Dự án phát triển kinh tế vùng có sự tương đồng giữa Ấn Độ và Trung Quốc cho phép hai nước cùng giảm cạnh tranh để hưởng lợi nhưng…
Dự án Hành lang Kinh tế Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Myanmar (BCIM) là một dự án có điểm xuất phát là sáng kiến tiểu vùng do tỉnh Vân Nam thuộc Tây Nam Trung Quốc được thành lập từ năm 1991.
Diễn đàn BCIM của tỉnh Vân Nam đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia đánh giá rằng, khu vực này có những điểm chung tương đồng về nhiều lĩnh vực như văn hóa, tập quán, nguồn tài nguyên thiên nhiên phía Nam Hymalaya… và có thể hướng tới một diễn đàn chung.
7 bang Đông Bắc Ấn Độ vốn bị cô lập, phải lệ thuộc vào Hành lang Siliguri để tiếp cận đến phần còn lại của Ấn Độ nếu được tham gia vào BCIM sẽ có cơ hội được giao lưu nhiều hơn, hội nhập với kinh tế toàn cầu.
Nhà khoa học chính trị Khriezo Yhome thuộc Tổ chức Nghiên cứu Quan sát Ấn Độ (ORF) thậm chí bày tỏ hy vọng dự án này có thể giảm sự cạnh tranh thường trực giữa Ấn Độ và Trung Quốc, qua đó đóng góp vào hoà bình và ổn định khu vực.
Nhà xã hội học Patricia Uberoi đang công tác tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại New Delhi cho rằng, dự án này có rất nhiều triển vọng, đặc biệt là đã xây dựng tuyến cao tốc K2K nối liền Kolkata với Côn Minh vào năm 2013.
Với dự án cao tốc này, hai nước đã nhất trí xúc tiến phát triển Hành lang Kinh tế BCIM.
Tại cuộc gặp mặt cấp cao năm 2013 giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Ấn Độ Mamohan Singh khi đó, hai bên đã nhất trí ra một báo cáo chung về việc triển khai dự án hành lang kinh tế này dựa trên bốn báo cáo do từng nước thành viên viết.
Tuy nhiên, điều này chưa bao giờ được hiện thức hoá chủ yếu vì Myanmar thiếu các nguồn lực để triển khai dự án.
Song, sự mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng khiến dự án bị trì trệ. Năm 2017, quan hệ Trung – Ấn căng thẳng đến đỉnh điểm với xung đột ở đường biên giới Doklam.
Bà Uberoi cho biết: “Ấn Độ đã liên tục diễn giải rằng dự án BCIM là một phần chính sách “Hướng về phía Đông” của mình. Kể từ năm 1990, Ấn Độ đã nói nhiều về việc kết nối Ấn Độ với Đông Nam Á để củng cố vị thế của mình và qua đó làm giảm vị thế của Trung Quốc.
Song sau đó, Bắc Kinh tiếp quản sáng kiến này và giao cho một Ủy ban giám sát thuộc sáng kiến “Vành đai- Con đường” (BRI).
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc tiếp quản BRI vào năm 2015 và nói về Hành lang Kinh tế BCIM cùng với Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) khiến Ấn Độ nhận ra, sáng kiến tiểu vùng ban đầu đã được lồng ghép vào một chương trình BRI rộng lớn hơn của Trung Quốc.
Đương nhiên, Ấn Độ không chấp nhận điều này, họ thấy mình gặp bất lợi vì phụ thuộc vào hoài bão của Trung Quốc.
Bà Uberoi cho rằng, sự tương đồng về văn hoá, sắc tộc và xã hội giữa tỉnh Vân Nam Trung Quốc, miền Bắc Myanmar, miền Bắc Bangladesh và Đông Bắc Ấn Độ có thể được khai thác và hoà nhập tốt hơn thông qua một sáng kiến vùng hơn là thông qua một dự án của Bắc Kinh.
Vị chuyên gia này cho rằng, sẽ tốt hơn nếu các dự án mới ra đời ít chịu sự chi phối của Trung Quốc, các sáng kiến cần có thêm sự hỗ trợ của các tổ chức quyên góp quốc tế.
Sự chậm trễ của BCIM do đó bị chậm trễ, ảnh hưởng đến những khu vực đang chờ đợi triển khai những dự án phát triển, đặc biệt là các vùng Đông Bắc Ấn Độ.
Trong khi đó, gặp trở ngại với Ấn Độ, Trung Quốc đã quay sang phát triển các dự án cơ sở hạ tầng ở Myanma như đường ống dẫn dầu khí chạy từ Vịnh Bengal thông qua bang Rakhine (Myanmar) đến thành phố Côn Minh (Trung Quốc) cho phép giảm đáng kể tuyến đường và thời gian trung chuyển khí đốt.
Với một dự án tiểu vùng như BCIM, ban đầu ít được Ấn Độ quan tâm nhưng sau đó đã khiến nước này “chật vật” bởi sự điều khiển của Bắc Kinh, lồng ghép các dự án nhỏ biến thành sáng kiến vĩ mô nhằm khai thác triệt để hành lang Đông – Tây vừa vận chuyển hàng hóa vừa khai thác triệt để tài nguyên thiên nhiên ở khu vực tiềm ẩn này.