Yan Yan, chuyên gia Luật Biển quốc tế của Viện Nghiên cứu Nam Hải (Trung Quốc) ghi nhận chính phủ nước bà rất quan tâm đến phán quyết về Biển Đông.
Bà Yan Yan, chuyên gia của Trung Quốc. Ảnh: Europeansting.
Sáng 11/6 tại Hà Nội đã diễn ra “Đối thoại Biển lần thứ Ba về ‘Luật Quốc tế và Biển Đông’” với sự tham gia của các học giả Việt Nam, Philippines và Trung Quốc.
Diễn giả Trung Quốc tham gia “Đối thoại Biển lần thứ 3” này là Tiến sĩ Yan Yan, chuyên gia Luật Biển quốc tế của Viện Nghiên cứu Nam Hải, Trung Quốc.
Bà Yan Yan cho biết, trên thực tế, Trung Quốc vẫn quan tâm phán quyết của tòa PCA, vẫn chú ý đến áp lực từ bên ngoài (như là từ Mỹ) để có đối sách và ứng xử thích hợp bảo vệ lợi ích của họ.Tại cuộc đối thoại này, bà Yan Yan thừa nhận: Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố phủ nhận giá trị pháp lý và tính ràng buộc pháp lý của phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế ( PCA ) về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và nói rằng họ không quan tâm đến phán quyết này, nhưng theo quan sát của riêng bà, chính phủ nước này vẫn không phớt lờ phán quyết.
Ngoài ra, bà Yan Yan còn nhận xét rằng xuất phát từ thực tế, Trung Quốc đang có dấu hiệu cởi mở hơn với vấn đề quốc tế hóa Biển Đông.
Trong khi đó Giáo sư Herman J. Kraft thuộc Khoa Quan hệ Quốc tế. Đại học Philippines, khẳng định không nước nào có thể phớt lờ phán quyết của PCA và phán quyết đó đã trở thành một phần của luật quốc tế.
Học giả Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Thao – Phó Chủ tịch Ủy ban Luật Quốc tế của Liên Hợp Quốc, nêu quan điểm có thể có những hợp tác, sáng kiến trung gian ở vùng Biển Đông nhưng tất cả đều phải dựa trên luật pháp quốc tế. Ông cũng khẳng định rằng phán quyết PCA đã bác bỏ “đường 9 đoạn ” phi lý của Trung Quốc.
Giáo sư Kraft cho biết, sau phán quyết PCA, đã nảy sinh vấn đề thực thi và có câu chuyện bắt tay hợp tác giữa Philippines và Trung Quốc. Ông Kraft nói, phán quyết là rõ ràng nhưng có những bên giải thích nó theo những cách khác nhau. Ông cho rằng, các bên có thể xuất phát từ những hợp tác song phương trên tinh thần 2 bên cùng thắng trong các vấn đề chung toàn cầu như bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từ đó tiến tới giải quyết những bất đồng tại Biển Đông.
Liên quan đến việc xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), Tiến sĩ Yan Yan của Trung Quốc cũng nêu ý tưởng của bà là cần có một cơ chế giám sát COC, có thể là thành lập một ủy ban giám sát COC – đây có thể là cơ quan liên chính phủ hoặc tổ chức quốc tế.
Cuộc đối thoại nói trên do Học viện Ngoại giao Việt Nam, Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) tại Việt Nam và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phối hợp tổ chức.