Bị loạt cường quốc phát đi thông điệp răn đe mạnh mẽ, Trung Quốc dường như đã buộc phải xuống nước sau khi “làm loạn” ở Biển Đông bằng những động thái quân sự gây lo ngại. Có nguồn tin cho rằng, Trung Quốc có vẻ như đã phải rút tên lửa ra khỏi các đảo ở Biển Đông.
Những hình ảnh vệ tinh mới thu được cho thấy, Trung Quốc rõ ràng đã rút các hệ thống tên lửa đất đối không ra khỏi các đảo ở Biển Đông. Hành động kéo các tên lửa ra Biển Đông của Trung Quốc đã khiến giới chức Mỹ nổi giận và Washington đã nhanh chóng đáp trả Trung Quốc bằng cách không mời nước này tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC).
Trước đó, các hình ảnh vệ tinh thu được hôm 20/05 cho thấy, Trung Quốc đã đưa 2 bệ phóng tên lửa đến bờ phía bắc của một đảo ở Biển Đông, gần sát một hệ thống radar, tất cả đều được phủ một lớp lưới ngụy trang.
Không rõ động thái trên của Trung Quốc là nằm trong khuôn khổ của một cuộc tập trận hay là một phản ứng xuống nước sau thông điệp răn đe mạnh mẽ bằng cả lời nói và hành động của loạt cường quốc gồm Mỹ, Anh và Pháp.
Lầu Năm Góc hôm 23/05 đã tuyên bố không mời Trung Quốc đến tham gia một cuộc tập trận hải quân lớn do Mỹ chủ trì trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đây là đòn đáp trả đầu tiên của Mỹ đối với hành động quân sự hóa gây bất bình của Bắc Kinh ở Biển Đông. “Như là đòn đáp trả ban đầu đối với các hành động quân sự hóa liên tục của Trung Quốc ở Biển Đông, chúng tôi đã không mời Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đến tham gia cuộc Tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2018 (RIMPAC)”, Trung tá Christopher Logan – một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, cho hay.
Ông Logan cho biết, Mỹ có bằng chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc đã triển khai các tên lửa đất đối không, đất đối hạm và hệ thống làm nhiễu điện tử đến các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố, quyết định gần đây của họ về việc không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC chỉ là “phản ứng ban đầu” đối với hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông Mattis khẳng định, hành động đáp trả vừa rồi mới chỉ “gây ra hậu quả tương đối nhỏ” và Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với những đòn trừng phạt nặng nề hơn trong tương lai.
Bộ trưởng Mattis chỉ trích: “Bất chấp những phát biểu ngược lại của Trung Quốc, việc nước này đặt các hệ thống vũ khí ở những hòn đảo trên Biển Đông chắc chắn là gắn với mục đích quân sự và nhằm để dọa dẫm, ép buộc”
Mặc dù Mỹ đang tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ sẽ bỏ qua cho những hành động quân sự hóa ngày càng táo tợn của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung tướng Kenneth McKenzie – Giám đốc Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ mới đây đã ám chỉ Mỹ sẵn sàng “thổi bay” một trong những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Không chỉ dừng lại ở lời nói, gần đây Mỹ còn cho các tàu chiến đến khu vực phạm vi 12 hải lý so với những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa hơn một tàu chiến đến khu vực để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý và tham lam của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Sau Hải quân Mỹ, đến lượt Hải quân Anh và Hải quân Pháp cũng tuyên bố sẽ thẳng tiến vào Biển Đông, cụ thể là vào khu vực Trung Quốc đang đòi chủ quyền một cách phi lý, nhằm mục đích bác bỏ đòi hỏi của Bắc Kinh đồng thời khiến Bắc Kinh phải thay đổi cách hành xử trong khu vực.