Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnKỹ năng đàm phán không 'lép vế' trước Trump của Kim Jong-un

Kỹ năng đàm phán không ‘lép vế’ trước Trump của Kim Jong-un

Kim Jong-un đã cho thấy ông là một nhà đàm phán có bản lĩnh và khôn khéo khi không thể hiện sự “lép vế” trước Donald Trump.

Đối với một lãnh đạo 34 tuổi mới chỉ thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên cách đây vài tháng, Kim Jong-un hôm 12/6 thực sự đã thể hiện rõ bản lĩnh đàm phán của mình trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore, theo South China Morning Post. Ông khiến giới quan sát phải bất ngờ với các chiến lược khôn ngoan trước thời điểm bước vào bàn đàm phán và hội nghị thượng đỉnh ở Singapore càng làm nổi bật thêm ấn tượng đó.

Khôn khéo và tinh tế

Trước một Donald Trump nổi danh là khó lường mang phong cách như ngôi sao truyền hình, Kim Jong-un đã khéo léo né tránh được việc đề cập tới chuyện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên “hoàn toàn, có thể xác nhận và không thể đảo ngược” (CVID) trong tuyên bố chung sau hội nghị mà không gây ra bất kỳ tình huống đối đầu nào. Thay vào đó, ông và Tổng thống Mỹ đã ký một thỏa thuận tương đối mơ hồ, chỉ nhất trí “hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn”.

“Chắc chắn việc không bao gồm CVID trong thỏa thuận là điều kiện từ Kim Jong-un”, một quan chức cấp cao Hàn Quốc nhận định. Theo ông, bất cứ sự đề cập nào tới CVID đều sẽ khiến Triều Tiên rơi vào thế bị kiểm soát chặt chẽ hơn nhiều.

CVID là một trong những điểm tranh cãi lớn nhất ở các cuộc đàm phán tiền hội nghị giữa Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim, người dẫn đầu phái đoàn tiền trạm Mỹ tới Singapore thảo luận cùng các quan chức Triều Tiên, và Thứ trưởng Triều Tiên Choe Son-hui. Hai bên chỉ có thể đi đến đồng thuận cuối cùng khi Washington nhượng bộ trước Bình Nhưỡng và chấp nhận loại CVID khỏi nội dung đàm phán.

Kim Jong-un (trái) và Donald Trump cùng rời phòng hội nghị sau lễ ký kết thỏa thuận ngày 12/6 ở khách sạn Capella, trên đảo Sentosa, Singapore. Ảnh: AFP.

Kim Jong-un (trái) và Donald Trump cùng rời phòng hội nghị sau lễ ký kết thỏa thuận ngày 12/6 ở khách sạn Capella, trên đảo Sentosa, Singapore. Ảnh: AFP.

Kim Jong-un lâu nay vẫn theo đuổi cách tiếp cận “hành động đổi hành động” trong vấn đề hạt nhân. Phương pháp này yêu cầu cộng đồng quốc tế phải thỏa hiệp và bù đắp cho Bình Nhưỡng trước mỗi bước họ đi trên con đường từ bỏ vũ khí hạt nhân, thay vì chờ đến khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn mới trao “phần thưởng” kinh tế.

Giới phân tích đánh giá Kim Jong-un, người trước đây vẫn thường được miêu tả như một lãnh đạo “mất trí”, đã cho thấy ông là nhà đàm phán khôn ngoan và kỷ luật trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ.

Khoảng 9h ngày 12/6, Kim Jong-un bước đi với một tốc độ chậm rãi, vừa phải, mặc bộ quần áo mang phong cách Mao Trạch Đông quen thuộc, bước vào phòng hội đàm với Trump.

Ông bắt tay Tổng thống Mỹ. Người vốn nổi tiếng với phong cách bắt tay đầy uy lực, lấn át đối phương như Trump trong lần này lại không thể hiện bất kỳ động thái thị uy nào.

Kim Jong-un không tỏ ra quá lo lắng hay hồi hộp. Lãnh đạo Triều Tiên cũng không cố tìm cách né tránh giao tiếp bằng ánh mắt với Trump, người lớn gấp đôi tuổi ông và cao hơn ông tới 20 cm.

