Sunday, November 24, 2024
Trang chủĐàm luậnCách nhìn của Nga trong quan hệ Mỹ - Triều

Cách nhìn của Nga trong quan hệ Mỹ – Triều

Một kịch bản u ám được nêu ra là Mỹ sẽ “thua” trong các vòng đàm phán tiếp theo với Triều Tiên và căng thẳng có thể gia tăng trở lại.

“Tất cả đều thua”

Bất chấp những phản ứng chính thức tích cực từ Moscow, giới phân tích Nga vẫn chỉ ra những thất bại trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vừa diễn ra ở Singapore hôm 12/6.

Trang mạng của Câu lạc bộ Valdai của Nga đăng bài viết của chuyên gia Andrei Lankov cho rằng “tất cả đều đã thua” trong cuộc gặp có tính chất lịch sử này.

Giáo sư Lankov cho rằng đã không có một nhượng bộ nào đáng kể được thực hiện. Văn kiện song phương đã không nói lên điều gì cụ thể, không nói tới các bước đi từ phía Triều Tiên để giảm tiềm năng hạt nhân và tên lửa. Điều duy nhất chỉ đề cập đến việc tìm kiếm các binh lính Mỹ thiệt mạng tại Triều Tiên trong cuộc chiến.

Theo ông, thật khó giải vì sao ở vào tình thế bất lợi mà Triều Tiên vẫn lật ngược được thế cờ với Mỹ. Theo giáo sư người Nga, Triều Tiên đã thắng trọn vẹn hiệp đấu này.

Ngược lại, đây là thất bại khổng lồ của nền ngoại giao Mỹ và cụ thể là nền ngoại giao của Tổng thống Trump, người nắm mọi con bài trong tay song lại không đạt được gì cả.

Tuy vậy, ông Lankov cho rằng Nga cũng không thể vui mừng trước thất bại đó của Mỹ cho dù có bị cám dỗ đến đâu. Lợi ích của Nga là hạn chế, hoặc tốt hơn là ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore được cho là đã giáng một đòn mạnh vào cơ chế không phổ biến hạt nhân mà Nga quan tâm nhiều hơn cả Mỹ do trong 5 cường quốc hạt nhân thì Nga có GDP khiêm tốn nhất và, theo đó, phương diện sức mạnh quân sự đối với Nga quan trọng hơn là đối với Trung Quốc hay Mỹ.

Nga không thể vui khi tại Singapore do hành động khó hiểu mà cơ hội hạn chế tiềm năng hạt nhân của Triều Tiên đã bị bỏ qua. Ngoài ra, viễn cảnh các cuộc đàm phán bổ sung sẽ kéo dài cũng khiến chuyên gia Nga không hài lòng.

Một kịch bản u ám được nêu ra là Mỹ sẽ “thua” trong các vòng đàm phán tiếp theo. Khi Tổng thống Trump mãn nhiệm, cùng với nhân tố đe dọa và lo ngại về khả năng sử dụng vũ lực gia tăng, tình thế có thể giống như năm 2017.

Điều đó có nghĩa là, Triều Tiên sẽ tích cực phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa, lần này còn vượt trên cả mức cần thiết để đảm bảo quốc phòng, một lần nữa lại tạo ra tiền lệ nguy hiểm và tăng khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa.

Nga lo My 'thua' Trieu Tien?
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên ký tuyên bố chung sau cuộc gặp

Xuất phát từ những đánh giá trên, giáo sư Lankov kết luận rằng tất cả đều vừa thua cuộc.

Phân tích của giáo sư người Nga có cơ sở bởi chính giới chuyên gia Mỹ cũng thừa nhận những khó khăn trước mặt dù khía cạnh tích cực của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều là hai nhà lãnh đạo lần đầu tiên ngồi cùng nhau và đưa ra cam kết hòa bình và phi hạt nhân hóa.

Theo giới phân tích Mỹ, tuyên bố chung quá sơ sài, vì vậy, trong quá trình Mỹ và Triều Tiên cùng theo đuổi phi hạt nhân hóa này, sẽ nảy sinh một số vấn đề thực sự hóc búa, trong đó có việc liệu Triều Tiên có đặt kỳ vọng được công nhận là một cường quốc hạt nhân hòa bình hay không.

Chứng nào Bình Nhưỡng chưa trình bày cụ thể định nghĩa phi hạt nhân hóa thì sẽ không thể dự đoán khi nào có thể đạt được một thỏa thuận thực sự với Triều Tiên.

