Wednesday, January 8, 2025
Trang chủBiển nóngTQ đưa thêm tên lửa tầm xa ra Biển Đông

TQ đưa thêm tên lửa tầm xa ra Biển Đông

Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch đáp trả tham vọng bá chủ của Trung Quốc tại Biển Đông, theo Washington Free Beacon.

Quân đội Trung Quốc đang đẩy mạnh quân sự hóa các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông bằng cách triển khai các hệ thống tên lửa tiên tiến trên quần đảo Trường Sa, theo Lầu Năm Góc, tức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

Các quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ với Washington Free Beacon (WFB) rằng việc quân sự hóa của Bắc Kinh làm dấy lên những lời cảnh báo về việc Trung Quốc đang chiếm cứ tuyến đường thủy chiến lược của hoạt động thương mại quốc tế.

Các quan chức đang xem xét báo cáo chi tiết của Bộ Quốc phòng Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Đây là báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc trình Nghị viện Hoa Kỳ và dự kiến ​​sẽ được công bố trong tương lai gần.

Một quan chức cấp cao cho biết: “Trung Quốc đang tiếp tục triển khai dần dần các thiết bị quân sự cho các tiền đồn ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp”.

“Các hoạt động triển khai này liên quan đến việc cung cấp thiết bị gây nhiễu quân sự cũng như hệ thống tên lửa chống hạm và máy bay tiên tiến cho các tiền đồn”.

Các loại vũ khí đáng lo ngại nhất là tên lửa, theo WFB.

“Hệ thống tên lửa là những vũ khí dựa trên mặt đất có nhiều khả năng sẽ được triển khai bởi Trung Quốc ở Biển Đông”, WFB cho biết thông tin từ một viên chức Hoa Kỳ.

Các tên lửa được lắp đặt là YJ-12B, tên lửa hành trình chống hạm, tạo điều kiện cho quân đội Trung Quốc có khả năng đánh chặn tàu trong vòng 540km, đủ để bắn tới các tàu chiến Mỹ thường xuyên đi lại để thực hiện quyền tự do hàng hải trên Biển Đông.

Trường SaTầm bắn của tên lửa tầm xa YJ-12B từ tiền đồn của Trung Quốc tại Trường Sa. (Ảnh: Rreebeacon)

Lầu Năm Góc đã tăng cường đưa các tàu chiến của Hải quân Mỹ tới gần các hòn đảo tranh chấp như là một phần của chính sách khẳng định quyền tự do hàng hải quốc tế.

Trong hoạt động gần đây nhất vào ngày 27/5, hai tàu tuần dương USS Antietam và tàu khu trục USS Higgins đi gần các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Khi đó, các tàu hải quân Trung Quốc yêu cầu các tàu ra khỏi khu vực nhưng không thành công.

Cách đây vài năm, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) đã phát hiện những tên lửa đầu tiên trên Biển Đông. Vào thời điểm đó, các tên lửa được đánh giá là loại tầm ngắn và là tên lửa chống tàu ven biển với phạm vi vài km.

Trường SaLầu Năm Góc cho biết Trung Quốc có thể đã mang tên lửa tầm xa YJ-12Bs ra Trường Sa. (Ảnh: CNBC)

Tuy nhiên, DIA đã báo cáo nội bộ rằng các bệ phóng tên lửa đều có thể được dành cho các tên lửa chống hạm tầm xa, một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã lên kế hoạch thay thế các hệ thống tên lửa.

Điều đó dường như đã trở thành sự thực khi Bắc Kinh triển khai tên lửa YJ-12Bs.

Lầu Năm Góc cũng đã phát hiện các tên lửa phòng không HQ-9A hoặc HQ-9B, đều là các tên lửa đất đối không với phạm vi lên đến gần 200km.

Tên lửa HQ-9 có khả năng bắn hạ máy bay, các phương tiện trên không không người lái và tên lửa hành trình.

Biển ĐôngHệ thống phòng thủ tên lửa Hongqi-9 của Trung Quốc. (Ảnh Reuters)

Hải quân Hoa Kỳ gần đây đã thách thức Trung Quốc khi đưa 2 máy bay ném bom hạt nhân B-52 áp sát các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông.

Hai chiếc B-52 được phái đi từ căn cứ hỗ trợ Hải quân Diego Garcia ở Ấn Độ Dương và bay gần Biển Đông vào ngày 5/6.

Hai ngày trước đó, một nhóm B-52 khác từ Căn cứ Không quân Mỹ trên đảo Guam, đã bay đến Ấn Độ Dương.

Hôm thứ Tư, hai chiếc B-52 khác bay từ đảo Guam đến Biển Đông, đi qua gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở phía bắc Đài Loan. 

Viên chức quốc phòng cho biết các tên lửa vẫn còn tồn tại trên quần đảo Trường Sa.

Fox News cho biết, Trung Quốc đã loại bỏ tên lửa phòng không ra khỏi đảo Phú Lâm. Tuy nhiên, tờ South China Morning Post tuần này cho biết các tên lửa đã được đưa trở lại.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 90% diện tích Biển Đông dù toà án quốc tế ở La Hay đã bác bỏ cơ sở pháp lý cho yêu sách này vào tháng 7/2016.

Các bên khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông gồm Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Brunei, Malaysia.

RELATED ARTICLES

Tin mới