Trái lại, Kim Jong-un thậm chí còn vỗ vào tay Trump, một cử chỉ tinh tế nhằm ngụ ý rằng ông có vị thế ngang bằng với Tổng thống Mỹ, và chào Tổng thống Mỹ bằng tiếng Anh. “Rất vui được gặp ngài, ngài Tổng thống”, ông nói.

 Kim Jong-un và Trump vừa đi dạo vừa nói chuyện sau bữa trưa.

Một nghị sĩ Hàn Quốc thuộc đảng Dân chủ cầm quyền nhận xét mọi cử chỉ, hành động của Kim Jong-un dường như đều cho thấy ông đã tập luyện khá kỹ càng. “Trông có vẻ như Kim đã được hướng dẫn và thậm chí tập luyện rất nhiều cho giây phút ấy”, người này nói.

Ngoài cuộc gặp riêng với Tổng thống Trump, Kim Jong-un còn gây ấn tượng với giới quan sát trong cuộc họp mở rộng bên cạnh các quan chức từ cả hai bên. Tháp tùng lãnh đạo Triều Tiên có Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Kim Yong-chol, Ngoại trưởng Ri Yong-ho và Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của đảng Lao động Ri Su-yong. Trong khi đó, ngồi cùng Tổng thống Trump là Ngoại trưởng Mike Pompeo, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.

Lãnh đạo Triều Tiên bắt tay Tổng thống Mỹ trong cuộc gặp riêng. Ảnh: Reuters.

Lãnh đạo Triều Tiên bắt tay Tổng thống Mỹ trong cuộc gặp riêng. Ảnh: Reuters.

Kim Jong-un đã thể hiện bản thân là một lãnh đạo đúng mực khi bày tỏ “biết ơn” tới Tổng thống Trump, giống như bất kỳ nguyên thủ từ một “quốc gia bình thường” nào khác.

“Chúng tôi chuẩn bị ký một văn bản mà sẽ giúp chúng tôi bỏ quá khứ lại phía sau để mở ra một khởi đầu mới”, Kim Jong-un tuyên bố trước khi dự lễ ký kết thỏa thuận với Tổng thống Mỹ.

Đây không phải lần đầu tiên bản lĩnh cùng sự khôn khéo trong ngoại giao được nhìn thấy ở Kim Jong-un. Tại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi cuối tháng 4, ông đã ngỏ ý muốn “tới thăm” dinh tổng thống Hàn Quốc ở Seoul, một cử chỉ nhỏ nhằm xua tan cảm giác xa cách, đồng thời thay đổi ấn tượng của công chúng rằng ông là lãnh đạo non kém, tham lam quyền lực.

Kim Jong-un đã cố gắng làm mềm hình ảnh của mình ở Singapore bằng chuyến tham quan vào đêm ngay trước thềm hội nghị. Ông và đoàn tùy tùng tới thăm khách sạn sòng bài Marina Bay Sand, lên tới tầng 57 để ngắm nhìn phong cảnh.

Tươi cười trước ống kính camera và vẫy tay chào truyền thông lẫn du khách, Kim Jong-un tỏ ra thân thiện và thoải mái, khiến đám đông cũng phải cười và vẫy tay lại với ông.

Theo Michael Kovrig, cố vấn cấp cao về Đông Bắc Á tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, việc đi ngắm cảnh “là điều bất thường đối với một lãnh đạo Triều Tiên” nhưng Kim Jong-un đã tận dụng nó rất tốt để bước đầu tạo bầu không khí hòa giải và phục vụ mục đích ngoại giao.

“Tôi nghĩ Kim muốn chiếm thiện cảm của tất cả mọi người nhằm lôi kéo sự đồng cảm đối với cá nhân ông và cả đất nước Triều Tiên như một phần trong nỗ lực nhằm làm suy yếu ý chí kiên quyết áp đặt trừng phạt của quốc tế”, Kovrig bình luận. “Kim có lẽ thực sự muốn tái gia nhập cộng đồng các nước và phát triển kinh tế quốc gia”.

Song một số nhà phân tích cho rằng còn quá sớm để kết luận liệu Kim Jong-un có đủ khả năng để dẫn dắt Triều Tiên trở lại cộng đồng quốc tế với tư cách một “đất nước bình thường” hay không.

RELATED ARTICLES

Tin mới