Saturday, January 18, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiSau Biển Đông, cảnh báo cuối cùng cho sông Mekong

Sau Biển Đông, cảnh báo cuối cùng cho sông Mekong

Viện Lowy của Úc tiếp tục đánh động thế giới về mưu đồ của Trung Quốc đối với sông Mekong, đặc biệt sau khi nước này quân sự hóa xong Biển Đông. Đông Nam Á cần phải hành động trước khi quá muộn.

Bài viết dưới đây đăng trên trang The Interpreter của Viện Lowy do chuyên gia Elliot Brennan chấp bút. Ông Brennan là nhà nghiên cứu độc lập từng cộng tác với Viện An ninh và chính sách phát triển (Thụy Điển), trang phân tích quốc phòng IHS Jane, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ)…

Sau bao nhiêu ồn ào, đến giờ phút này có thể nói công cuộc bồi đắp và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông đã gần xong. Bắc Kinh giờ đây có thể kiểm soát một trong những tuyến vận tải huyết mạch của thế giới, biến luật pháp quốc tế thành trò đùa.

Nhưng chưa dừng lại ở đó, đích nhắm sắp tới của Bắc Kinh sẽ là một động mạch quan trọng khác chạy xuyên lục địa Đông Nam Á: Sông Mekong.

Bắt nguồn từ Trung Quốc với tên gọi Lan Thương, sông Mekong kết nối các quốc gia Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Kiểm soát sông Mekong chính là “lát cắt salami” còn lại, với một nửa kia là Biển Đông, giúp Trung Quốc nắm thế chiến lược “kẹp sandwich” cả lục địa Đông Nam Á.

 Campuchia, Việt Nam sẽ lãnh đủ

Kiểm soát dòng chảy Mekong bằng hệ thống đập dày đặc đồng nghĩa với kiểm soát khả năng tiếp cận nguồn lương thực – sinh kế của hàng chục triệu người thuộc các cộng đồng sống ven sông.

Trong tất cả đập thủy điện đang vận hành trên sông Mekong hiện nay, phần lớn công suất thuộc về các đập nằm trên đất Trung Quốc, chiếm hơn 15.000 Megawatt (MW). Chỉ riêng đập Nọa Trát Độ thuộc địa phận tỉnh Vân Nam đã có công suất 5.850 MW, chưa tính nửa tá đập khác công suất trên 1.000 MW.

Nếu gộp lại, các đập của Trung Quốc có thể giữ tổng cộng 23 tỉ m3 nước – tương đương 27% lượng nước chảy hàng năm giữa Trung Quốc và Thái Lan. Các đập khác nằm ở hạ lưu với công suất chỉ vài chục đến vài trăm MW không đáng là bao nếu mang ra so sánh.

Tóm lại, Trung Quốc bây giờ đã có thể điều khiển dòng chảy sông Mekong, đặc biệt là vào mùa khô, khi Cao nguyên Tây Tạng đóng góp đến 40-70% lượng nước cho dòng sông.

Tác động đối với an ninh lương thực bây giờ đã lớn, nhưng về sau sẽ còn kinh hoàng hơn nếu 11 dự án đập khổng lồ đang đề xuất được thông qua (trong đó hết một nửa do Trung Quốc chống lưng).

Một báo cáo gần đây của UNESCO và Viện Môi trường Stockholm dự báo lượng phù sa của sông Mekong sẽ giảm 94% một khi các con đập mới xây xong, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đánh bắt cá và sức khỏe nói chung của sông Mekong.

Đáng lo hơn, các chuyên gia phát hiện những lời hứa hẹn “kích cầu kinh tế, tăng sản lượng điện” cho các nền kinh tế khu vực Hạ Mekong chỉ là dối trá. Phần lớn năng lượng trong các dự án đang đề xuất sẽ thẳng tiến Trung Quốc, trong khi các nước còn lại phải gánh những hậu quả kinh tế tiêu cực.

Người ta dự báo trong 50 năm tới, các nền kinh tế hạ lưu sông Mekong sẽ tổn thất ròng khoảng 7,3 tỉ USD, trong đó hai nước cuối nguồn là Việt Nam và Campuchia sẽ thiệt hại nhiều nhất. Đó là chưa kể những tổn thất không thể nào đo đếm được về mặt xã hội.

