Chuyên gia Shi Yinhong của Trường ĐH Nhân dân cũng gọi cáo buộc của ông Trump về “ảnh hưởng” của Trung Quốc là vô lý bởi việc phá hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều sẽ chỉ có hại cho lợi ích của Bắc Kinh và làm tình hình bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng.

Chuyên gia Su Hao của Học viện Ngoại giao Trung Quốc cũng cho rằng nguyên tắc cơ bản của Bắc Kinh là bán đảo Triều Tiên được phi hạt nhân hóa và điều này đóng vai trò quan trọng đối với an ninh Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc còn muốn cuộc gặp giữa hai ông Trump và Kim diễn ra thành công vì mục tiêu lâu dài của nước này đối với Triều Tiên.

Ông Zhao Tong, chuyên gia tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua về chính sách toàn cầu ở Bắc Kinh giải thích rằng một kịch bản như thế sẽ giúp cải thiện mối quan hệ Mỹ – Triều. Điều này sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc giúp Triều Tiên thoát khỏi tình cảnh cô lập hiện nay và phát triển như một quốc gia bình thường.

Tuy nhiên, các nhà phân tích phương Tây lại có cái nhìn khác về Trung Quốc.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) nhận định ông Tập có thể đã nói ông Kim đưa vấn đề Mỹ – Hàn ngưng tập trận chung, một đề xuất của Trung Quốc, trở lại bàn đàm phán.

Theo nhà phân tích này, ông Tập có thể đang tìm cách đưa hội nghị theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, hoặc ít nhất là không gây bất lợi gì cho nước này.

Nếu cuộc gặp vẫn không được nối lại, điều này sẽ đẩy Bắc Kinh vào vị trí khó khăn hơn, theo ông Zhao. Khi đó, Triều Tiên sẽ yêu cầu Trung Quốc cải thiện quan hệ kinh tế song phương trong lúc Mỹ vẫn muốn Bắc Kinh tiếp tục trừng phạt Bình Nhưỡng như là một phần của chiến lược duy trì sức ép tối đa.

Điều này có nguy cơ gây ra rạn nứt giữa Mỹ – Trung về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, từ đó khiến mối quan hệ song phương này thêm căng thẳng giữa lúc hai bên đang tranh cãi chuyện thương mại và vấn đề biển Đông.

Điều chắc chắn, theo ông Shi, là Trung Quốc sẽ không đóng vai trò trung gian hòa giải như những gì Hàn Quốc đã làm để rồi lâm vào tình cảnh như hiện nay. Thay vào đó, Bắc Kinh sẽ tiếp tục củng cố quan hệ dần được cải thiện với Bình Nhưỡng và hỗ trợ kinh tế nước này.

Trong khi đó, cánh cửa dẫn đến hội đàm cấp cao Mỹ – Triều không hoàn toàn đóng sập bất chấp ông Trump đột ngột hủy nó hôm 24-5.

Chưa đầy 24 giờ sau khi thông báo quyết định trên, nhà lãnh đạo Mỹ lại khiến dư luận ngạc nhiên khi cho biết các cuộc thương thảo tích cực đang diễn ra về việc tổ chức cuộc gặp tại Singapore vào ngày 12-6 tới như kế hoạch ban đầu.

Cũng trong ngày 25-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã cam kết làm việc chặt chẽ với nhau về vấn đề thương thảo với Triều Tiên và ngăn chặn tham vọng hạt nhân của nước này.

RELATED ARTICLES

Tin mới