Nga nhìn thấy cơ hội

Một ngày sau sự kiện ở Singapore, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov ngày 13/6 cho biết Moscow hoan nghênh cuộc gặp chưa từng có giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un như một sự khởi đầu đối thoại trực tiếp.

Ông Peskov cho rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiêu cho thấy không có lựa chọn nào khác ngoài biện pháp chính trị để giải quyết tình hình trên bán đảo Triều Tiên và biện pháp duy nhất là đối thoại trực tiếp.

Theo ông Peskov, kết quả cuộc gặp còn cần phải được phân tích nhưng việc diễn ra cuộc gặp như vậy và đối thoại trực tiếp được bắt đầu là những điều đáng hoan nghênh, bởi cho dù kết quả thế nào cũng đã giúp giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đẩy tình hình ra khỏi điểm nguy hiểm.

Người phát ngôn của Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh trong tình hình phức tạp như vậy không nên kỳ vọng giải quyết ngay lập tức một loạt vấn đề tồn tại.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng lên tiếng ủng hộ việc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Lavrov kêu gọi cần phải chú ý tới thuật ngữ khi thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

 
Tổng thống Trump từng đe dọa trút “lửa và thịnh nộ” lên Triều Tiên

Ông Lavrov lưu ý nhiều nhà bình luận tuyên bố cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đã đạt được thỏa thuận về phi hạt nhân hóa Triều Tiên trong khi cả Bình Nhưỡng, Moscow, Bắc Kinh và cộng đồng quốc tế đều nói về việc phi hạt nhân hóa “hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên, và đây là “khác biệt quan trọng”.

Nhà ngoại giao Nga cho rằng các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên không thể giải quyết chỉ trong khuôn khổ các cuộc gặp song phương Mỹ-Triều, mà sẽ mất nhiều thời gian, đồng thời bày tỏ hy vọng Mỹ và Triều Tiên có đủ kiên nhẫn.

Trong khi đó, tờ Quan điểm của Nga cho rằng cuộc gặp tại Singapore chỉ là “đòn” mà ông Trump “chơi lại” phe toàn cầu hóa, những người đã thổi phồng “con quái vật” Triều Tiên. Ông Trump đã bẻ cuộc chơi sang hướng có lợi cho mình, vì lý do đơn giản là cuộc bầu cử sắp đến.

Tháng 11 tới, Mỹ sẽ tiến hành bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, và ông Trump cần một chiến thắng của các ứng cử viên ủng hộ mình. Theo báo Nga, một chiến thắng của những người ủng hộ sẽ giúp ông Trump “trở thành tổng thống đúng nghĩa, thoát khỏi vòng kiềm kẹp của giới có ảnh hưởng”.

 
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp quan chức cấp cao Triều Tiên Kim Yong-nam tại Moscow

Không những thế, tờ báo Nga còn dự đoán rằng chiến thắng trong bầu cử quốc hội và rảnh tay với các chương trình trong nước, ông Trump sẽ thắng vào năm 2020.

Khi đó, theo tờ Quan điểm, vấn đề Triều Tiên sẽ “lùi vào bóng tối” để nhường chỗ cho những đề tài khác như Trung Đông, châu Âu, thương mại quốc tế.

Nhưng khi đó đối thoại liên Triều có thể thực sự trở nên quan trọng và Triều Tiên có khả năng phát triển vượt bậc về kinh tế trong vòng chỉ 10 năm. Triều Tiên có tất cả tiềm năng, trước hết là lực lượng lao động và vị trí địa lý thuận lợi. Kinh nghiệm của Trung Quốc và năng lượng của Nga sẽ giúp họ phát triển ở tốc độ chóng mặt.

Vì vậy, khi chuyển lời mời thăm Nga tới ông Kim Jong-un qua Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Yong-nam, không phải tình cờ mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị kết hợp chuyến thăm với Diễn đàn Kinh tế phương Đông tại Vladivostok.

Nếu điều này diễn ra, có nghĩa là Diễn đàn sẽ tập hợp được lãnh đạo của tất cả các quốc gia chủ chốt trong khu vực – trước đó Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã xác nhận sẽ tham gia. Chỉ còn thiếu ông Donald Trump để Diễn đàn này trở thành Diễn đàn Thái Bình Dương!

RELATED ARTICLES

Tin mới