Lầu Năm Góc tái khẳng định các cam kết an ninh “cứng rắn” sau khi Tổng thống Donald Trump đột ngột thông báo ngừng tập trận chung với Hàn Quốc.
Tuyên bố ngừng “trò chơi chiến tranh” được Tổng thống Trump đưa ra sau hội nghị lịch sử với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ngày 12/6 ở Singapore. Động thái này được đánh giá là một nhượng bộ lớn trước Bình Nhưỡng, và dường như khiến các đồng minh của Mỹ trong khu vực bất ngờ.
Trong khi đó, báo chí nhà nước Triều Tiên thông báo Chủ tịch Kim đã chấp nhận lời mời ông tới Mỹ của Tổng thống Trump. Theo hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA), ông Kim cũng mời ông Trump thăm Bình Nhưỡng “vào một thời điểm thích hợp”.
Trong những bình luận đầu tiên sau cuộc gặp với lãnh đạo Mỹ, Chủ tịch Kim nói điều “cấp thiết” là phải ngừng “các hành động quân sự thù địch và kích động chống lại nhau”. Ông nhấn mạnh, hai nước cần có các bước đi pháp lý để đảm bảo điều đó.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều dạo bộ ở khách sạn Capella, Singapore, khi gặp thượng đỉnh ngày 12/6. (Ảnh: Reuters) |
Hội nghị Trump – Kim tập trung chủ yếu vào giải giáp hạt nhân và giảm bớt căng thẳng khu vực. Kết thúc hội nghị, hai ông đã ký kết một văn kiện chung. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Trump bất ngờ đưa ra một thông báo ít ai ngờ: hủy các cuộc tập trận, thường được gọi là “trò chơi chiến tranh”. Chúng được tổ chức ở Hàn Quốc với thành phần tham dự là các lực lượng quân sự nước sở tại và binh lính Mỹ đồn trú tại đó.
Tổng thống Trump cũng tuyên bố muốn đưa lính Mỹ về nước dù không nêu cụ thể khung thời gian. Ông mô tả các cuộc tập trận là “khiêu khích” – dù trước kia Mỹ khẳng định bản chất chỉ là phòng thủ.
Nhiều ý kiến cho rằng các đồng minh của Mỹ đã không được khuyến cáo trước về động thái này. Nhà Xanh, tức Phủ Tổng thống Hàn Quốc, nói nước này cần “xác định các ý định hoặc ý nghĩa chính xác” tuyên bố của ông Trump. Reuters đưa tin, Tổng thống Moon Jae In đã điện đàm với nhà lãnh đạo Mỹ 20 phút ngày 12/6, nhưng một bản ghi chính thức về cuộc gọi không hề nhắc đến tập trận chung.
Trước hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói với các phóng viên rằng ông không tin chuyện quân số được đưa vào nghị trình.
Trong một thông cáo gửi cho BBC, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dana White khẳng định: “Các liên minh của chúng tôi vẫn rất cứng rắn, và đảm bảo hòa bình cũng như an ninh trong khu vực”.
Trong một loạt thông điệp trên Twitter ngày 12/6, Tổng thống Trump nhấn mạnh “không có giới hạn” với những gì Triều Tiên có thể đạt được nếu từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông cảm ơn Kim Jong Un “đã có bước đi mạnh mẽ đầu tiên hướng tới một tương lai mới tươi sáng cho người dân của mình”, đồng thời tuyên bố thế giới vừa có “một bước lùi lớn khỏi thảm họa hạt nhân tiềm tàng”.
Mỹ hiện có khoảng 30.000 lính đóng tại Hàn Quốc. Mỗi năm một lần, nước này điều thêm quân – thường là từ căn cứ ở đảo Guam – tới để thực hiện các cuộc tập trận chung quy mô lớn. Phía Triều Tiên coi thực tế đó là một màn diễn tập xâm lược, nhưng chính phủ ở Seoul khẳng định chúng mang bản chất phòng thủ.