Sau Biển Đông, cảnh báo cuối cùng cho sông Mekong - Ảnh 2.

Công trường dự án đập Don Sahong ở Lào – Ảnh: BLOOMBERG

Dự án Thiên Hà – mối nguy mới

Đã có nhiều lo lắng về việc Bắc Kinh dùng đập nước như một “vũ khí hủy diệt”. Chỉ cần Trung Quốc xả một lượng nước lớn nhưng không thông báo trước, hiệu ứng domino sẽ buộc các đập dưới hạ nguồn phải xả đồng loạt và gây ra lũ quét trên diện rộng.

Trung Quốc còn một quân bài khác ít gây chú ý hơn nhưng không kém phần nguy hiểm: Dự án Thiên Hà. Nói vắn tắt, mục đích của dự án này là làm tăng lượng mưa ở các vùng khô hạn trên Cao nguyên Tây Tạng thêm 10 tỉ m3 – tương đương 7% mức tiêu thụ nước hiện tại của Trung Quốc – bằng công nghệ “cloud seeding” (gieo mây, làm mưa nhân tạo).

Nước mưa rơi xuống Cao nguyên Tây Tạng một phần sẽ chảy dồn vào lưu vực của các con sông xuyên quốc gia như Mekong, Brahmaputra, Indus, và Salween; phần còn lại Trung Quốc có thể điều tiết tùy theo nhu cầu của họ bằng hệ thống đập va công trình thủy lợi.

Tuy nhiên, chuyên gia Janos Pasztor thuộc Tổ chức Hội đồng Carnegie (Mỹ), lưu ý rằng công nghệ “cloud seeding” không tạo ra thêm mưa mà nó chỉ lấy ở nơi này chuyển sang nơi khác, tức là khiến mưa xảy ra ở một nơi nhất định, có nghĩa ở một nơi khác mưa sẽ biến mất”.

Kiểm soát thời tiết, bảo đảm rằng mưa rơi trên lãnh thổ Trung Quốc chính là bước tiếp theo giúp Bắc Kinh kiểm soát dòng nước chảy vào các nước láng giềng. Điều này đáng sợ một phần cũng do thành tích quản lý môi trường khét tiếng của Trung Quốc: 70% sông hồ ở Trung Quốc ô nhiễm nặng.

Trung Quốc thay trời làm mưa hẳn không phải tin lành. Lúc tốt thì nó khuyến khích các quốc gia láng giềng xây đập thủy điện, lúc (quan hệ) tồi tệ thì chúng ta có hạn hán nghiêm trọng ở cuối nguồn, và cả món vũ khí nước hủy diệt.

Bồi đắp ở Biển Đông, phá hủy ở Mekong

Đập nước và mưa cũng chưa phải là hết.

Trái ngược với hành động bồi đắp ở Biển Đông, Trung Quốc đã tiến hành trên sông Mekong cái gọi là “Dự án Cải thiện luồng lạch”.

Nói đơn giản, đó là hành động cho phá nổ các cồn đất, bãi đá và luồng xoáy trên sông Mekong để hình thành nên tuyến giao thông xuyên qua trái tim của lục địa Đông Nam Á đến tận Lào.

Trớ trêu nằm ở chỗ, cái giá để tạo ra tuyến vận chuyển mới cho hàng hóa Trung Quốc xâm chiếm khu vực lại là những tổn thất nặng nề về môi trường và xã hội của chính các nền kinh tế Đông Nam Á.

Có lẽ vì thấy trước điều này nên Thái Lan đến nay vẫn chưa đồng ý với dự án nạo vét sông Mekong trên phần đất của mình.

Mối quan ngại về sông Mekong và nhiều con sông khác trong chiến lược địa chính trị của Trung Quốc không phải mới mẻ, nhưng dường như nhiều sự kiện nhỏ đã dẫn cả khu vực đến “điểm tới hạn” – tức bước ngoặt dẫn đến những thay đổi lớn.

Các nước Đông Nam Á chỉ có 2 lựa chọn, phản ứng hoặc ngồi yên chịu tổn thất.

RELATED ARTICLES

Tin mới