Tin nóng trên Biển Đông: Vài ngày sau khi ảnh vệ tinh cho thấy dường như tên lửa của Trung Quốc đã bị rút ra khỏi đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nay bỗng tái xuất hiện .
Phân tích tình báo mới công bố hôm 11/6 của CNN cho thấy, các hệ thống vũ khí của Trung Quốc lại xuất hiện trên đảo Phú Lâm. Các hệ thống này trước đó được phát hiện đã biến mất vào đầu tháng 6 qua hình ảnh vệ tinh của Tổ chức ImageSat International (ISI), cho thấy chỉ còn lại những bãi cát tại địa điểm nơi từng đặt các bệ phóng tên lửa.
Việc rút các hệ thống vũ khí này, ISI nhận định có thể Trung Quốc đã cho dời các hệ thống tên lửa đất đối không của họ sang một hòn đảo khác, hoặc di chuyển chúng trong khuôn khổ một cuộc tập trận. Khi các hình ảnh ban đầu được công bố, các chuyên gia tỏ ra rất nghi ngờ về việc các hệ thống tên lửa của Trung Quốc đã được di dời đi nơi khác vĩnh viễn. Họ tin rằng Trung Quốc không dễ “đầu hàng” như thế. Có thể các hệ thống này được tạm rút đi để được bảo trì.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh vào ngày 20/5, cho thấy có hai bệ phóng mới được lắp đặt ở ở phía bắc hòn đảo tranh chấp, đặt cạnh một hệ thống radar, và được che phủ dưới một tấm lưới ngụy trang.
Ông Timothy Heath, nhà phân tích quốc phòng cao cấp thuộc tổ chức Rand Corporation, nhận định: “Do chịu tác động của muối và độ ẩm dẫn đến bị ăn mòn, các hệ thống tên lửa H-9 phải được đưa về đất liền để bảo trì theo định kỳ.”
Việc các tên lửa này đột ngột biến mất diễn ra giữa lúc tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng với các hoạt động của tàu chiến Mỹ tiến gần các đảo đang trong vòng tranh chấp, và Trung Quốc lần đầu tiên điều máy bay ném bom tới đảo Phú Lâm. Theo tường thuật của Fox News, các ảnh vệ tinh chụp vào ngày 3/6 của ImageSat International cho thấy hệ thống tên lửa HQ-9 và các tấm lưới che ngụy trang đã được gỡ khỏi các đảo ở Biển Đông.
Rút đi rồi lại đưa về. Chắc chắn không phải một “hành động kì quặc”! Trung Quốc là quốc gia không bao giờ thống nhất giữa nói và làm. Việc Trung Quốc mập mờ phản ánh hai vấn đề. Thứ nhất, Trung Quốc không thể ngang ngược muốn làm gì thì làm như trước. Thứ hai, các nước có liên quan, đặc biệt là Mỹ, đã có thái độ mạnh mẽ, cứng rắn hơn.
Trong mọi hoàn cảnh,bất chấp phản ứng của dư luận thế giới, Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ hành động bá quyền, trừ khi họ thất bại nặng nề. Sắp tới, Bắc Kinh có thể còn thực hiện nhiều chuyện nguy hiểm ở Biển Đông.
Do một số nước như Ấn Độ, Philippines ngày càng mạnh lên và Mỹ thực hiện chính sách xoay trục tới châu Á cho nên trong giai đoạn vừa rồi Trung Quốc còn do dự. Khi thời cơ đến họ sẽ làm mọi cách để đạt tham vọng bá quyền trên biển.
Các đồng minh của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản, Philippines cùng khối ASEAN thể hiện rõ thái độ cương quyết phản đối Trung Quốc, nên Bắc Kinh cũng sẽ phải dè chừng.
Trong lúc này Việt Nam cần đánh giá đúng Trung Quốc. Không được chủ quan nhưng cũng không quá lo sợ trước sức mạnh của họ. Bởi Việt Nam có đầy đủ bằng chứng không thể tranh cãi về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa và được cộng đồng quốc tế ủng hộ.