Sáng 19/6, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-in đã đáp máy bay tới Trung Quốc. Đây là chuyến thăm lần thứ 3 của ông tới Trung Quốc kể từ cuối tháng 3.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 2 ngày 9/5. Ảnh: Yonhap
Hàn Quốc bày tỏ hy vọng chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 3 của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ giúp thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa.
Trong buổi họp báo tại Seoul, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kyu-duk nói rằng: “Chính phủ Hàn Quốc hy vọng Trung Quốc đóng vai trò xây dựng nhằm giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên”. Seoul và Bắc Kinh có chung mục tiêu chiến lược này.
Ông cho biết thêm, Hàn Quốc kỳ vọng Trung Quốc sẽ đóng vai trò tích cực trong việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên thông qua chuyến thăm lần thứ 3 của ông Kim Jong-un tới nước này.
3 chuyến thăm trong vòng 3 tháng
Trước đó, sáng 19/6, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-in đã đáp máy bay tới Trung Quốc. Đây là chuyến thăm lần thứ 3 của ông tới Trung Quốc kể từ cuối tháng 3.
Trong một động thái bất ngờ, truyền thông Trung Quốc đã nhanh chóng xác nhận thông tin về chuyến thăm của Nhà lãnh đạo Triều Tiên, đồng thời cho biết, ông Kim Jong-un sẽ ở lại Bắc Kinh 2 ngày.
Chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 3 diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng và Washington đang chuẩn bị đối thoại cấp cao để thúc đẩy thực hiện tuyên bố 4 điểm giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc gặp Thượng đỉnh tại Singapore cách đây đúng một tuần.
Tuyên bố chung kêu gọi thiết lập mối quan hệ mới giữa 2 nước đối địch trong Chiến tranh Triều Tiên, nỗ lực vì hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên, hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên cũng như việc tìm kiếm tù binh và hài cốt những người mất tích trong chiến tranh.
Trước đó, sáng sớm 19/6, Mỹ và Hàn Quốc cũng đã tuyên bố quyết định dừng cuộc tập trận chung thường niên Người bảo vệ tự do Ulchi theo kế hoạch vào tháng 8.
Trung Quốc lâu nay đã đề xuất kế hoạch ngừng đổi ngừng, theo đó, Triều Tiên ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân còn Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận chung.
Vai trò của Trung Quốc?
Ông Kim Jong-un dự kiến sẽ thông báo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về kết quả chi tiết cuộc gặp Thượng đỉnh tại Singapore ngày 12/6.
Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng nước này muốn phi hạt nhân hóa một cách hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên vì sự ổn định trong khu vực và một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về vai trò của Bắc Kinh trong các vấn đề liên quan đến Triều Tiên.
Giới quan sát đặt câu hỏi liệu mối quan hệ gần gũi giữa 2 đồng minh truyền thống có chung đường biên giới này có thể duy trì bầu không khí đối thoại tích cực hiện nay hay không.
Bắc Kinh vẫn nhiều lần nói rằng nước này cam kết thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên Trung Quốc là một thách thức tiềm tàng khi muốn gây áp lực đối với Triều Tiên bởi nước này là “nhà tài trợ” lớn nhất của Bình Nhưỡng. Trung Quốc dù lo ngại làn sóng người tị nạn Triều Tiên đổ về nước này nhưng cũng không muốn bị gạt sang lề trong tiến trình hòa bình khu vực.
Sau cuộc đối thoại của ông Kim Jong-un với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Trung Quốc hồi tháng 5, Triều Tiên khi đó đã có những tuyên bố gay gắt đối với các quan chức hàng đầu của Mỹ.
Khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng: “Khi ông Kim Jong-un gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, tôi nghĩ có một chút thay đổi thái độ từ ông ấy. Và tôi không thích điều đó”.
Giới chuyên gia nói rằng, chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc cho thấy lợi ích chiến lược của cả 2 phía. Ông Kim Jong-un cần Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ nước này, còn ông Tập Cận Bình hy vọng vẫn duy trì được vai trò của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng.
“Đó là một phần trong chiến lược ngoại giao cân bằng của Triều Tiên”, ông Kim Hyun-wook, giáo sư tại Viện Ngoại giao Hàn Quốc cho biết. Mục đích của nhà lãnh đạo Triều Tiên là giành được nhiều nhất có thể, trong đó bao gồm cả sự hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc, bằng việc sử dụng ảnh hưởng của mình từ cuộc đàm phán với Washington.
Ông Chung Jae-heung, một nhà nghiên cứu thuộc viện Sejong của Hàn Quốc cho rằng, ông Kim Jong-un và ông Tập Cậ Bình nhiều khả năng thảo luận vấn đề tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và ký một hiệp ước hòa bình.
Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải hiệp ước hòa bình. Trung Quốc cũng là một bên trong hiệp định đình chiến này.