Tuesday, November 5, 2024
Trang chủĐiểm tinTQ đứng trước "đòn bẩy ngàn cân" khi Ấn Độ - Nepal...

TQ đứng trước “đòn bẩy ngàn cân” khi Ấn Độ – Nepal tái hợp thành công

Chiến thắng của ông Oli trong cuộc bầu cử được kỳ vọng là sẽ đưa quan hệ Trung Quốc – Nepal lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra như trong kịch bản.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nepal Khadga Prasad Sharma Oli. Ảnh: Reuters

Không như kịch bản

Trong bài viết đăng tải trên SCMP, tác giả Yubaraj Ghimire nhận định: Khi Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli thực hiện chuyến công du tới Bắc Kinh vào ngày 19/6 tới, việc khôi phục thành công quan hệ với Ấn Độ có thể sẽ cho ông không gian mà ông cần để thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc.

Chuyến thăm Trung Quốc của ông Oli diễn ra sau khi ông công du New Delhi và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới thăm Nepal. Ông Modi đã hứa hẹn sẽ hoàn thiện một số dự án nổi bật của Ấn Độ tại Nepal vào 19/9, Ngày Hiến pháp của Nepal, gián tiếp công nhận hiến pháp mới của Nepal mà chính quyền ông Modi đã tìm cách ngăn cản trước đó.

Hành động phong tỏa kinh tế của Ấn Độ hồi 2015 để buộc Nepal sửa chữa hiến pháp đã châm ngòi cho làn sóng bài Ấn Độ mà ông Oli đã xuất sắc vượt qua để duy trì quyền lực. Vào giai đoạn cao điểm của cấm vận, Thủ tướng Oli đã đối đầu với Ấn Độ và thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc.

Trung Quốc đã chấp nhận đưa ra phương án tiếp cận thay thế cho Nepal qua các tuyến đường thủy và đường bộ, chấm dứt sự phụ thuộc của Nepal vào người láng giềng phía Nam – Ấn Độ. Chiến thắng của ông Oli trong cuộc bầu cử được kỳ vọng là sẽ đưa quan hệ Trung Quốc – Nepal lên một tầm cao mới.

Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra như trong kịch bản.

Có một số trở ngại chính, chủ yếu là trong quá trình tiến hành dự án thủy điện mà Trung Quốc đảm nhiệm.

“Chúng tôi sẽ điều động những nguồn lực bên trong Nepal và xây dựng dự án thủy điện Tây Seti”, Ngoại trưởng Nepal Yubaraj Khatiwada nói hồi cuối tháng trước về một dự án mà Tập đoàn Three Gorges của Trung Quốc dự kiến hoàn thiện cùng Cơ quan Điện Nepal vào 2019.

Các quan chức cho biết, hai bên đã nảy sinh nhiều bất đồng về điều khoản của dự án và Trung Quốc phàn nàn về việc thiếu “không khí làm việc phù hợp”.

Đòn bẩy cho Nepal

Sự thể hiện của ông Oli trên “mặt trận” đập thủy điện sẽ được quan sát kỹ lưỡng trong chuyến công du sắp tới. Nepal đã chuyển hướng sang Trung Quốc để phát triển các dự án thủy điện khi tìm kiếm các phương án thay thế cho các công ty Ấn Độ, vốn có tiền sử thi công dự án khá nghèo nàn với các quốc gia Nam Á láng giềng nhỏ bé.

Tây Seti là dự án lớn đầu tiên được trao cho Trung Quốc để thử nghiệm.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Pradip Gyawali, Nepal và Trung Quốc sẽ lên khung chính thức cho Thỏa thuận Thương mại Điện trong chuyến thăm của ông Oli và điều này cho thấy vốn của Trung Quốc đổ vào mảng này sẽ còn tiếp tục tăng.

Đất nước nghèo tài nguyên Nepal nuôi tham vọng tạo ra 15.000 megawatt điện trong vòng 10 năm. Quốc hội tiền nhiệm của Nepal đã đề xuất cả Trung Quốc và Ấn Độ cùng phát triển một dự án thủy điện khác, dự án Karnali-Chisapani 10.800 megawatt, tuy nhiên kế hoạch này vẫn chưa tiến triển.

Theo một quan chức trong Nội các Nepal, thái độ thúc đẩy phát triển của ông Oli cho thấy ông không muốn chờ đợi và nhiều khả năng sẽ tìm kiếm một sự tham gia lớn hơn từ Trung Quốc.

Hiện Bắc Kinh đã đảm trách 15 dự án ở Nepal, gồm 4 dự án thủy điện, 1 dự án sân bay quốc tế ở Pokhara và 14 dự án khác về đường ống.

Với mong muốn tăng cường kết nối với Trung Quốc, ông Oli coi đường sắt là ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới. Nghiên cứu ban đầu về khả năng kéo dài tuyến đường sắt từ Kyrong (Tây Tạng) qua Lumbini tới thủ đô Kathmandu đã được hoàn thành.

“Nhưng việc Trung Quốc sẽ nhượng bộ trước yêu cầu của Nepal hay kiên quyết yêu cầu chia sẻ chi phí sẽ chỉ được làm rõ trong chuyến thăm của ông Oli”, một quan chức chính phủ Nepal cho hay.

Ấn Độ lo ngại về việc Trung Quốc tham gia vào dự án Lumbini vì nó nằm ngay gần biên giới Ấn Độ – Nepal. Nước này cũng đang thúc đẩy các dự án đường sắt ở Nepal. Ông Modi đã đề nghị xây dựng một tuyến đường sắt nối Raxaul ở Bắc Ấn Độ với Kathmandu trong 5 năm thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại.

Điều này có thể khiến ông Oli tìm kiếm một thỏa thuận tương tự từ Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới