Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngAnh, Pháp "trợ chiến" Mỹ ở Biển Đông mang thông điệp gì?

Anh, Pháp “trợ chiến” Mỹ ở Biển Đông mang thông điệp gì?

Anh và Pháp đang tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông để khẳng định tự do hàng hải, thực hiện thỏa thuận chung với các nước trong khu vực, khẳng định vai trò trong an ninh quốc tế, khẳng định quan hệ đồng minh với Mỹ…

Tàu hộ vệ HMS Sutherland của hải quân hoàng gia Anh. Ảnh: Mil.

Tờ Sputnik Nga ngày 16/6 cho hay tháng 8/2018 Pháp sẽ tổ chức tập trận lớn ở Đông Nam Á, có sự tham gia của không quân. Trong tuần này, Pháp và Anh cũng tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông, ngoài 2 tàu chiến Pháp, còn có 2 tàu hộ vệ Type 23 là HMS Sutherland và HMS Argyll cùng với tàu đổ bộ HMS Albion của Anh.

Một câu hỏi đặt ra là, tại sao các nước lớn phương Tây ở tận một khu vực xa xôi lại bắt đầu tích cực hoạt động ở khu vực Biển Đông?

Chuyên gia quân sự Nga Vasilii Cashin cho rằng từ năm 2013, 2014, Pháp và Anh, hai cường quốc hải quân lớn hiện nay của châu Âu bắt đầu quan tâm hơn tới việc tăng cường hiện diện ở Biển Đông. Ngay từ giai đoạn đầu tình hình Biển Đông gay gắt hơn, Pháp và Anh đã bày tỏ mong muốn đóng vai trò nhất định đối với an ninh khu vực.

Lý do Anh can dự vào Biển Đông là “Thỏa thuận phòng thủ chung 5 nước” trước đây, thỏa thuận này do Anh, Australia, New Zealand, Singapore và Malaysia ký kết.

Pháp cũng từng bước bắt đầu mở rộng hiện diện ở các vùng biển Thái Bình Dương. Hai nước đều tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước trong khu vực, cho dù trước đây hoàn toàn không liên minh với những nước này.

Trong vấn đề Biển Đông, Anh và Pháp rõ ràng liên kết với Mỹ. Từ năm 2014, họ bắt đầu điều tàu chiến đến khu vực Biển Đông.

Người châu Âu bỏ kinh phí lớn mở rộng hiện diện quân sự ở Biển Đông không phải do họ mạnh, mà là do họ yếu, nhiệm vụ chiến lược tương đối đơn giản ở khu vực lân cận châu Âu cũng không thể tự giải quyết được.

Từ hành động liên hợp ở Libya vào năm 2011 của các nước châu Âu và chiến dịch “Mèo rừng châu Phi” (Operation Serval) ở Mali vào năm 2013 của Pháp có thể thấy, các nước lớn quân sự châu Âu cũng hoàn toàn lệ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự của Mỹ.

Những khó khăn của lực lượng vũ trang các nước châu Âu bao gồm cơ chế mua sắm vũ khí phức tạp và chi phí khổng lồ, tài chính thiếu thốn.

Chẳng hạn, tỷ lệ hoàn hảo của tàu ngầm hạt nhân lớp Rubis của Pháp được giữ bí mật, nhưng tỷ lệ hoàn hảo được công bố năm 2014 chỉ là 46,2%; không quân Pháp có 150 máy bay chiến đấu Mirage-2000 với các phiên bản khác nhau, có tỷ lệ hoàn hảo khoảng 32,9 – 41,7%, trong đó phiên bản Mirage-2000N có thể mang theo vũ khí hạt nhân thì tỷ lệ hoàn hảo chưa rõ.

Ngân sách quốc phòng của Pháp tương đương với Nga. Trong khi đó, do tình hình trang bị hải quân xấu đi, năm 2017 Anh đã rơi vào tình cảnh không có tàu ngầm đa năng nào có thể ra khơi ngay lập tức.

Đồng thời, các nước Tây Âu không hưởng ứng lời kêu gọi gia tăng chi tiêu quân sự của Mỹ, nhưng lại cho Mỹ mở rộng hiện diện quân sự và “ngăn chặn Nga”. Vậy tại sao người châu Âu vốn ngày càng không tự bảo vệ lại bỏ ra nhiều tiên để điều lực lượng quân sự đến khu vực khác?

Các nước Tây Âu không thể làm thay đổi cân bằng sức mạnh quân sự của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Anh và Pháp có thể điều tàu chiến đến Tây Thái Bình Dương, nhưng tàu chiến của họ đã cơ bản cũ kỹ và trang bị không tốt khi so sánh với tàu chiến của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nếu khu vực Thái Bình Dương nổ ra xung đột quân sự nghiêm trọng, những tàu chiến này sẽ khó có thể chiến đấu.

Điều có thể giải thích duy nhất là, triển khai hiện diện quân sự ở Biển Đông có thể khẳng định được vai trò của Anh và Pháp trong an ninh quốc tế, đồng thời tăng cường khả năng đối thoại với MỹChiến lược hiện nay của các nước châu Âu rất kỳ lạ:

Hạn hẹp về ngân sách quốc phòng nhưng lại sử dụng nguồn lực khan hiếm để triển khai lực lượng quân sự ở Thái Bình Dương. Họ quan tâm đến lợi ích của châu Âu, theo đó họ sẵn sàng làm phức tạp hóa quan hệ với Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới