Bản tin Biển Đông ngày 13/06/2018.
Malaysia và Nhật Bản nhất trí duy trì quyền tự do hàng hải ở khu vực eo biển Malacca và Biển Đông cho tất cả các quốc gia
Ngày 12/6, The Sun Daily đưa tin, tại buổi họp báo chung tại Tokyo, Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã tuyên bố rằng Nhật Bản và Malaysia nhất trí duy trì quyền tự do hàng hải ở eo biển Malacca và Biển Đông cho tất cả các quốc gia. Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, cần phải là một khu vực tự do và cởi mở dựa trên thượng tôn phát luật và được đảm bảo là tuyến đường chung vì hoà bình và thịnh vượng của khu vực. Ông Abe nhấn mạnh: “Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với tất cả những quốc gia nào ủng hộ khái niệm này với Malaysia. Tôi khẳng định quyết tâm thúc đẩy hơn nữa hợp tác vì hoà bình và ổn định khu vực, trong đó có lĩnh vực an ninh biển”. Về phần mình, Thủ tướng Mahathir cũng khẳng định rằng: “Malaysia nhất trí về sự cần thiết của việc duy trì tự do hàng hải khu vực eo biển Malacca và Biển Đông cho tất cả các quốc gia”.
Cựu Luật sư trưởng Philippines: hoạt động quân sự hoá ở Trường Sa khởi phát từ khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền
Ngày 12/6, Inquirer đưa tin, ngày 11/6, phát biểu trong một diễn đàn được tổ chức tại thành phố Quezon, Philippines, cựu Luật sư trưởng Philippines Florin Hilbay cho rằng mặc dù hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc ở Trường Sa có thể đã được bắt đầu từ chính quyền của Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino song chỉ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền, hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc đối với các cấu trúc tranh chấp mới diễn ra một cách rầm rộ.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines: Trung Quốc đã “cho phép” ngư dân Philippines được phép đánh cá ở bãi cạn Scarborough “vô điều kiện”
Rappler đưa tin, ngày 12/6, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã ra tuyên bố khăng khăng rằng lực lượng hải cảnh Trung Quốc “luôn hành động phù hợp với luật pháp” và Trung Quốc đã có thoả thuận phù hợp cho phép ngư dân Philippines được đánh cá ở bãi cạn Scarborough trên Biển Đông “một cách vô điều kiện”. Rappler nhận định, tuyên bố này mâu thuẫn với phát biểu của Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano ngày 10/6 rằng Philippines và Trung Quốc đã triển khai thoả thuận đánh cá tạm thời trên cơ sở bình đẳng giữa các bên ở khu vực Scarborough. Nội dung tuyên bố của Đại sứ quán còn nêu: “quan hệ Trung – Phi đang trên đà phát triển tích cực, Trung Quốc có một quyết tâm rõ ràng và kiên định trong việc củng cố và thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước”, đồng thời nhấn mạnh: “hải cảnh Trung Quốc đã liên tục bảo vệ hoà bình, trật tự và ổn định tại các vùng biển liên quan cũng nhau đã nhiều lần hỗ trợ nhân đạo cho các ngư dân của Philippines”. Đại sứ quán cũng cho biết: “dù chưa rõ thông tin mà báo chí đề cập đúng hay sai song phía Trung Quốc đang tiến hành điều tra một cách nghiêm túc. Nếu phía Philippines xác nhận thông tin là có thật, các cơ quan của Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề trên tinh thần nghiêm túc”.
Trước đó, ngày 11/6, tại cuộc họp báo của Phủ Tổng thống, ngư dân hoạt động tại bãi cạn Scarborough tên là Rommel Sihuela đã xác nhận rằng Trung Quốc đã kiểm soát bãi cạn này khi mà nước này có động thái “cho phép” các ngư dân của Philippines đánh cá ở đây, khi quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đang tốt đẹp.
Ngoại trưởng Trung Quốc yêu cầu các nước bên ngoài không gây phức tạp tình hình Biển Đông
Trang CGTN của Trung Quốc cho hay, ngày 12/6, sau cuộc gặp với ông Lim Jock Hoi, Tổng thư ký ASEAN nhân dịp hai bên tổ chức kỷ niệm quan hệ hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và ASEAN lần thứ 15, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết tình hình Biển Đông đang lắng dịu song chỉ có thể được duy trì nếu các nước bên ngoài kiềm chế “khuấy động” vấn đề. Ngoài ra, ông Vương Nghị khẳng định: “vòng tham vấn mới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông sẽ được tổ chức tại Trung Quốc vào cuối tháng này. Trung Quốc tin tưởng rằng sẽ có những tiến triển mới thông qua việc ký kết COC”. Ông cho biết: “trước hết, Trung Quốc và ASEAN sẽ dự thảo và ký kết văn kiện Tầm nhìn năm 2030 về Kế hoạch Hợp tác chiến lược nhằm đặt mục tiêu trung hạn và dài hạn nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. Sau đó, hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy sâu hơn nữa quan hệ hợp tác được đổi mới”. Đáng chú ý, ông Vương khẳng định: “2018 là Năm Đổi mới sáng tạo Trung Quốc – ASEAN và Trung Quốc tin tưởng rằng thông qua sự đổi mới sáng tạo, hai bên sẽ tìm ra những cơ hội mới để mở rộng hợp tác” và “Trung Quốc sẽ tăng cường những nỗ lực nhằm thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc cùng với kế hoạch Kết nối ASEAN năm 2025” để “tạo ra những triển vọng tăng trưởng và hợp tác mới cho tất cả các bên”.
Báo cáo của Quốc hội Mỹ về các tranh chấp biển của Trung Quốc
Ngày 12/6, trang USNI News đăng Báo cáo “Tranh chấp về biên giới biển và vùng đặc quyền kinh tế liên quan đến Trung Quốc: những vấn đề đối với Quốc hội Mỹ” của Ban Nghiên cứu Quốc hội Mỹ được công bố ngày 24/5/2018.
Báo cáo cho biết, ngoài những hành động củng cố các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông nhằm kiểm soát khu vực, ảnh hưởng đến các lợi ích chiến lược, chính trị và kinh tế của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và các nơi khác, Trung Quốc cũng có mặt trong một tranh chấp với Mỹ có liên quan tới vấn đề rằng liệu Trung Quốc có hay không quyền đặt ra quy định đối với các hoạt động của lực lượng quân sự nước ngoài hoạt động trong khu vực EEZ theo luật quốc tế. Báo cáo cho rằng tranh chấp này luôn là trung tâm của các vụ việc giữa các tàu và máy bay của Trung Quốc và Mỹ tại các vùng biển và không phận quốc tế trong suốt những năm 2001, 2002, 2009, 2013 và 2014.
Những hành động của Trung Quốc nhằm củng cố và bao biện cho các yêu sách lãnh thổ trên biển cũng như tại EEZ của nước này trên Biển Đông và Biển Hoa Đông đang làm nổi lên một số vấn đề về chính sách và quản lý đặt ra với Quốc hội Mỹ, trong đó có vấn đề rằng Mỹ liệu có hay không không có một chiến lược toàn diện nhằm đối phó với chiến lược “cắt lát” của Trung Quốc, liệu Mỹ có đưa ra hành động nhằm giảm thiểu những rủi ro mà Mỹ có thể gặp phải khi bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng hay xung đột phát sinh do tranh chấp lãnh thổ liên quan tới Trung Quốc hay không và liệu Mỹ có nên trở thành thành viên của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 hay không.
Báo cáo cũng đề cập đến thành tố nằm trong lập trường của Mỹ đối với các tranh chấp lãnh thổ và EEZ tại khu vực phía Đông Thái Bình Dương (bao gồm các tranh chấp liên quan đến Trung Quốc) gồm: (i) Mỹ ủng hộ nguyên tắc rằng các tranh chấp giữa các quốc gia cần được giải quyết một cách hoà bình, không cưỡng ép, đe doạ hay sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, (ii) Mỹ ủng hộ nguyên tắc tự do hàng hải và việc sử dụng hải phận, không phận phù hợp với luật quốc tế, đảm bảo cho tất cả các quốc gia, phản đối các yêu sách làm tổn hại đến các quyền, tự do và sử dụng hợp pháp các vùng biển thuộc về mọi quốc gia, (iii) khẳng định Mỹ không có lập trường nào đối với các yêu sách đối kháng chủ quyền trên các cấu trúc tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông…