Bắc Kinh dường như đang tiến hành những biện pháp “đẩy đưa” với Mỹ và các nước trong khu vực, khi tạm tháo gỡ những hệ thống tên lửa nước này lắp đặt phi pháp trên đảo Phú Lâm.
Căng thẳng ở Biển Đông leo thang trong tuần này với hàng loạt động thái liên quan tới quân sự, trong đó bao gồm chuyện một nhóm học giả Đài Loan đề xuất ý tưởng mời gọi quân đội Mỹ đồn trú ở đảo Ba Bình – đảo tự nhiên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam do Đài Loan chiếm đóng.
Căng thẳng leo thang
Không phải ngẫu nhiên bản tin về đề xuất của nhóm học giả không đề tên nêu trên xuất hiện trong tạp chí Next Magazine của Đài Loan đầu tuần này. Nó đang phần nào phản ánh mối lo của các quốc gia và vùng lãnh thổ có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước đó, Đài CNN (Mỹ) đưa tin Mỹ đã điều hai máy bay ném bom B-52 tiến vào các thực thể ở Biển Đông đang bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp. Lầu Năm Góc xác nhận máy bay của họ xuất phát từ căn cứ quân sự ở đảo Guam để tập luyện, bay qua các đảo, đá ở Trường Sa hôm 5-6.
Động thái này lập tức bị Trung Quốc phản ứng, khi quân đội nước này tuyên bố không cho phép máy bay hay tàu của nước ngoài ngăn cản nhiệm vụ “bảo vệ an ninh và toàn vẹn lãnh thổ” của mình.
“Mặt khác, đó dường như là hành động thường xuyên diễn ra. Nếu như vậy, chỉ trong vòng vài ngày nữa chúng ta có thể quan sát thấy việc tái lắp đặt trên đúng khu vực ấy” – phân tích của Hãng tình báo Israel ImageSat International (ISI) xung quanh hành động rút hệ thống tên lửa của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Không thể im lặng
Trong phản ứng đối với sự kiện “thực thi tự do hàng hải” của máy bay B-52, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 6-6 cảnh báo Mỹ ngừng phóng đại vấn đề quân sự hóa của Bắc Kinh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Bắc Kinh “sẽ không sợ bất kỳ cái gọi là tàu chiến hay máy bay, chúng tôi kiên quyết với những biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh và chủ quyền, để bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông)”.
Cùng ngày, một số hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều khả năng Trung Quốc đã tháo gỡ những hệ thống tên lửa nước này lắp đặt phi pháp trên đảo Phú Lâm, theo phân tích của Hãng tình báo ISI.
Tuy nhiên, CNN dẫn lời hai quan chức quân sự Mỹ nhận định Bắc Kinh không hoàn toàn tháo gỡ, mà chỉ tạm cất giấu các hệ thống ấy bên trong các tòa nhà mà nước này xây dựng trên đảo. ISI cũng khẳng định có thể đây chỉ là hành động tạm thời.
Báo South China Morning Post trong khi đó dẫn lời ông Ni Lexiong, chuyên gia quân sự tại Đại học Khoa học và luật chính trị Thượng Hải, cùng chung nhận định. Vị này nói: “Với căng thẳng leo thang giữa hai nước, dễ hiểu việc chúng tôi đưa ra một ít cử chỉ thỏa hiệp. Không khôn ngoan nếu Trung Quốc trực tiếp đối đầu với Mỹ. Chúng tôi sẽ quyết định (khả năng tái lắp đặt) sau khi căng thẳng hạ nhiệt. Tốt hơn là tiến hành ba bước tiến và hai bước lùi, vì cả hai bên đều kiềm chế và không ai muốn chiến tranh”.
“Ba bước tiến và hai bước lùi” mà ông Ni Lexiong nói ra phản ánh chính sách quá trình “từ từ mà tiến” của Trung Quốc trong việc quân sự hóa Biển Đông. Nói cách khác, đây là chiến lược đánh bài hòa hoãn và âm thầm kiểm soát toàn bộ các khu vực đảo, đá nhằm biến mọi thứ thành “sự đã rồi”.
Phát biểu tại sự kiện an ninh Đối thoại Shangri-La 2018, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis thẳng thừng chỉ trích hành động quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc đang thực hiện, trong đó ông liệt kê ra việc triển khai tên lửa chống tàu, tên lửa đất đối không, các thiết bị gây nhiễu điện tử… trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Ngoài ra, ông Mattis cũng xác nhận đó là lý do Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) vừa qua.