Saturday, November 30, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNgười Việt bỏ 17 tỷ đồng/ngày mua rau quả TQ

Người Việt bỏ 17 tỷ đồng/ngày mua rau quả TQ

Nghịch lý hoa quả Việt để thối, người Việt chi 58 tỷ đồng mua đồ Trung Quốc, Thái Lan mỗi ngày.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, sau 5 tháng kim ngạch nhập rau quả cả nước là hơn 600 triệu USD, tương đương 13.600 tỷ đồng, tăng hơn 110 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Hai thị trường nhập rau quả cao nhất về Việt Nam là Thái Lan và Trung Quốc với kim ngạch đạt hơn 384 triệu USD, chiếm hơn 64% tổng kim ngạch nhập mặt hàng này tại Việt Nam.

Bình quân mỗi ngày người Việt chi hơn 58 tỷ đồng để mua rau quả của Thái Lan và Trung Quốc, trong đó riêng hoa quả Thái Lan vào khoảng 41 tỷ đồng.

Dẫu nhập khẩu rau quả Trung Quốc không nhiều như Thái Lan nhưng mỗi ngày người Việt cũng chi khoảng 17 tỷ đồng để mua các loại bắp cải, cà rốt, su hào, súp lơ, khoai tây; các loại hoa quả đầu mùa là mận, táo, lê, dưa vàng, lựu, nho và quýt siêu ngọt.

Đường đi của rau quả Trung Quốc phần lớn là tiểu ngạch, bán đổ sang các chợ đầu mối và được thương lái Việt Nam xé lẻ về các chợ nhỏ, len lỏi đến các vùng nông thôn và có giá rẻ.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong năm 2017, Việt Nam nhập tới 7.210 tấn dưa từ thị trường Trung Quốc, trong đó, dưa lưới vàng 3.710 tấn, dưa lưới xanh 3.000 tấn, dưa lê nhập 500 tấn.

Sang 2018, 5 tháng đầu năm, lượng dưa Trung Quốc đổ về cũng lên tới gần 650 tấn các loại.

Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, sản phẩm khi nhập vào thị trường Việt Nam đều được kiểm định. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương đã gắn mác hàng Việt vào dưa Trung Quốc để dễ bán hàng.

Đáng nói là sản phẩm rau quả Việt như dưa hấu, dưa lê, dứa, vải thì ngập tràn và giá rẻ vẫn “ế” thì người Việt lại bỏ tiền tới chục tỷ đồng mỗi ngày để mua rau quả Trung Quốc vốn lẫn lộn về chất lượng.

Tại thị trường nông sản trong nước, chỉ tính trong 3 tháng đầu năm nay, cộng đồng đã phải giải cứu nông sản hai lần, trong đó có chuối ở Đồng Nai và dưa hấu ở Quảng Ngãi.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, nguyên nhân chính khiến trái cây Việt thất thế trên sân nhà là do người tiêu dùng còn e ngại về chất lượng trái cây trong nước. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu còn hạn chế khiến trái cây Việt chưa đến được với người tiêu dùng. Ngoài ra, mẫu mã trái cây ngoại vượt trội hẳn so với trái cây Việt nên thường được lựa chọn nhiều vào những dịp lễ, Tết…

Một thực trạng nữa là, không ít người tiêu dùng trong nước cảm thấy bị xúc phạm khi doanh nghiệp làm ra những sản phẩm tốt, chất lượng cao thì đem xuất khẩu, còn hàng lỗi, hàng kém chất lượng thì đưa về thị trường nội địa.

RELATED ARTICLES

Tin mới